TP Vinh (Nghệ An): Bất ngờ từ rà soát phổ cập theo... danh sách xét nghiệm Covid-19

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh tại TP Vinh, Nghệ An tỏ ra bất ngờ khi con em bị đưa ra khỏi danh sách phổ cập của phường. Một trong những căn cứ rà soát phổ cập đợt này là theo danh sách xét nghiệm Covid-19 toàn thành phố.

Giáo viên Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 (TP Vinh, Nghệ An) kiểm tra danh sách tuyển sinh đầu cấp.
Giáo viên Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 (TP Vinh, Nghệ An) kiểm tra danh sách tuyển sinh đầu cấp.

Trả học sinh về đúng nơi cư trú

Năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công tác phổ cập của TP Vinh (Nghệ An) được thực hiện chủ yếu bằng trực tuyến và qua điện thoại để xác minh thông tin phụ huynh đã cung cáp.

Liên quan đến công tác này, UBND thành phố Vinh đã có văn bản về việc hướng dẫn công tác điều tra phổ cập giáo dục xóa mù chữ. Trong đó yêu cầu các phường xã lấy dữ liệu xét nghiệp sàng lọc Covid – 19 lần 3 tại các khối, xóm dân cư làm căn cứ cập nhật dữ liệu điều tra phổ cập năm 2021. Đó là thời điểm TP Vinh thực hiện chỉ thị 16 cao hơn 1 mức, “ai ở đâu, ở yên đó”.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành công tác phổ cập, thì nhiều phụ huynh cho rằng kết quả thiếu chính xác, không phù hợp với thực tế. Chị P.T.H. có con học trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 cho hay, do chồng đi công tác xa, nên nhiều năm nay mẹ con chị ở chung với ông bà nội tại phường Hà Huy Tập.

Tuy nhiên, theo danh sách phổ cập mới công bố, con chị lại chuyển sang phổ cập ở xã Nghi Phú. Lý do thời điểm Chỉ thị 16, chị cùng con ở tại văn phòng đại diện cơ quan đóng tại một khu chung cư thuộc xã Nghi Phú và test Covid – 19 tại đây. Chị P.T cho rằng chuyển phổ cập của gia đình sang xã Nghi Phú là chưa hợp lý.

Phụ huynh đưa con đến tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 (TP Vinh, Nghệ An) năm 2020.
Phụ huynh đưa con đến tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 (TP Vinh, Nghệ An) năm 2020.

Ngoài gia đình trên, phường Hà Huy Tập còn “trả phổ cập” 300 trường hợp học sinh về các phường xã khác. Trong đó, có 98 cháu tuổi mầm non, 141 HS tiểu học và 62 em THCS.

Theo bà Hoàng Thị Phương Thảo – Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Vinh cho biết thêm: Nhiều năm nay, Hà Huy Tập là địa bàn “nóng” nhất của thành phố trong công tác tuyển sinh và một trong những lý do chính là số học sinh “nhập” hộ khẩu vào phường quá nhiều. Điều này tạo áp lực rất lớn cho các nhà trường và cho các lớp học. Như hiện tại Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 có hơn 2000 học sinh và có thể tăng trong những năm tới. Tuy nhiên, hiện nay trường không có quỹ đất để xây thêm lớp học.

Việc tuyển sinh của các trường học trên địa bàn phương Hà Huy Tập nóng chủ yếu xuất phát từ chất lượng dạy học tại đây nằm tốp đầu thành phố. Vì vậy, phụ huynh ở phường lân cận có nhu cầu gửi phổ cập để con được nhập học tại đây.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở một số phường có kết quả giáo dục nổi bật như Hưng Dũng, Lê Mao, Lê Lợi.

Để “sàng lọc” đúng đối tượng học sinh, từ hai năm nay, TP Vinh siết chặt phổ cập. Kết quả, có hàng nghìn trường hợp dù có hộ khẩu phường này nhưng gia đình lại có nhà ở, sinh sống tại phường khác.

Cụ thể, theo tổng hợp của Phòng GD&ĐT TP Vinh, năm 2020, sau khi rà soát lại danh sách phổ cập, toàn phường Hà Huy Tập đã giảm 2.091 người, trong đó độ tuổi học sinh giảm 500 em. Phường Hưng Dũng năm 2020, giảm 41 HS, năm 2021 giảm 55 HS so với danh sách phổ cập trước đó. Tại phường Lê Mao năm 2020 giảm 108 HS và năm 2021 giảm 50 HS.

Không để ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ

Theo bà Hoàng Thị Phương Thảo – Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh, thực chất công tác phổ cập là căn cứ để thành phố xây dựng kế hoạch các năm học kế tiếp. Tuy nhiên, do nhiều phụ huynh muốn cho con nhập học vào trường được coi là “tốp đầu” của thành phố nên tìm cách “gửi phổ cập”.

Điều này khiến các nhà trường và địa phương vất vả “điều tra” lại thông tin kê khai của phụ huynh. Như năm 2020, thành phố qua rà soát phát hiện những trường hợp bất thường như 2 ông bà ở trong 1 ngôi nhà cấp 4 nhưng có tới 13 cháu chung hộ khẩu.

TP Vinh rà soát phổ cập theo danh sách xét nghiệm Covid-19 trong thời gian thực hiện "ai ở đâu, ở yên đó".
TP Vinh rà soát phổ cập theo danh sách xét nghiệm Covid-19 trong thời gian thực hiện "ai ở đâu, ở yên đó".

Hoặc có trường hợp bỏ tiền thuê nhà trọ 6 tháng, đăng ký tạm trú để con được lọt vào danh sách phổ cập nhưng thực tế sinh sống nơi khác.

Ở một số khu chung cư, các hộ dân và ban quản lý thống nhất thông tin với cán bộ, giáo viên đến làm công tác phổ cập là đã bán nhà, hoặc cho thuê, nhằm tránh phổ cập tại địa phương.

Năm nay, qua rà soát có hơn 300 trường hợp phổ cập chưa đúng đối tượng. Kết quả này qua sàng lọc từ các khối xóm và danh sách đăng ký xét nghiệm Covid – 19.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP Vinh cho hay, việc xét nghiệm Covid-19 lần 3 trên địa bàn được thực hiện triệt để đến từng hộ dân. Nếu không chấp hành nghiêm túc sẽ bị xử phạt hành chính. Vì vậy, đây là một căn cứ tương đối chính xác để rà soát công tác phổ cập. Tuy nhiên, danh sách này chỉ là ban đầu và sẽ có xem xét lại những trường hợp cụ thể.

Vì thế, thời gian tới, các trường hợp phụ huynh thắc mắc, thấy chưa hợp lý có thể trình bày với Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục – xóa mù chữ ở các phường, xã để kiểm tra lại.

Quan điểm rà soát của thành phố là học sinh và bố mẹ sinh sống ở đâu thì phải phổ cập ở đó. Các trường hợp có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú nhưng thực tế sinh sống tại nơi khác sẽ chuyển phổ cập về nơi cư trú.

Về hơn 300 HS phổ cập chưa đúng đối tượng trong năm 2021, dù trả danh sách về nơi cư trú, nhưng các em vẫn tiếp tục học ổn định ở trường hiện tại để tránh xáo trộn cho đến hết cấp. Sau khi hết cấp, học sinh phổ cập ở phường nào sẽ chuyển về học tại phường đó.

Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Vinh cũng cho biết thêm: Thành phố không cấm tuyển sinh trái tuyến nhưng với điều kiện là các trường còn đủ chỉ tiêu. Trường hợp đặc biệt phải có lý do chính đáng và phải được tổ dân phố và các ban, ngành liên quan chứng mình tính chính xác, khách quan.

Việc tuyển sinh phải đảm bảo hài hòa giữa các phường, tránh tình trạng nơi quá tải, nơi lại thiếu học sinh. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục giữa các nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ