Hàn gắn quan hệ
Hãng thông tấn Izvestia dẫn lời ông David T. Pyne, cựu Phó Giám đốc Lực lượng Đặc nhiệm về An ninh Quốc gia và Nội địa Mỹ (EMP), cho biết Tổng thống Trump quyết tâm sửa chữa thiệt hại cho quan hệ Mỹ-Nga do nhiệm kỳ trước gây ra.
Quyết định của ông Trump bổ nhiệm Ngoại trưởng Marco Rubio dẫn đầu các cuộc đàm phán với Nga, thay vì Đặc phái viên của ông tại Nga và Ukraine Keith Kellogg đã nhấn mạnh tầm quan trọng mà Washington dành cho các cuộc đàm phán.
Ông Pyne nhấn mạnh rằng: "Điều đó kết hợp với lời mời Tổng thống Putin đến thăm Mỹ và việc ông chủ Điện Kremlin chấp nhận lời mời cho thấy Tổng thống Trump đang dành ưu tiên cao nhất có thể cho cả việc sửa chữa mọi thiệt hại mà cựu Tổng thống Biden gây ra cho quan hệ Mỹ-Nga và việc chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng vài tháng tới".
Chuyên gia cho biết thêm, tuyên bố của ông Trump khi nói với Tổng thống Volodymyr Zelensky rằng ông sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán song phương với Nga mà không có Ukraine cũng chứng tỏ rằng ông coi nguyên thủ Ukraine là trở ngại đối với hòa bình.
Vắng bóng EU
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, tiết lộ nội dung cuộc điện đàm kéo dài hơn một giờ đồng hồ giữa ông Trump và ông Putin đã thảo luận những vấn đề về Ukraine, Trung Đông, các vấn đề năng lượng...
Cuộc điện đàm đã gây ra nhiều phản ứng từ các chính trị gia châu Âu bởi không hề nhắc đến Liên minh châu Âu (EU) và vai trò của EU trong vấn đề Ukraine.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy đã đăng trên trang X cá nhân tuyên bố chung của một số quốc gia châu Âu có nội dung: "Mục tiêu chung của chúng ta là đưa Ukraine vào vị thế mạnh mẽ. Ukraine và châu Âu phải là một phần của bất kỳ cuộc đàm phán nào".
Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey tuyên bố rằng không có cuộc đàm phán hòa bình nào có thể được thực hiện về Ukraine nếu không có Ukraine.
Boris Pistorius, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, cũng cho rằng diễn biến này là đáng tiếc và cho rằng chính quyền Mỹ đã nhượng bộ Nga, đồng thời khẳng định "sẽ tốt hơn nếu thảo luận về khả năng Ukraine gia nhập NATO hoặc khả năng mất lãnh thổ tại bàn đàm phán".
Cũng nói về vấn đề này, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock nói thêm rằng: "Hòa bình chỉ có thể đạt được khi tất cả cùng nhau hành động. Và điều đó có nghĩa là không thể vắng bóng Ukraine và châu Âu trong các cuộc đàm phán".
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng tuyên bố: "Tất cả những gì chúng ta cần là hòa bình… Ukraine, Châu Âu và Mỹ nên cùng nhau nỗ lực vì điều này".
Về phần mình, nhà ngoại giao hàng đầu của Pháp Jean-Noel Barrot nhấn mạnh: "Sẽ không có hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine nếu không có châu Âu tham gia".
Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cũng lên tiếng: "Châu Âu đang viện trợ quốc phòng cho Ukraine và châu Âu đang tái thiết Ukraine bằng tiền của Liên minh châu Âu, vì vậy chúng tôi phải có mặt trong các cuộc đàm phán".
Và cuối cùng, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã kêu gọi tăng cường sản xuất quốc phòng giữa các quốc gia thành viên và nói thêm: "Chúng ta phải đảm bảo rằng Ukraine đang ở trong vị thế mạnh mẽ".