Mỹ nhận siêu tàu LCS sửa đổi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Hãng Lockheed Martin vừa chuyển giao tàu tuần duyên USS Marinette cho Hải quân Mỹ sau khi đã tiến hành một số sửa đổi.

Tàu USS Marinette trong lễ hạ thủy.
Tàu USS Marinette trong lễ hạ thủy.

Buổi bàn giao được thực hiện tại xưởng đóng tàu Fincantieri Marinette Marine, ở Marinette với sự chứng kiến của nhiều lãnh đạo cao cấp của Hải quân Mỹ.

Marinette là tàu chiến ven biển LCS lớp Freedom thứ 13 đã được chuyển giao cho Mỹ.

Dù đã được chuyển giao nhưng phải đến tháng 6/2023, USS Marinette mới có thể chính thức đi vào hoạt động. Trong khoảng thời gian này, chiếc tàu tiếp tục tiến hành một số cuộc thử nghiệm hệ thống điện, động cơ đẩy chính, vũ khí...

Theo USNI News, trước khi được bàn giao, nhà sản xuất đã thực hiện một loạt sửa đổi với USS Marinette so với những chiếc trước, trong đó có hệ thống hệ thống chân vịt, hệ thống điện, động cơ chính... đây được xác định là những hệ thống đã gặp sự cố trên tất cả những tàu LCS trước đó.

"Với những sửa đổi và cải tiến so với trước đó, USS Marinette trở thành tàu LCS mạnh mẽ, tin cậy có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau của Hải quân Mỹ", đại diện của Lockheed Martin cho biết tại lễ bàn giao.

Việc Mỹ tiếp tục trang bị tàu LCS được giới chuyên gia cho là khá bất ngờ bởi hồi cuối năm 2021, Hải quân Mỹ đã chính thức loại biên USS Freedom - chiếc LCS đầu tiên lớp Freedom chỉ sau 13 năm hoạt động do sự yếu kém của lớp tàu này.

Sau khi được đưa vào biên chế vào năm 2008, tàu USS Freedom được dùng làm tàu thử nghiệm và huấn luyện chứ chưa hề hoạt động chiến đấu trong thực tế. Trước thời điểm bị loại bỏ, USS Freedom được phiên chế 9 sĩ quan và 41 thủy thủ.

Theo thiết kế, tất cả các tàu lớp Freedom đều được trang bị hệ thống điện tử rất hiện đại bao gồm: Radar tìm kiếm mục tiêu TRS-3D được thiết kế đặc biệt cho các hoạt động ở ven bờ nơi mục tiêu thường lẫn lộn giữa mặt nước và bờ biển, cung cấp khả năng giám sát trên không trên biển, trên bờ cùng lúc; hệ thống dữ liệu chiến đấu COMBATSS-21; hệ thống định vị thủy âm kéo theo AN/SQR-20; hệ thống chiến tranh điện tử Argon ST WBR-2000 và hệ thống mồi bẫy hồng ngoại Terma A/S SKWS.

Hệ thống hỏa lực trên tàu lớp Freedom gồm: pháo hạm Mk 110 57mm (cơ số đạn 400 viên) đạt tầm bắn 14km, tốc độ bắn 220 phát/phút; 2 pháo bắn nhanh Mk44 Bushmaster II cỡ 30mm; hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp RIM-116 (21 đạn) có tầm bắn hiệu quả 9km.

Ngoài ra, thân tàu được thiết kế theo dạng module cho phép hoán đổi các nhiệm vụ một cách nhanh chóng.

Vì thế khi cần, nó có thể trang bị thêm các module vũ khí, hệ thống rà phá thủy lôi và hệ thống dò tìm tàu ngầm.

Điều đặc biệt là hầu hết hệ thống vũ khí của tàu lớp Freedom mới chỉ được sử dụng trong các cuộc thử nghiệm nhưng chúng vẫn không chứng minh được sức mạnh và độ tin cậy.

Vì vậy, việc USS Marinette tiếp tục được trang bị cho Hải quân Mỹ đang là câu hỏi lớn chưa có lời đáp về khả năng thực tế có đi đôi với quảng bá của nhà sản xuất hay không.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ