TP Vinh (Nghệ An): Hướng dẫn về tổ chức kiểm tra môn Tiếng Việt, Toán lớp 5

TP Vinh (Nghệ An): Hướng dẫn về tổ chức kiểm tra môn Tiếng Việt, Toán lớp 5

Phòng GD&ĐT TP Vinh, Nghệ An vừa ban hành hướng dẫn về tổ chức kiểm tra môn Tiếng Việt, Toán lớp 5, nghiệm thu và bàn giao chất lượng năm học 2019 – 2020. Trong 3 năm gần đây, đề kiểm tra được đánh giá khó, có năm môn Toán không có bài nào đạt điểm 10.

Kiểm tra định kỳ vào ngày 7/7

Theo hướng dẫn của Phòng GD&ĐT TP Vinh (Nghệ An) việc tổ chức kiểm tra định kỳ cho học sinh lớp 5 trên địa bàn sẽ được tổ chức đồng loạt vào sáng ngày 7/7. Thời gian làm bài môn Toán 40 phút, môn Tiếng Việt 60 phút.

Mỗi trường tiểu học thành lập Hội đồng kiểm tra bao gồm chủ tịch Hội đồng, giáo viên giám sát và giáo viên coi kiểm tra. Hướng dẫn cũng quy định về những vật dụng học sinh được mang vào phòng kiểm tra. Các hội đồng tổ chức kiểm tra theo lịch biểu quy định gồm: Thời gian cho học sinh vào phòng, mở niêm phong đề, phát đề, thời gian làm bài, quản lý giám sát học sinh trong thời gian nghỉ giải lao giữa 2 môn Toán – Tiếng Việt…

TP Vinh (Nghệ An): Hướng dẫn về tổ chức kiểm tra môn Tiếng Việt, Toán lớp 5 ảnh 1
"Giao lưu học sinh tiểu học" tại TP Vinh, Nghệ An. Ảnh tư liệu.

Đáng chú ý, đề kiểm tra định kỳ được ra chung cho tất cả các trường tiểu học TP Vinh. Sau khi hoàn thành kiểm tra, các trường tiểu học chịu trách nhiệm chấm bài. Toàn bộ đề thừa phải được niêm phong sau giờ làm bài trả về Phòng GD&ĐT kèm với kết quả chấm kiểm tra vào 8/7.

TP Vinh (Nghệ An): Hướng dẫn về tổ chức kiểm tra môn Tiếng Việt, Toán lớp 5 ảnh 2
Học sinh tiểu học TP Vinh trong cuộc giao lưu thi viết chữ đẹp

Hướng dẫn tổ chức kiểm tra định kỳ trên của UBND thành phố Vinh được nhiều người đánh giá nghiêm ngặt như quy chế thi THPT quốc gia. Theo tìm hiểu, ngoài TP Vinh, chưa có địa phương nào tổ chức kiểm tra định kỳ chung cho học sinh lớp 5 mà giao về cho trường tiểu học chủ động.

Đề thi được đánh giá là khó, cá biệt năm 2017, toàn TP Vinh không có bài kiểm tra môn Toán nào được 10 điểm. Thời điểm đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng khẳng định đề kiểm tra định kỳ môn Toán lớp 5 của TP Vinh vượt chuẩn kiến thức, kỹ năng. Phòng GD&ĐT TP Vinh xin rút kinh nghiệm để các kỳ kiểm tra tiếp theo biên tập đề sát với thực tế học sinh hơn.

Tuy nhiên, anh Hoàng Tuấn (xã Nghi Kim, TP Vinh) cho biết: "Năm 2019, con gái tôi học lớp 5, bài kiểm tra định kỳ đề khó và cháu đạt điểm thấp. Dù cháu có học lực tốt và bản thân gia đình không đặt nặng áp lực thành tích cho con cái, nhưng cháu vẫn rất buồn".

Phòng không trực tiếp ra đề cho các trường

Việc kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện theo văn bản hợp nhất thông tư 22 và 30 của Bộ GD&ĐT. Trong đó, Hiệu trưởng có trách nhiệm chỉ đạo nghiệm thu, bàn giao chất lượng học sinh. Riêng với học sinh lớp 5, tổ chuyên môn ra đề kiểm tra định kì cuối năm học cho cả khối; tổ chức coi, chấm bài kiểm tra có sự tham gia của giáo viên trường THCS trên cùng địa bàn.

TP Vinh (Nghệ An): Hướng dẫn về tổ chức kiểm tra môn Tiếng Việt, Toán lớp 5 ảnh 3
Học sinh Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 (TP Vinh, Nghệ An) trong tiết học STEM

Lý giải về việc Phòng GD&ĐT làm việc thay trường, bà Hoàng Thị Phương Thảo – Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh cho rằng việc tổ chức kiểm tra định kỳ với đề chung không trái với thông tư 22 mà vẫn phù hợp. 

Cụ thể, quá trình ra bao gồm các bước: Các trường tự ra đề kiểm tra định kỳ trên cơ sở ma trận đề thi của Phòng rồi nộp lại. Về phía Phòng sẽ biên tập, kiểm định đề của các trường và cho ra 1 đề chung của thành phố. "Như vậy, trên thực tế Phòng không trực tiếp ra đề cho các trường", bà Hoàng Phương Thảo nói.

Trưởng phòng GD&ĐT Tp Vinh cũng cho biết, kỳ kiểm tra này có 2 mục tiêu, không chỉ mang tính chất đánh giá định kỳ mà còn bàn giao chất lượng cho bậc THCS. Vì vậy, Phòng muốn có một thước đo chung, khách quan để đánh giá mặt bằng giáo dục tiểu học của cả thành phố. 

Nếu mỗi trường tự dạy học, tự kiểm tra đánh giá với mức độ đề khác nhau sẽ không khách quan. Việc tổ chức kỳ kiểm tra này Phòng GD&ĐT TP Vinh cũng đã xin ý kiến của lãnh đạo UBND TP Vinh, Sở GD&ĐT Nghệ An và đã được đồng ý.

TP Vinh (Nghệ An): Hướng dẫn về tổ chức kiểm tra môn Tiếng Việt, Toán lớp 5 ảnh 4
Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Lê Mao, TP Vinh.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh TP Vinh băn khoăn kỳ kiểm tra chất lượng định kỳ như trên có thể sẽ tạo áp lực cho con em mình. Mặt khác, những năm gần đây, kết quả kỳ kiểm tra bàn giao chất lượng giữa 2 cấp tiểu học – THCS này cũng là một tiêu chí quan trọng để xét tuyển vào Trường THCS Đặng Thái Mai – trường trọng điểm, chất lượng cao của TP Vinh. 

"Cá nhân tôi thấy 3 năm qua, đề kiểm tra định kỳ của Phòng GD&ĐT đều rất khó, thậm chí năm sau khó hơn năm trước. Nếu có cả mục đích làm căn cứ tuyển sinh cho trường điểm, thì kỳ kiểm tra này chỉ phục vụ cho một nhóm học sinh rất nhỏ của thành phố. Như vậy sẽ không công bằng và áp lực đối với phần đông các cháu còn lại", một phụ huynh Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh) bày tỏ.

Trong khi đó, Thông tư 22 chỉ rõ yêu cầu của đánh giá học sinh tiểu học là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, giúp học sinh phát huy nhiều khả năng - "Không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh".

Năm học 2019 – 2020 là một năm đặc biệt, học sinh nghỉ học 2 tháng để phòng dịch. Sau khi đi học trở lại, chương trình kiến thức năm học được tinh giản để phù hợp với thực tế. Bộ GD&ĐT cũng có chủ trương giảm tải các cuộc thi nhằm tránh gây áp lực cho học sinh.

Về phía Sở GD&ĐT Nghệ An, năm học này đã bỏ kỳ thi chọn HSG tỉnh. Do đó việc tổ chức kỳ kiểm tra định kỳ của TP Vinh cũng cần cân nhắc cho phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ