TP.HCM: Đề xuất ưu tiên ngân sách xây phòng học

GD&TĐ - Sở GD&TP.HCM vừa tổ chức cuộc họp giao ban về thực hiện công tác quy hoạch mạng lưới và đầu tư xây dựng trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng 2020-2025.

Niềm vui trong ngày khánh thành trường mới của cô và trò Trường Tiểu học Phạm Văn Chính, quận 9.
Niềm vui trong ngày khánh thành trường mới của cô và trò Trường Tiểu học Phạm Văn Chính, quận 9.

Theo đó, hiện nay, thành phố đạt tỷ lệ 278 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi), để đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân theo Nghị quyết ĐH Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, UBND các quận, huyện cần rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, có những giải pháp kịp thời trong bố trí quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học nhằm đảm bảo mục tiêu nói trên.

Theo báo cáo của Sở, tính đến tháng 9/2019, TP có 832 dự án lĩnh vực GD-ĐT được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 với tổng số phòng học mới dự kiến tăng thêm là 15.867 phòng. Trong đó, đã có 322 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng với 5.883 phòng học mới.

Theo tính toán của Sở GD&ĐT, số phòng học cần tiếp tục đầu tư xây mới từ nay đến năm 2020 là hơn 7.000 phòng. Trong đó, bậc mầm non có nhu cầu bổ sung cao nhất là 3.440 phòng, tiểu học với 2.506 phòng, bậc trung học cần bổ sung hơn 1.000 phòng học.

Thêm vào đó, trong năm học tới 2020-2021, để thực hiện chương trình GD phổ thông tổng thể, đảm bảo việc tổ chức 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày và sĩ số 35 học sinh/lớp theo quy định của điều lệ trường tiểu học, TP cần bổ sung thêm 1.039 phòng.

Trước thực tế đó, Sở GD&ĐT kiến nghị, các quận, huyện thường xuyên rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học ở các cấp học để có các giải pháp kịp thời trong bố trí quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học nhằm đảm bảo mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân số.

Đối với các quận, huyện có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, hoặc trong quá trình đô thị hóa cao, khó khăn về CSVC, sĩ số cao, tỷ lệ 2 buồi/ngày thấp như các quận 7, 12, Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh, Hóc Môn, cần kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập cư, tránh làm vỡ các đồ án quy hoạch đã phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt, đề xuất đầu tư phát triển theo phương án liên phường, bố trí theo địa bàn khu vực.

Đặc biệt, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng đề nghị các quận, huyện lập kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch theo Quyết định 02/2003 của UBND TP, định hướng đến năm 2025 phù hợp với tình hình mới về phát triển kinh tế - xã hội ở từng quận, huyện.

Sở GD&ĐT cũng có kiến nghị với UBND TP.HCM cần xem xét chấp thuận việc mở rộng diện tích đất và nâng tầng cao các trường hiện hữu trong khu vực nội thành hạn hẹp về quỹ đất để tăng thêm phòng học, phòng chức năng nhằm nâng cao chất lượng dạy học;

TP cần có kế hoạch huy động nguồn vốn để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đầu tư xây dựng trường học theo quy hoạch được phê duyệt;

Ưu tiên ngân sách để đầu tư tăng thêm phòng học nhằm đáp ứng kịp thời tốc độ phát triển dân số, đô thị hóa nhanh các địa bàn chịu áp lực cao; quan tâm xem xét, điều chỉnh các quy định về quy hoạch đất giáo dục để thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập các trường ngoài công lập và đẩy mạnh việc ban hành các chính sách phù hợp nhằm thu hút các nguồn lực XH đầu tư phát triển GD…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...