Trước Toyota, vào năm 2015, Tập đoàn Honda đã tung ra thị trường khung robot hỗ trợ đi lại giúp luyện tập phục hồi chức năng cho các bệnh nhân gặp khó khăn về đi lại, dựa trên công nghệ đã phát triển ra robot ASIMO nổi tiếng.
“Có một cách để chúng tôi có thể tiếp tục phục vụ nhiều người cao tuổi trong việc di chuyển sau khi họ không thể lái xe nữa, đó là chúng tôi phải phát triển thành một nhà sản xuất robot” - Toshiyuki Isobe, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Frontier của Toyota cho biết trên Reuters trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư (12/4).
Ông nói thêm rằng, các robot được sản xuất hàng loạt sẽ là một bước đi tự nhiên cho sự phát triển của công ty, từ một nhà sản xuất khung dệt vào năm 1905 trở thành một nhà sản xuất ô tô có nhiệm vụ “tạo ra các sản phẩm thực tiễn có mục đích”.
Với số người từ 65 tuổi trở lên chiếm tới 26,7% dân số vào năm 2015, cộng với việc tỷ lệ sinh giảm, dân số trong độ tuổi lao động bị co lại khiến cho người trưởng thành không có thời gian chăm sóc cho người già, từ đó nhu cầu về dịch vụ chăm sóc người già tại Nhật Bản bùng nổ.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất robot thế giới, doanh số bán robot cho người già và trợ giúp người tàn tật sẽ đạt khoảng 37.500 chiếc trong giai đoạn 2016-2019 và sẽ tăng lên đáng kể trong vòng 20 năm tới. Ở chiều hướng ngược lại, doanh số bán ô tô tại Nhật Bản đã giảm 8,5% trong giai đoạn 2013-2016 vì lý do chính là việc người lái xe lớn tuổi đã ngừng mua xe ô tô.
Giống như hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn hiện nay, Toyota vẫn đang cạnh tranh gay gắt để phát triển các loại xe tự lái, hãng này đã cam kết chi 1 tỷ USD cho sản xuất robot và Trung tâm Nghiên cứu Trí thông minh nhân tạo (AI).