TPHCM làm gì để 'tăng tốc': Thách thức giải ngân đầu tư công

GD&TĐ - Được giao 79.263 tỷ đồng vốn đầu tư công, nhưng sau 6 tháng đầu năm, TPHCM ước giải ngân chỉ gần 15.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 19%.

Tuyến đường Cách mạng Tháng Tám (TPHCM) được giải phóng mặt bằng khá rộng rãi để triển khai dự án Tuyến Metro số 2. (Ảnh: Quốc Hải)
Tuyến đường Cách mạng Tháng Tám (TPHCM) được giải phóng mặt bằng khá rộng rãi để triển khai dự án Tuyến Metro số 2. (Ảnh: Quốc Hải)

Trong 6 tháng còn lại, TPHCM phải giải ngân hơn 64.200 tỷ đồng - một thách thức lớn với “đầu tàu kinh tế” của cả nước.

Mỗi tháng giải ngân hơn 10.000 tỷ đồng

Số liệu vừa công bố của Cục Thống kê TPHCM cho thấy, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước tại TPHCM ước thực hiện 14.922,6 tỷ đồng; giảm 1,0% so với cùng kỳ (6 tháng năm 2023 thực hiện 15.067,9 tỷ đồng).

Trong đó, vốn ngân sách cấp thành phố quản lý ước thực hiện 14.893,8 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ, mới chỉ đạt 18,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, “nút thắt” trong giải phóng mặt bằng, thiếu nguyên vật liệu… đang là một trở ngại lớn đối với nhiều công trình trọng điểm của TPHCM. “Nút thắt” này khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng gặp khó khăn.

Chẳng hạn, tại tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), theo báo cáo của Cục Thống kê TPHCM, tính đến hết tháng 6 vừa qua mới cơ bản đã hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường 584/586 trường hợp, vẫn còn 2 hộ thuộc địa bàn Quận 3 đang được tích cực vận động bàn giao mặt bằng.

Hoặc Dự án Thành phần 1 đường Vành đai 3 thành phố được chia làm 14 gói thầu xây lắp, trong đó có 10 gói thầu xây lắp chính đã đấu thầu xong và đang triển khai. Tuy nhiên, do thiếu cát nên một số gói thầu chậm tiến độ. Điển hình, khu vực qua huyện Bình Chánh nhiều đoạn mặt bằng đã sẵn sàng, nhưng chưa triển khai vì thiếu cát.

“Việc thiếu cát là thách thức đối với mục tiêu thông xe phần cao tốc năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026”, Cục Thống kê TPHCM dự báo.

Một dự án trọng điểm khác của TPHCM là Dự án Mở rộng Quốc lộ 50 gồm 7 gói thầu xây lắp; trong đó 4/7 gói xây lắp làm đường song hành Quốc lộ 50 đạt khoảng 53% khối lượng; 3/7 gói thầu mở rộng Quốc lộ 50 hiện hữu dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Tuy nhiên, dự án đang gặp vướng mắc trong công tác bồi thường cho 11 hộ dân, tồn đọng nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, thời gian bàn giao có thể kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ toàn dự án…

TS kinh tế, luật sư Lê Bá Thường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Văn hóa doanh nghiệp lý giải, có hàng loạt nguyên nhân khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công ở TPHCM bị chậm. Đó là công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa tốt dẫn đến dự án chưa đủ điều kiện giao vốn. Thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư mất nhiều thời gian…

“Trong đó, giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Việc hỗ trợ tái định cư chưa được thống nhất hay chưa được phê duyệt dẫn đến tiến độ bàn giao mặt bằng không đạt theo kế hoạch và dẫn đến tiến độ thi công, kế hoạch giải ngân cũng ảnh hưởng theo”, ông Lê Bá Thường lý giải.

Ngoài ra, theo ông Thường, trong quá trình triển khai thực hiện dự án xuất hiện nhiều yếu tố cần phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với điều kiện thực tế tại hiện trường, đảm bảo an toàn cho công trình. Vì đó một số dự án cần phải điều chỉnh thiết kế, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, gây ra chậm kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

Có thể thấy, kết thúc quý II năm 2024 với kết quả đạt được chỉ khoảng 19% (tương ứng gần 15.000 tỷ đồng), 6 tháng còn lại, TPHCM phải giải ngân hơn 64.200 tỷ đồng (tương ứng hơn 10.000 tỷ đồng/tháng). Đây là một thách thức rất lớn với “đầu tàu kinh tế” của cả nước.

tphcm lam gi de tang toc thach thuc giai ngan dau tu cong (2).JPG
Một góc khu vực trung tâm TPHCM. (Ảnh: Lê Nam)

Linh hoạt và sắc bén

Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công, mới đây UBND TPHCM đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế thưởng cho các hợp đồng, dự án đầu tư công vượt tiến độ.

Theo UBND TPHCM, nhằm khuyến khích các nhà thầu nâng cao tinh thần trách nhiệm, có giải pháp thúc đẩy, chủ động rút ngắn tiến độ thực hiện hợp đồng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15 năm 2023 quy định về thí điểm thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Nghị định số 15 chỉ quy định áp dụng thí điểm thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Vì vậy, UBND TPHCM cho rằng, cần có cơ chế thưởng phù hợp đối với phần tiến độ thi công vượt kế hoạch đã được duyệt để tiếp tục khuyến khích các nhà thầu tích cực, chủ động tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp. Từ đó rút ngắn tiến độ thi công các dự án trọng điểm.

Đặc biệt, trong văn bản kiến nghị, UBND TPHCM cũng viện dẫn điểm d, Khoản 1, Điều 11 Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

TPHCM kiến nghị Thủ tướng xem xét ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thẩm quyền nhằm điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý, phát triển thành phố.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (TCIP) đánh giá, tính khả thi và hiệu quả của chính sách khuyến khích các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thông qua cơ chế thưởng.

“Nếu như trước đây, chỉ đơn thuần là áp lực của nhà thầu là phải đảm bảo tiến độ theo hợp đồng để giải ngân, thì việc có cơ chế khuyến khích thưởng vượt tiến độ sẽ tạo được động lực cho nhà thầu trong việc tăng cường nhân lực, ca kíp, thậm chí là chủ động được nguồn vật liệu xây dựng dự trữ sẵn để đẩy nhanh tiến độ”, ông Phúc nói.

Ở góc độ chuyên gia, TS Lê Bá Thường đề xuất hàng loạt giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công tại TPHCM. Đề xuất gồm: Đẩy nhanh tiến độ giải phóng, đền bù mặt bằng để bàn giao và đảm bảo tiến độ dự án, công trình mặt bằng; bổ sung kịp thời, tạo điều kiện về nguồn vốn, hạn chế nợ đọng; chú trọng bình ổn về giá nguyên vật liệu, xây dựng để bảo đảm hợp đồng, hỗ trợ điều chỉnh hợp đồng nếu biến động giá chênh lệch.

“Đặc biệt, TPHCM cần phải giải quyết các tình huống phát sinh linh hoạt và sắc bén. Đồng thời, xử lý nghiêm các tình trạng gây cản trở, làm khó, làm chậm tiến độ thiếu trách nhiệm trong quá trình thi công”, chuyên gia này kiến nghị.

Từ nay đến cuối năm 2024, mỗi tháng TPHCM phải giải ngân ít nhất 10.000 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng được giao trực tiếp chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công hàng ngày, hàng tuần. Các sở, ngành, địa phương căn cứ vào Chương trình hành động về đầu tư công để tiếp tục khẩn trương triển khai các đầu việc. Đồng thời, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các chủ đầu tư xử lý các nhà thầu chậm tiến độ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.