Theo thống kê từ Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TPHCM), toàn thành phố có 413 lớp bồi dưỡng trực tiếp, với sự tham gia của hơn 6.200 cán bộ quản lý và giáo viên. Riêng môn tiếng Anh triển khai cả hai hình thức bồi dưỡng trực tiếp và trực tuyến. Trong đó, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên tham gia bồi dưỡng trực tiếp môn tiếng Anh là hơn 720 người; gần 200 người tham gia bồi dưỡng trực tuyến.
Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức bồi dưỡng trực tiếp đối với các bản sách do 4 nhà xuất bản phát hành, gồm: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Huế.
Các giáo viên tham gia tập huấn tại Trường Tiểu học An Bình (TP Thủ Đức). |
Qua các lớp bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đã được nghe các tổng chủ biên, chủ biên, tác giả viết sách và các báo cáo viên chia sẻ quan điểm biên soạn sách, cấu trúc sách, cấu trúc bài học, nội dung dạy học, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động dạy học và phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh; Đồng thời thực hành xây dựng kế hoạch bài dạy và thực hiện kiểm tra, đánh giá.
Ngày 2/8, Sở GD&ĐT TPHCM cũng đã khai mạc lớp tập huấn sách giáo khoa theo chương trình GDPT mới cho giáo viên lớp 7, 10 trên địa bàn. Việc tập huấn diễn ra từ ngày 1 đến 12/8 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Hình thức trực tiếp dành cho sách giáo khoa tiếng Anh, các sách giáo khoa còn lại trực tuyến. Các môn đều được tập huấn trọn một ngày. Tất cả lãnh đạo các cơ sở giáo dục và giáo viên tham gia giảng dạy, giáo viên dự kiến phân công đều tham gia tập huấn. Giáo viên hoàn thành khóa bồi dưỡng phải có bài thu hoạch cuối khóa.
Các lớp tập huấn sách giáo khoa lớp 3 diễn ra sôi nổi. |
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, thời gian qua, có tình trạng giáo viên bị phê bình, kiểm điểm, thậm chí hạ thi đua khi kết quả học tập của học sinh thấp. Ông Hiếu đề nghị khi thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới, cách đánh giá giáo viên cũng phải thay đổi, lãnh đạo các trường không nên áp lực thành tích dạy học trong các năm học đầu thay đổi chương trình.
“Khi chương trình mới hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thì việc xác định, đánh giá có nhiều vấn đề không như mong muốn. Có thể kết quả ban đầu không được như trước nhưng kiên trì, sau một thời gian các em sẽ đạt được những yêu cầu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Vì vậy cách đánh giá phải phù hợp với nội dung chương trình, không nên áp cách đánh giá cũ vào chương trình mới. Đặc biệt câu hỏi kiểm tra tất cả các môn đều phải theo hướng xây dựng ma trận đánh giá phẩm chất, đánh giá năng lực học sinh, không phải ra đề thi theo lối mòn”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Ngày 12/7, UBND TPHCM đã ban hành quyết định phê duyệt sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 theo chương trình GDPT mới sử dụng từ năm học 2022-2023. Trong đó, mỗi môn học đều có nhiều đầu sách của nhiều nhà xuất bản. Cụ thể, có 31 sách giáo khoa lớp 7, 51 sách lớp 10 và 24 sách lớp 3. Căn cứ trên danh mục này, các trường thống nhất, lựa chọn một bộ sách giáo khoa phù hợp nhất với học sinh, giáo viên của trường mình.