Quy định cũ trói buộc người dân
Để tháo gỡ vướng mắc cho hàng ngàn hộ dân không thể tách thửa đất, HoREA vừa có văn bản gửi UBND TPHCM về việc kiến nghị khẩn trương sửa đổi Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND (Quyết định 60) ngày 5/12/2017 của UBND TPHCM. Đây là văn bản “Quy định diện tích tối thiểu được tách thửa”.
HoREA nhận định, Quyết định 60 nhằm góp phần chặn đứng nạn “đầu nậu núp bóng chủ đất” để phân lô bán nền trái phép. Nhưng có một số quy định của Quyết định này đã làm “ách tắc” hoạt động tách thửa đất tại một số khu vực, nhất là tại các quận ven và huyện ngoại thành trong gần 3 năm qua. Nó làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng và nhu cầu tách thửa “thật” của rất nhiều cá nhân, hộ gia đình.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, bất cập lớn nhất của Quyết định 60 là Khoản (1.a) Điều 5 Quyết định 60. Điều này quy định: “Thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở) và có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, để thu hồi thực hiện dự án thì không được tách thửa đất”.
“Đây là những quy định không có căn cứ pháp luật vì các quy định về “quy hoạch đất ở xây dựng mới”, “quy hoạch đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở)” đều không có trong các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, như “quy hoạch xây dựng vùng liên huyện”, “quy hoạch xây dựng vùng huyện”, “quy hoạch chung xây dựng khu chức năng”, “quy hoạch phân khu”, “quy hoạch chi tiết xây dựng” theo Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị (như đã nêu trên). Do vậy, cần bãi bỏ quy định: “Thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở)” tại Khoản 1.a Điều 5 Quyết định 60” - ông Châu cho biết.
Cũng theo văn bản kiến nghị, quyết định 60 không chỉ “đẻ ra” thuật ngữ làm khó người dân. Trong nội dung hướng dẫn tại mục 2.1 Công văn 914 và tại Công văn 3771 của Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM còn phát sinh thêm các nội dung “có tính quy phạm pháp luật”, “làm khó” cho UBND quận, huyện trong công tác giải quyết tách thửa trên địa bàn. Cụ thể như “UBND quận, huyện xác định các khu vực quy hoạch chức năng đất dân cư hiện hữu (dân cư hiện trạng); đất dân cư hiện hữu kết hợp chỉnh trang, kể cả đất dân cư xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp có chức năng ở (có dân cư hiện hữu) thuộc các trường hợp được tách thửa đất ở theo Quyết định 60”….
Bên cạnh đó, còn có một vướng mắc lớn khác có liên quan đến thực hiện tách thửa, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất bao gồm hộ gia đình, cá nhân, đó là cần phải kịp thời “xóa treo” các quy hoạch “treo”. Bởi Khoản 1 Điều 15 Luật Xây dựng đã quy định “định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Định kỳ rà soát đối với quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện là 10 năm, đối với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu là 5 năm, đối với quy hoạch chi tiết là 3 năm kể từ ngày quy hoạch xây dựng được phê duyệt”.
Chính những quy định “cài cắm” này đang khiến hàng ngàn người dân khổ sở vì quyền lợi bị treo suốt nhiều năm nay.
Phải sửa ngay Quyết định 60
Để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng ngàn hộ dân tách thửa đất, HoREA kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung Quyết định 60, để cơ quan chính quyền địa phương có thể thi hành, giải quyết thủ tục cho nhân dân.
Cụ thể, cần bỏ nội dung “thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở) và có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, để thu hồi thực hiện dự án thì không được tách thửa đất” tại Khoản (1.a) Điều 5 Quyết định 60/2017/QĐ-UBND.
Bên cạnh đó biên tập lại các trường hợp không được tách thửa đất hiện đang quy định tại Điểm a Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 5 thành Khoản 5 và Khoản 6 (mới) Điều 4 (Những trường hợp không được tách thửa) Quyết định 60/2017/QĐ-UBND.
Ngoài ra, HoREA đề nghị UBND TPHCM tiếp tục chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM khẩn trương rà soát các quy hoạch trên địa bàn để điều chỉnh cho phù hợp, kịp thời “xóa treo” các quy hoạch “treo”. Đây là cơ sở pháp lý để giải quyết nhu cầu tách thửa của nhiều hộ gia đình, cá nhân đang bị “treo” quyền lợi trong các khu vực có quy hoạch “treo”.
“Đúng là quận, huyện có trách nhiệm rà soát hỗ trợ nhưng vai trò chỉ đạo, phối hợp, tổng hợp kết quả để giải quyết là của Sở Quy hoạch Kiến trúc, không thể đổ về cho quận, huyện…” - ông Lê Hoàng Châu nói.
Trong văn bản kiến nghị, HoREA cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo các Sở, ngành chức năng, nhất là UBND quận, huyện kiện toàn và phát huy vai trò, vị trí của “Tổ công tác liên ngành” thực hiện “Quyết định 60”, để xem xét các trường hợp hộ gia đình, cá nhân xin tách thửa. Hạn chế tối đa tình trạng “đầu nậu” núp bóng các cá nhân, hộ gia đình thực hiện tách thửa các thửa đất ở có quy mô diện tích lớn, dẫn đến tình trạng phân lô bán nền tràn lan, phá vỡ quy hoạch đô thị và làm tăng gánh nặng lên hệ thống hạ tầng.
Đặc biệt, HoREA đề nghị xem xét chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng TPHCM về cấp phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, trên thửa đất sau khi tách thửa đất nông nghiệp. Nó giúp sử dụng đất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, nhân rộng và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong kỷ nguyên số hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.