"Hollywood muốn vị tổng thống trong phim phải là người từng có những quyết định to lớn cũng như có những phát ngôn đặc biệt tạo dấu ấn" - BBC dẫn lời Giáo sư nghiên cứu Hoa Kỳ Iwan Morgan. Ở khía cạnh này, các kỹ năng hùng biện của Tổng thống Obama chính là một lợi thế.
Tuy nhiên, nhiều học giả cho rằng việc giới thiệu về Barack Obama trong một bộ phim truyện vẫn đặt ra một số thách thức nhất định đối với các nhà làm phim.
Còn gì khác ngoài những chuyện "ai cũng biết"?
"Khi nói về Obama, chúng tôi muốn biết ngoài vấn đề màu da, ngoài việc là một người Mỹ gốc Phi thì chuyện đặc sắc khác về ông ấy là gì, kiểu như chuyện bê bối tình dục của Tổng thống Clinton, vụ tai tiếng về gián điệp chính trị Watergate của Tổng thống Nixon" - Giáo sư danh dự Toby Miller thuộc chuyên ngành văn hóa và truyền thông Đại học California giải thích.
Việc lồng ghép hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama tại Nhà Trắng vào một phim truyện là không dễ. Đây có lẽ là lý do khiến những bộ phim đang được mong chờ về Tổng thống Obama chỉ xoáy sâu vào thời trẻ, khi ông chưa trở thành người làm chính trị.
Chẳng hạn như bộ phim Southside with You (dự kiến sẽ ra mắt tại Mỹ vào ngày 26/8) tái hiện cuộc hẹn hò đầu tiên của Barack Obama và đệ nhất phu nhân tương lai của Hoa Kỳ. "Tôi nghĩ ở giai đoạn đó, ông ấy chỉ vừa chớm nghĩ rằng mình có thể làm được một điều gì đó to lớn trong lĩnh vực chính trị hoặc xa hơn là cho thế giới. Với tôi, đây không phải là một bộ phim về chính trị, mà là một câu chuyện tình yêu" - diễn viên thủ vai ông Obama thời trẻ Parker Sawyers cho biết.
Một bộ phim khác về Obama là Barry (dự kiến công chiếu vào tháng 9 tới tại Liên hoan Phim Quốc tế Toronto, Canada) lấy bối cảnh tại New York vào năm 1981, khi vị tổng thống tương lai của nước Mỹ còn là một sinh viên đại học. Hai bộ phim này đều kể về thời tuổi trẻ của ông Obama và cuộc "gặp gỡ định mệnh" với người vợ tương lai. Do vậy, dù rất được mong đợi nhưng nhiều khả năng hai bộ phim này sẽ không thể vẽ nên bức chân dung đặc sắc về vị tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ, vì không tiếp cận ông ở phạm vi rộng lớn hơn.
Với sự "thèm khát" những câu chuyện thực tế có sức nặng, dĩ nhiên Hollywood vẫn tiếp tục tìm kiếm những giai thoại hấp dẫn từ ông Obama. Sách do chính ông viết có thể là những gợi ý thú vị. "Những "hồi ức tổng thống" của Barack Obama sẽ giúp Hollywood tìm ra cách mới mẻ để mô tả ông ấy. Chẳng hạn như quyết định tiêu diệt Bin Laden có thể trở thành một điểm độc đáo đáng để Hollywood khai thác" - GS. Morgan nói với BBC.
GS. Joseph Uscinski (Đại học Miami) nhận xét: "Tôi không biết còn bao nhiêu dư địa cho một bộ phim về hình ảnh Tổng thống Obama có thể tạo ra sức ảnh hưởng đến tận 10 năm tới. Bởi lẽ Tổng thống Obama sở hữu quá nhiều nét đặc trưng "ai cũng biết": người Mỹ gốc Phi yêu mến ông, người theo phe Dân chủ rất thích ông và đa số họ ước rằng ông "cánh tả” hơn một chút (đổi mới hơn, tư duy đột phá, mạo hiểm hơn), nhiều người theo phe Cộng hòa ghét ông" - theo BBC.
Chuyện "lên phim" của các đời tổng thống Mỹ
Tổng thống Obama dĩ nhiên vẫn còn một chặng đường dài để "cạnh tranh" với nhiều đời tổng thống Mỹ trước, đơn cử như vị tổng thống thứ 16 của nước Mỹ Abraham Lincoln - người đã được đặc tả trong gần 40 bộ phim. Câu chuyện gần nhất về vị cựu tổng thống Mỹ này là tác phẩm Lincoln của đạo diễn Steven Spielberg, ra mắt vào năm 2012. Nội dung và tinh thần của phim hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của Hollywood và được đánh giá là một trong những phim hay nhất năm 2012.
Nixon và John F. Kennedy được cho là hai vị tổng thống được "định hình" bởi điện ảnh một cách rõ nét nhất. Bộ phim All the Presidents Men (năm 1976) tái hiện giai đoạn diễn ra vụ bê bối chính trị Watergate khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức vào năm 1974. Trong khi đó, bộ phim Nixon (năm 1995) và Frost/Nixon (năm 2008) được cho rằng đã không bám sát sự thật khi mang đến một góc nhìn theo chủ nghĩa xét lại đối với những gì mọi người biết về cựu Tổng thống Nixon và miêu tả ông ấy như một "linh hồn đau khổ”.
Phim ảnh cũng tác động mạnh đến cách mà mọi người nghĩ về cựu Tổng thống John F. Kennedy. Chẳng hạn, nhắc đến Tổng thống Kennedy là nhắc đến vụ ám sát và những âm mưu đằng sau nó. Tại sao lại như vậy? Vì bộ phim JFK đã "định hình" như thế”.
Ngược lại, với những vị tổng thống Mỹ vốn được đánh giá thấp về độ thu hút, phim ảnh đóng vai trò rất nhỏ trong việc "định hình" hình ảnh của họ, chẳng hạn như cựu Tổng thống Dwight D. Eisenhower (nhiệm kỳ 1953 - 1961), Gerald Ford (nhiệm kỳ 1974 - 1977) và Jimmy Carter (nhiệm kỳ 1977 - 1981).
Họ không phải là những nhân vật có thể tạo nhiều cảm hứng. Tuy nhiên, đối với cựu Tổng thống Jimmy Carter, giai đoạn những năm sau khi ông rời Nhà Trắng lại thu hút các nhà sản xuất phim của Hollywood hơn là những năm còn tại vị. Bởi lúc đó ông nhận được nhiều sự kính trọng hơn nhờ đóng vai trò trung gian hòa giải, kiến tạo hòa bình trên chính trường quốc tế và phát triển các hoạt động từ thiện.
Không riêng gì phim truyện, các bộ phim tài liệu cũng có thể "định hình" cách mà người ta nghĩ về một vị tổng thống Mỹ. Ví dụ như bộ phim Fahrenheit 9/11 kể về cuộc chiến chống khủng bố của Tổng thống George W. Bush. Tuy nhiên, bộ phim này đã gây ra nhiều tranh cãi và nhiều người còn nghi ngờ tính chính xác của nó.
Hiện tại sẽ khó có một bộ phim nào có thể phác họa một cách đột phá về Tổng thống Barack Obama, ít nhất là trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với tuổi đời còn khá trẻ, nhiều khả năng ông Obama sẽ không lặng lẽ nghỉ hưu mà vẫn tiếp tục còn sức ảnh hưởng lớn trên truyền thông. Và biết đâu trong những năm tới, ông sẽ trở thành đề tài hấp dẫn hơn cho các nhà làm phim tại Hollywood!