TOTTO-CHAN bên cửa sổ, câu chuyện về ngôi trường của yêu thương

GD&TĐ - Totto-chan bên cửa sổ là một cuốn sách gối đầu giường của bao thế hệ trẻ em, phụ huynh, cả những người làm công tác giáo dục trong suốt hơn 3 chục năm qua.

TOTTO-CHAN bên cửa sổ, câu chuyện về ngôi trường của yêu thương

Totto-chan bên cửa sổ là cái nhìn xa xăm về thuở ấu thơ, là nỗi tiếc nuối cho một nền giáo dục Tomoe tuyệt vời đã qua, và cũng là đơn giản chỉ là để thể hiện sự ghẻ lạnh của mọi người đối với một cô bé hiếu động, nghịch ngợm.

Không giống như những cuốn sách giáo dục tầm cỡ, Totto-chan bên cửa sổ như một kinh nghiệm nhỏ về việc dạy dỗ lứa tuổi non nớt, như một thông điệp tích cực về giáo dục, một phương pháp dạy học xuất phát từ tấm lòng chân thành và sự tự nhiên.

Cuốn tự truyện kể về tuổi thơ của tác giả, nhà văn Kuroyanagi Tetsuko, được viết theo thể tản văn với các chương ngắn, trong truyện không có nhân vật xấu. Ngôi trường Tomoe trong truyện mà nhiều độc giả ngỡ là chỉ có trong mơ, thực ra là một ngôi trường có thật do nhà cải cách giáo dục Sosaku Kobayashi thành lập năm 1937.

Năm 1944, khi Chiến tranh Thế giới thứ hai sắp kết thúc, ngôi trường đã bị máy bay ném bom tàn phá nặng nề đến nỗi không thể phục hồi. Dù ngoài đời chỉ tồn tại trong 7 năm ngắn ngủi, ngôi trường đã trở nên vĩnh cửu khi được chính Totto-chan, hay nhà văn Kuroyanagi Tetsuko ngoài đời, chuyển thành hình tượng văn học trong cuốn tự truyện Totto-chan bên cửa sổ, ra mắt năm 1981.

Mới vào lớp 1, Totto-chan đã bị thôi học ở trường tiểu học vì em quá năng động và lạ lùng so với các bạn. Mẹ của Totto-chan biết ngôi trường bình thường không thể hiểu được con gái, bà liền xin cho em vào học tại Tomoe Gakuen (Trường Tomoe) của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku.

Trường Tomoe rất đặc biệt: có lớp học là những toa tàu cũ, cả trường chỉ có năm mươi học sinh, ai cũng đặc biệt như Totto-chan, thậm chí có cả những em bị khuyết tật. Nhưng vượt qua những trở ngại và khác biệt tính cách, các học sinh ở Tomoe đều hoà hợp với nhau như anh em.

Thầy hiệu trưởng Kobayashi tôn trọng học sinh của mình, luôn để chúng tự do phát huy cá tính, khả năng bẩm sinh, thầy sẵn sàng nghe cô bé Totto-chan nói say sưa trong suốt gần 4 tiếng trong buổi gặp mặt đầu tiên .

Ở trường Tomoe, bọn trẻ được tự do chọn chỗ ngồi và không có thời khoá biểu nhất định, học sinh thích học môn gì nhất thì cứ tự học môn đó trước, những môn không thích thì học sau cùng. Các thầy cô chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn các em khi cần và cho bài tập. Nếu hoàn thành nội dung học tập, buổi chiều các em có thể được tự do dạo chơi cùng cô giáo.

Ở ngôi trường ấy, các em được hướng dẫn ăn đủ chất dinh dưỡng bằng một cách riêng đó là “ thức ăn của đất” và “ thức ăn của biển” ; được tổ chức cắm trại, du lịch, tham gia làm đồng, tự nấu thức ăn,…để các em được làm quen với các công việc mở mang tầm mắt, gần gũi với thiên nhiên.

Nhờ sự giáo dục phi thường ấy mà những đứa trẻ vốn rất đặc biệt đều trở thành những cá nhân xuất sắc, thành đạt trong xã hội.

Với ngôn từ hồn hậu, trong sáng, giàu ngữ nghĩa, tác giả Kuroyanagi Tetsuko của Nhật Bản có thể ví như một Nguyễn Nhật Ánh của Việt Nam vậy.

Tác giả vẽ ra một cơn nắng dìu dịu của trời hè Nhật Bản, mường tượng ra những tiếng đập cánh rất nhỏ của đàn bướm đang tha thẩn bay dọc ven những con đường đất đá; mở ra một cánh cửa thần tiên đưa ta đến những góc nhìn vô tư của tuổi thơ. Nơi ta bắt gặp những sắc màu tươi sáng của tình bạn đơm hoa kết trái trong lòng hai đứa trẻ khác biệt về thể chất, nhưng cùng hòa chung nhịp đập để cất cao lời ca tiếng hát ngợi khen về ngôi trường đáng yêu của chúng. Nơi ta như nghe lại tiếng con tim vang lên giai điệu tha thiết, xúc động về thời cắp sách.

Totto-chan bên cửa sổ, cuốn sách đáng để chúng ta tìm đọc hơn một lần để ngẫm về giấc mơ Tomoe của thầy hiệu trưởng Kobayashi.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.