Dân mong được tái định cư
Thông tin trên đã làm nhiều người dân đang ở ven kênh Đôi (Q.8) lo lắng. Gia đình bà Đặng Thị Huệ ở ngay dưới chân cầu Rạch Ông thuộc P.1 đứng ngồi không yên vì lo không có nhà TĐC.
Trước đây, gia đình bà Huệ từng bị giải tỏa nhà ven kênh ở đường Bến Vân Đồn (Q.4). Lúc đó, bà Huệ được bố trí TĐC tại chung cư H1 (Q.4) nhưng vì tiền bồi thường hỗ trợ quá ít, gia đình không có tiền bù thêm nên bà Huệ phải bán suất TĐC rồi qua khu vực ven kênh Đôi tá túc đến nay.
An cư chưa được bao lâu thì bà Huệ được tin Nhà nước có kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch, nhà của bà sẽ bị di dời một lần nữa. Chưa biết chính xác thời gian phải di dời, nhưng bà Huệ nói lần này nhất quyết gia đình bà phải mua cho được nhà TĐC.
"Mua được nhà TĐC mới có chỗ ở ổn định. Bao nhiêu năm nay gia đình tôi sống bấp bênh, giờ phải di dời lần nữa làm gia đình mệt mỏi. Thu nhập của gia đình tôi cũng không nhiều, Nhà nước cho mua nhà hoặc đất TĐC trả góp tại vị trí ở xa cũng được" - bà Huệ quả quyết.
Còn ông Nguyễn Văn Nai ở ven rạch Lăng thuộc P.13, Q.Bình Thạnh cũng lo lắng không yên vì thông tin Nhà nước sẽ di dời, cải tạo rạch. Ông Nai về rạch Lăng ở từ năm 1980, nay gia đình đã có thêm 5 gia đình nhỏ là các con ông.
Cả con cháu ông Nai hiện là 21 thành viên nhưng vẫn ở trong những căn nhà bám trên mặt nước. Nhà trên rạch không có số, người ở không đăng ký được hộ khẩu thường trú, gần đây cũng không được đăng ký tạm trú tạm vắng...
Ông Nai mong muốn: "Khi làm dự án, chỉ mong Nhà nước tạo điều kiện cho các con tôi được thuê nhà gần khu vực này để ổn định chỗ ở, tiếp tục cuộc sống tại khu đất đã quen thuộc gần 40 năm nay".
Bày tỏ quan điểm về việc mua hay cấp suất nhà TĐC, một vị đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng chính sách bồi thường hiện nay đã sát giá thị trường. Do đó sau khi được đền bù, người dân sẽ tự mua nhà TĐC trên thị trường. Những trường hợp di dời nhưng số tiền bồi thường hỗ trợ thấp sẽ được bố trí mua, thuê mua hoặc thuê nhà ở xã hội.
"Từ nay đến năm 2020, TP có thêm 20.000 căn nhà ở xã hội hoàn thành, sẽ có đủ chỗ cho người dân bị di dời mua nhà ở xã hội để TĐC" - vị đại diện này khẳng định.
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng thì phần lớn trong 20.000 căn nhà ở xã hội trên do doanh nghiệp xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Chuyên gia Lê Văn Thành (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) nhận định với trường hợp này, việc tiếp cận nhà ở xã hội của người dân không dễ dàng.
Người dân bị di dời là một trong những đối tượng được mua nhà ở xã hội, nhưng họ khó chứng minh có thu nhập đủ điều kiện để trả nợ nếu phải vay thêm ngân hàng. Phần lớn người dân bị di dời trong các dự án ven kênh rạch là lao động tự do, buôn bán nhỏ, thu nhập không ổn định... nên việc vay ngân hàng rất khó.
Phải có nhà TĐC trước khi di dời
Theo đại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Bình Thạnh, thực tế cho thấy nhiều người dân tuy có khả năng mua nhà thương mại sau khi di dời nhưng vẫn muốn mua nhà TĐC của Nhà nước. Đó là tiêu chuẩn của dân theo chính sách và Nhà nước phải đáp ứng.
"Những năm tới, Q.Bình Thạnh có nhiều dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch. Có nhiều trường hợp nhà có diện tích nhỏ hoặc nằm hoàn toàn trên kênh, số tiền bồi thường, hỗ trợ rất thấp, không đủ tiền mua một căn hộ khác ngoài thị trường. Vì vậy, cần thiết phải có nhà TĐC của Nhà nước để giải quyết cho dân" - đại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Bình Thạnh cho hay.
Cũng theo vị đại diện này, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm sắp triển khai có 915 hộ giải tỏa trắng, trong khi quỹ nhà TĐC của quận hiện khoảng 300 căn hộ. Quận sẽ báo cáo với UBND TP và Sở Xây dựng để tìm nguồn nhà điều tiết thêm.
"Trước khi phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC thì phải có ít nhất số căn hộ TĐC bằng 1/2 số hộ bị giải tỏa trắng mới yên tâm" - một cán bộ Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Bình Thạnh nói.
Tương tự, những năm tới, Q.8 cũng cần khoảng 9.500 căn hộ TĐC để bố trí cho người dân bị di dời trong các dự án chỉnh trang đô thị trên địa bàn. Hiện có 9 dự án nhà chung cư đang xây dựng và làm thủ tục đầu tư, dự kiến sẽ tạo nguồn nhà TĐC và nhà ở xã hội mà quận này cần.
Lãnh đạo UBND Q.8 nhận định rằng có nhà để bố trí TĐC hay không chính là yếu tố quyết định việc thành bại của công cuộc di dời, TĐC nhà dân trên và ven kênh rạch. Q.8 đang đề xuất với TP là khi doanh nghiệp đã có sản phẩm rồi thì Nhà nước phải mua lại nhà.
Quy định buộc Nhà nước phải có nhà TĐC trước khi di dời, người dân phải được biết nhà TĐC ở đâu, căn hộ như thế nào. Vì vậy, Nhà nước phải có nhà TĐC, không xây thì phải mua lại của doanh nghiệp.
Trước những nỗi lo trên, tại cuộc họp về kế hoạch phát triển và quản lý nhà ở, đất ở phục vụ TĐC mới đây, lãnh đạo UBND TP lại cho biết sẽ hạn chế dùng tiền ngân sách xây nhà TĐC. Thay vào đó, UBND TP có thể sẽ mua lại nhà của doanh nghiệp để bố trí TĐC cho người dân có đất bị thu hồi, giải tỏa.