Tor giải bài toán cực khó khi đánh chặn đạn siêu âm của HIMARS

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Theo chuyên gia quân sự Alexei Anpilogov, chỉ với hệ thống Tor và Pantsir, phòng không Nga làm được điều không thể với vũ khí của phương Tây.

Hệ thống phòng không Tor của Nga.
Hệ thống phòng không Tor của Nga.

Hãng thông tấn RIA dẫn nhận định của chuyên gia quân sự Nga Alexei Anpilogov khi nói về hiệu quả của hai hệ thống phòng không Tor và Pantsir đang làm nhiệm vụ tại Ukraine, đặc biệt trong việc đánh chặn đạn của tổ hợp HIMARS.

"Nhiệm vụ đánh chặn đạn bay với tốc độ siêu âm kiểu như của HIMARS thậm chí còn không được đặt ra ở phương Tây.

Trong khi đó, đối phó với những mục tiêu như vậy đang được tổ hợp Tor và Pantsir làm rất tốt trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga", chuyên gia Alexei Anpilogov nói.

Vị chuyên gia cho biết thêm, để hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt, các kỹ sư Nga đã thực hiện một số cải tiến và nâng cấp khiến Tor trở thành hệ thống đánh chặn gần như không có loại tương tự trên thế giới.

Để chuyển sang trạng thái chiến đấu, tổ hợp chỉ mất 1 đến 3 giây để phản ứng với các mục tiêu bay, kể cả các mục tiêu bay thấp và có độ phản xạ radar thấp.

Tor-M2 có thể theo dõi cùng lúc 144 mục tiêu ở phạm vi 32km và dẫn bắn vào 4 mục tiêu nguy hiểm nhất. Trong khi kíp điều khiển chỉ cần 2 người.

Với biến thể nâng cấp của đạn tên lửa 9M330, khả năng chiến đấu của Tor-M2 có thể vươn xa hơn. Đạn tên lửa này được thiết kế để ngăn chặn các vũ khí tấn công chiến thuật chính xác cao và UAV.

Hệ thống dẫn đường chính xác cao giúp Tor-M2 có thể tiêu diệt mỗi mục tiêu chỉ thị không quá 2 đạn tên lửa. Điều này giúp nâng cao đáng kể năng lực chiến đấu của từng xe phóng, cũng như của cả tổ hợp.

Theo thiết kế, mỗi xe phóng của Tor-M2 được trang bị 16 đạn tên lửa chứa trong ống phóng kiêm khoang bảo quản. Phiên bản nâng cấp của đạn tên lửa 9M330 được đánh giá có tỷ lệ chính xác tới 97% và đạt tốc độ bay tới 1000m/giây, tương đương gấp 3 lần tốc độ âm thanh.

Điểm đặc biệt nữa của Tor-M2 là khả năng phóng tên lửa khi hành tiến. Xe phóng Tor-M2 có thể phóng tên lửa khi đang di chuyển với vận tốc 40km/h. Đây là yếu tố quan trọng nâng cao khả năng sống sót của tổ hợp trong điều kiện tác chiến cơ động.

Phiên bản Tor-M2 cũng nổi tiếng ở thời gian triển khai và thu hồi ngắn (khoảng 3 phút). Hiện tại, không có tổ hợp vũ khí phòng không nào trên thế giới có thể làm được điều này.

Tư lệnh Không quân-vũ trụ Nga, Thượng tướng Aleksandr Leonov cho biết, riêng trong năm 2020, các tổ hợp Tor-M2 tại Syria đã bắn hạ ít nhất 40 UAV, hàng trăm quả đạn phản lực của phiến quân tại Syria.

Thiết kế tối tân cùng kinh nghiệm thực chiến dày dạn là câu trả lời cho câu hỏi vì sao đánh chặn đạn của HIMARS do Ukraine phóng, Nga thường sử dụng tổ hợp Tor.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ