Tốt nghiệp THCS cần hành trang gì để khởi nghiệp?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều học sinh có ý định sau khi tốt nghiệp THCS cần hành trang gì để rẽ ngã "khởi nghiệp"?

Nếu chọn học nghề sau tốt nghiệp THCS, hãy tìm một người có kinh nghiệm để xin tư vấn.
Nếu chọn học nghề sau tốt nghiệp THCS, hãy tìm một người có kinh nghiệm để xin tư vấn.

Nhiều học sinh có ý định sau khi tốt nghiệp THCS sẽ không học lên THPT mà chuyển hướng sang start up (khởi nghiệp) để thành công sớm hay học nghề để nhanh chóng phụ giúp kinh tế cho gia đình. Trước “ngã rẽ” này thì học sinh mới tốt nghiệp cần gì trong “hành trang” vào đời?

Học nghề gì, học ở đâu?

Hiện tại, nhiều học sinh THCS có mong muốn được học nghề để rút ngắn thời gian học, sớm đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, trước ngã rẽ này nhiều học sinh có chung nỗi băn khoăn: Chỉ có bằng tốt nghiệp THCS nên học nghề gì?

Theo chính sách hiện nay, học sinh chỉ có bằng tốt nghiệp THCS vẫn được học nghề. Người học nghề, tập nghề phải đủ 14 tuổi và đủ sức khoẻ phù hợp với yêu cầu của nghề, trừ một số nghề theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH. Vì thế, học sinh tốt nghiệp THCS (15 tuổi) đã có thể theo học bất cứ nghề nào phù hợp.

Thực tế, với chính sách phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS nhằm hướng đến cung cấp cho xã hội nguồn lao động mới với tay nghề cao, số lượng học sinh lựa chọn học nghề thay vì học tiếp THPT ngày càng tăng. Một trong những lựa chọn lý tưởng nhất đó là học nghề và các khóa học ngắn hạn tại các trường trung cấp nghề chính quy.

Đây được coi là một trong những giải pháp vừa giúp các bạn trẻ có thể có nghề và tạo dựng sự nghiệp, vừa không tiêu tốn quá nhiều chi phí mà vẫn có bằng cấp sau tốt nghiệp. Có nhiều đơn vị đào tạo nghề uy tín học sinh có thể theo học ở khắp các tỉnh, thành phố. Đặc trưng của trung cấp nghề là đào tạo ngắn hạn, thường đi sâu vào thực hành, kiến thức thực tế để học sinh có thể thành thạo các kỹ năng nghề nghiệp ngay trong khóa học.

Theo Công ty Cổ phần đầu tư phát triển giáo dục VTCE, có 10 ngành nghề triển vọng nhất dành cho học sinh THCS. Đó là những nghề “hot” với thời gian học tương đối ngắn là: Công nghệ thông tin, Thiết kế, Điện - Cơ khí, Digital Marketing, Quản trị khách sạn - du lịch, Thẩm mỹ làm đẹp - Spa, Đầu bếp, Pha chế.

Theo Trường Trung cấp Việt Giao, sau tốt nghiệp THCS, học sinh nếu chọn học nghề thì có thể lựa chọn nghề có bằng cấp (các trường trung cấp nghề), hoặc không có bằng cấp (học tự do bên ngoài, ví dụ tiệm nail, tiệm làm bánh). Lời khuyên là chọn hình thức nghề nào thì cũng cần có đam mê và cố gắng để thành công.

Tuy nhiên, để có một tương lai nghề nghiệp bền vững, được trang bị và đào tạo kiến thức bài bản, các kỹ năng và được cấp bằng tốt nghiệp thì nên chọn học nghề tại các trường trung cấp nghề. Theo khảo sát, kế toán, hướng dẫn viên du lịch, quản trị khách sạn, bếp và ẩm thực, pha chế, tổ chức sự kiện… là những ngành nghề được nhiều người lựa chọn. Những ngành nghề này đã có những khóa học riêng biệt và có cơ hội việc làm cao.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Rõ hai mặt sáng, tối

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho biết, mặc dù việc phân luồng ngay từ THCS là một chủ trương đúng đắn giúp học sinh có đa dạng hóa các cơ hội để lập thân, lập nghiệp nhưng trước khi ra quyết định học nghề với hy vọng nhanh chóng kiếm tiền, làm start up cũng cần có nhiều điều cần lưu ý.

“Phải tìm hiểu thật kỹ về ngành nghề mà chúng ta quan tâm lựa chọn, bao gồm cả cơ hội việc làm, mức lương và xu hướng phát triển nghề trong tương lai. Ngoài ra, cũng cần tìm hiểu về yêu cầu đào tạo cần thiết và khả năng cập nhật công nghệ trong tương lai của nghề nghiệp”, chuyên gia giáo dục Trần Thành Nam chia sẻ.

Chuyên gia Trần Thành Nam cũng lưu ý, học sinh cũng phải xác định rõ sở thích của mình và những năng lực hiện tại có phù hợp không, cá nhân có đủ đam mê để theo đuổi và có động lực để phát triển nghề trong lĩnh vực lựa chọn hay không? “Đừng để mình bị hết hạn sử dụng trong khi vẫn còn trong độ tuổi lao động”, chuyên gia Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Theo chuyên gia Trần Thành Nam, bản thân học sinh phải dành thời gian khám phá, trải nghiệm nghề mình dự kiến chọn để có cái nhìn thực tế về công việc và môi trường làm việc. Tránh việc chỉ nhìn thấy những khía cạnh màu hồng của nghề mà không nhìn thấy những mặt trái, gian khổ của nghề đó. Hãy tìm một người có kinh nghiệm trong nghề để hỏi chuyện và xin tư vấn.

Cuối cùng là lập kế hoạch dài hạn và kiên định mục tiêu, chuẩn bị tâm thế học tập, rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho ngành nghề đó ngay từ bây giờ.

Đưa ra lời khuyên riêng đối với các học sinh có ý định start up sớm, chuyên gia Trần Thành Nam cho rằng, các em học sinh tốt nghiệp THCS mới 15 tuổi nên nhớ rằng để khởi nghiệp thành công, các em không thể chỉ có kiến thức và kỹ năng nghề mà cần phải rèn luyện thêm rất nhiều kiến thức kỹ năng liên ngành nữa.

Đó là kỹ năng kỷ luật bản thân, tổ chức và quản lý thời gian hiệu quả. Các em phải có năng lực giao tiếp và thiết lập một mạng lưới những người bạn để hỗ trợ. Các em phải có năng lực tư duy tài chính, kỹ năng quản lý tài chính và quản lý rủi ro.

“Để start up, các em sẽ phải có năng lực sáng tạo giải quyết vấn đề, tư duy một cách linh hoạt. Các bạn cũng phải hình thành được cho mình kỹ năng tự học và tinh thần học tập suốt đời. Tất cả những năng lực này không thể hình thành trong một chốc mà phải là một quá trình dài, cần được lập kế hoạch rõ ràng và sự kiên định của cá nhân để đạt được các mục tiêu chứ không phải là một sự bốc đồng trong việc lựa chọn một nghề nghiệp”, chuyên gia Trần Thành Nam đúc kết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.