Tại TP Hồ Chí Minh, giá rau cải xanh, cải ngọt 18.000 đồng/kg tăng nhẹ 2000 đồng/kg với ngày hôm qua. Rau mùng tơi 18.000 đồng/kg, bắp cải trắng 16.000 đồng/kg, cà chua Đà Lạt 25.000 đồng/kg, tăng 5000 đồng/kg, rau muống 15.000 đồng/kg, cải thìa 15.000 đồng/kg, rau dền 18.000 đồng/kg...
Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn TP có 127/237 chợ truyền thống phải tạm ngưng hoạt động do một số chợ nằm trong khu phong toả hoặc liên quan đến các ca mắc Covid-19.
Việc nhiều chợ truyền thống tạm dừng hoạt động khiến nhiều người dân lo lắng, dẫn đến tình trạng đổ xô đi mua hàng tích trữ trước giờ giãn cách khiến hàng hóa thiếu cục bộ tại một số thời điểm. Giá cả ở một số chợ truyền thống cũng có tình trạng tăng giá 10 - 15%.
Để đáp ứng nhu cầu mua hàng hóa của người dân TP Hồ Chí Minh khi thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã làm việc với các chuỗi cung ứng để tăng cường hàng hoá, hệ thống phân phối thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, hạn chế người vào các trung tâm nên sẽ kéo dài thời gian hoạt động của các siêu thị từ 6 giờ sáng đến 23 giờ.
Liên Hiệp hợp tác xã thương mại thành phố (Saigon Co.op) khẳng định, hàng hóa rất dồi dào, người dân không cần dồn dập mua sắm. Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… đã tăng lượng hàng dự trữ gấp 3- 5 lần nhằm bảo đảm cung cấp đều đặn với giá cả bình ổn ra thị trường tối thiểu 6 tháng tới.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 17 hệ thống siêu thị và trung tâm thực hiện bán hàng online. Sự gia tăng tối thiểu của loại hình này là 45% và có nơi tăng gần 100%.
Do lượng mua hàng quá đông nên có những thời điểm khách không đặt hàng được do hệ thống quá tải. Các siêu thị đang điều tiết các kênh này lại. Mặt khác, các chợ truyền thống cũng đang chuyển qua bán hàng trực tuyến.
Nhiều khách hàng đã gọi điện đặt hàng hóa từ các tiểu thương. Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra hướng sẽ bán hàng lưu động và tới đây sẽ triển khai để đảm bảo đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Bên cạnh các hệ thống cung ứng hiện đại, Sở cũng đã làm việc với các quận, huyện để hỗ trợ các kênh bán hàng online, các kênh đi chợ phụ, đi chợ thay người lớn tuổi. Lực lượng đi chợ phụ là của Hội Phụ nữ và Đoàn thanh niên...
2.833 điểm bán các mặt hàng thiết yếu
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân TP.HCM mua sắm các mặt hàng thiết yếu trong giai đoạn hiện nay, Sở Công Thương TP.HCM công bố danh sách các điểm bán những mặt hàng thiết yếu của tất cả các hệ thống phân phối hiện đại ở các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Danh sách này bao gồm tên siêu thị, cửa hàng thực phẩm tổng hợp, cửa hàng tiện lợi,... thuộc các hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Satra Foods, siêu thị Satra, siêu thị MM Mega Market, Big C, Go!, LOTTE Mart, Aeon, Bách Hoá Xanh, Aeon, Vinmart, Binmart+, Emart, Circle K, Cửa hàng B"s mart, MiniStop, Family Mart,...
Cụ thể, danh sách 2.833 điểm bán các mặt hàng thiết yếu (lương thực thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay) của hệ thống phân phối trên địa bàn TP.HCM cập nhật đến 7/7 gồm 111 chợ, 106 siêu thị, 2.616 cửa hàng tiện lợi.
Người dân có thể trực tiếp đến mua hàng hoá thiết yếu hoặc đặt hàng qua các hình thức trực tuyến. Trong trường hợp việc mua sắm gặp trục trặc, có thể liên lạc người đứng đầu siêu thị, cửa hàng,... theo số điện thoại công bố để được hướng dẫn xử lý.
Mời bạn đọc tải danh sách điểm bán TẠI ĐÂY