TP Hồ Chí Minh chưa cho phép mở bán ăn uống tại chỗ

GD&TĐ - Về việc khi nào TP Hồ Chí Minh cho phép hàng quán mở bán tại chỗ, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, TP Hồ Chí Minh chưa có kế hoạch về việc này.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại buổi họp báo chiều 18/10, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho biết “việc mở bán ăn uống tại chỗ vẫn chưa được phép hoạt động, nếu nơi nào mở bán là sai theo Chỉ thị 18 và các địa phương phải chịu trách nhiệm”.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Hải chia sẻ, chúng ta đều mong muốn việc buôn bán hàng hóa trở lại, việc mở ăn uống tại chỗ như bình thường. Tuy nhiên, theo Chỉ thị 18 chỉ cho phép bán mang về, tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên chưa cho phép mở bán  ăn uống tại chỗ.

Ngoài ra, các dịch vụ khác như: quán bar, dịch vụ làm đẹp, karaoke, massager… vẫn chưa được phép hoạt động.

"Căn cứ vào tình hình dịch bệnh, TP Hồ Chí Minh sẽ quyết định các dịch vụ này có hoạt động hay không trong thời gian tới. Nơi nào mở bán ăn uống tại chỗ là sai theo Chỉ thị 18 và các địa phương phải chịu trách nhiệm”, ông Hải yêu cầu.

Về việc khi nào TP Hồ Chí Minh cho phép hàng quán mở bán tại chỗ, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, TP Hồ Chí Minh chưa có kế hoạch về việc này.

Theo ông, các hoạt động dịch vụ khi mở lại trên tinh thần đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, Sở Công Thương chưa nhận được thông tin về việc mở bán ăn uống tại chỗ...

Liên quan đến tình hình lao động trở lại, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh cho biết, theo số liệu từ Ban quản lý KCX-KCN và Khu công nghệ cao TP, hiện số người lao động đã quay trở lại là khoảng 134.850 người. Ngoài ra, các quận huyện cũng ghi nhận số lao động trở lại khoảng 5.000 người.

“UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản 3231 để vận chuyển công nhân quay lại làm việc. Trong thời gian tới, số lượng lao động ở Tây Nguyên sẽ khả quan hơn" – ông Lâm nói.

Về việc chi trả gói hỗ trợ đợt 3, theo ông Lâm đến thời điểm này đã chi trả được hơn 5 triệu trường hợp. Ông Lâm cho biết, theo Chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, việc chi trả kết thúc vào ngày 15/10, tuy nhiên do còn khoảng trên dưới 1 triệu trường hợp là lao động trước đã kê khai nhưng hiện nay chưa có mặt tại địa phương để nhận; hoặc đó là những người đang điều trị tại các bệnh viện, khu cách ly.

Do đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận kéo dài việc chi trả đến ngày 22/10. "Tinh thần là làm càng sớm càng tốt chứ không nhất thiết phải đến ngày 22/10 mới kết thúc việc chi trả” – ông Lâm nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ