TPHCM làm gì để 'tăng tốc': Phát triển nhưng chưa đạt mục tiêu

GD&TĐ - Cục Thống kê TPHCM ra báo cáo sơ kết KTXH quý II/2024 và 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, song còn nhiều khó khăn.

Một dự án bất động sản đang được triển khai tại TP Thủ Đức, TPHCM.
Một dự án bất động sản đang được triển khai tại TP Thủ Đức, TPHCM.

GRDP tăng 6,46%

Cục Thống kê TPHCM vừa ra báo cáo sơ kết tình hình kinh tế - xã hội quý II/2024 và 6 tháng đầu năm 2024. Cơ quan này ghi nhận rõ nét những dấu hiệu hồi phục kinh tế - xã hội của TPHCM trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng tăng 6,46% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tăng 5,6% - là mức cao nhất trong 3 năm gần đây. Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 264.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và đạt gần 55% dự toán năm 2024 ( thu nội địa tăng mạnh 26,1% và tăng đều ở cả 3 khu vực: Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI và khu vực ngoài Nhà nước).

Xét tỷ trọng đóng góp của 9 ngành dịch vụ trọng yếu trong tăng trưởng GRDP của TPHCM 6 tháng đầu năm 2024 thì giá trị tăng thêm của 9 ngành này chiếm khoảng 60% trong GRDP và chiếm 91,3% trong khu vực dịch vụ.

Trong số này, 4/9 ngành có tỷ trọng tăng trưởng cao và chiếm 63,1% nội bộ khu vực dịch vụ gồm thương nghiệp (16,4%), vận tải kho bãi (10,5%), tài chính ngân hàng (9,1%), hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ (5,4%).

Về thương mại và dịch vụ, ghi nhận tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn ước tăng trưởng khá với mức tăng 10% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 10,2%, lưu trú và ăn uống tăng 8,1%, dịch vụ lữ hành tăng 63,3% và dịch vụ khác tăng 7,2%.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,55%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,44%; khu vực dịch vụ chiếm 43,35%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,66%. Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2023 là 11,64%; 36,46%; 43,10%; 8,80%.

Báo cáo của Cục Thống kê TPHCM cũng chỉ ra những nỗi lo ở đầu tư công và chi ngân sách đều giảm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm vốn đầu tư công ước giải ngân gần 15.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 19% dù mục tiêu đề ra ít nhất 30% vào cuối quý II.

tphcm lam gi de tang toc.png
Cơ cấu GRDP 6 tháng đầu năm của TPHCM.

Hiện thực hóa Nghị quyết 98

Kinh tế - xã hội TPHCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2024, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.

Chiều 1/7, trong phiên họp thường kỳ tháng 6 năm 2024, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm 2024, các sở, ban, ngành thành phố, TP Thủ Đức và quận, huyện tập trung hết sức để tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn, cản trở để thúc đẩy tăng trưởng.

Tăng trưởng của quý III phải vượt lên trên 7% và quý IV phải vượt lên nữa thì mới có thể đạt được tăng trưởng cả năm là 7,5 - 8%.

Trung tuần tháng 6/2024, hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI (mở rộng) cũng phân tích và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp về kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, trong điều kiện khó khăn chung, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, kinh tế - xã hội của TPHCM có nhiều chuyển biến rất tích cực.

GRDP của thành phố tăng trưởng khá; các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ trọng yếu tiếp tục đà phục hồi; hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc và thu được nhiều kết quả; thu ngân sách tăng khá và tiếp tục duy trì ổn định.

Nhiều công trình, dự án được khởi công xây dựng và hoàn thành, nhiều vướng mắc, tồn đọng được tháo gỡ, giải quyết. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động, việc làm, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, an toàn.

Tuy nhiên, lãnh đạo Thành ủy TPHCM cũng nhìn nhận, ngoài mức tăng trưởng GRDP chưa đạt so với mục tiêu đặt ra, tăng trưởng tín dụng thấp, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn yếu. Một số yếu tố cạnh tranh của thành phố cải thiện chậm, điều này tác động nhiều mặt trong quá trình đầu tư và phát triển thành phố.

Việc giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ thấp. Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải cách môi trường đầu tư có bước tiến khá và đồng đều, nhiều chỉ số có nâng lên, thứ hạng có tăng, nhưng cũng còn một số chỉ số quan trọng chưa có chuyển biến.

Hội nghị đã thảo luận và thống nhất 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Trong đó, thành phố sẽ tập trung nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ chủ yếu năm 2024, là tiền đề để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025 Đại hội XI đề ra.

Thành phố cũng đẩy mạnh các hoạt động, hiện thực hóa Nghị quyết 98, tập trung giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố về tiến độ và hiệu quả.

Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát “Chương trình hành động giải ngân vốn đầu tư công năm 2024”, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân trên 95%. Trong đó, chú trọng tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thiếu nguyên vật liệu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện, đưa vào sử dụng các dự án, nhất là các dự án về hạ tầng giao thông, môi trường và chỉnh trang đô thị.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số… sẽ tiếp tục được hoàn thiện, nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh hiện đại, minh bạch, thông suốt phục vụ người dân và doanh nghiệp. Công tác thống kê, rà soát, nghiên cứu, dự báo cung cầu lao động, hỗ trợ cung ứng lao động cho các ngành sản xuất… cũng được chú trọng.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XI vừa qua đã thống nhất quan điểm, rà soát lại chỉ tiêu chính, các nhiệm vụ giải pháp, đặc biệt là 49 chương trình dự án, đề án trọng điểm về kinh tế - xã hội. “Trong 49 đề án đặt ra, cộng với kế hoạch triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển TPHCM, chúng ta cần chọn ra những chương trình cần tập trung, việc gì cần làm ngay để hoàn thành hồ sơ cũng như khởi công, khánh thành đối với các dự án nhằm báo cáo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XII”, ông Phan Văn Mãi yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.