Tổng ôn môn Toán thế nào trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT?

GD&TĐ - Chỉ còn hơn hai tháng để tổng ôn kiến thức các môn thi tốt nghiệp. Với môn Toán, HS cần tận dụng khoảng thời gian này thế nào cho hiệu quả?

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Các chuyên đề, dạng bài cần lưu ý

Theo thầy Ngô Văn Toản, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội), đến thời điểm này, sau khi trải qua các kì thi thử của nhà trường, Sở GD&ĐT, làm đề thầy cô giao, học sinh cũng đánh giá được lực học môn Toán của bản thân. Chính vì vậy, các em cần thiết lập được mục tiêu, lập kế hoạch ôn tập phù hợp với bản thân và quyết tâm, nỗ lực, học tập nghiêm túc để hoàn thành kế hoạch đặt ra.

Căn cứ vào đề minh họa, đề thi các năm trước, học sinh ôn tập lại chuyên đề, dạng bài thường gặp từ mức độ cơ bản đến nâng cao. Điều này giúp các em có kiến thức cơ bản chắc chắn, hạn chế sai sót trong quá trình làm bài. Đồng thời, thông qua các dạng bài cụ thể giúp các học sinh rèn luyện, hình thành kĩ năng giải toán.

Chẳng hạn: Chủ đề ứng dụng đạo hàm và khảo sát hàm số: Học sinh cần nhớ các khái niệm đơn điệu, cực trị, tiệm cận của đồ thị hàm số; chú ý đến kĩ năng xét dấu, kĩ năng đọc thông tin từ đồ thị và bảng biến thiên. Đặc biệt, học sinh lưu ý đến sự hỗ trợ của máy tính cầm tay để giải toán nhanh hơn. Đối với mỗi nội dung, cần hệ thống lại các kiến thức để làm trắc nghiệm nhanh.

Đối với chủ đề Hàm số mũ, hàm số lũy thừa và lôgarit: Học sinh cần nhớ các tính chất và phép toán của chúng. Học sinh nên viết đi viết lại nhiều lần các công thức cho nhớ kết hợp với làm bài tập liên quan.

Đối với đồ thị các hàm số trên, học sinh nắm vững tập xác định, công thức tính đạo hàm, tính đơn điệu của hàm số và các dạng đồ thị của hàm số tương ứng. Phân biệt đồ thị của các hàm số.

Đối với phương trình và bất phương trình mũ, lôgarit: Cần nhớ phương pháp giải các dạng cơ bản, đặc biệt quan tâm đến hệ số của nó; có thể sử dụng máy tính cầm tay để kiểm tra kết quả.

Chủ đề nguyên hàm, tích phân và ứng dụng: Cần nhớ khái niệm nguyên hàm và các tính chất của nguyên hàm, nhớ công thức nguyên hàm cơ bản, nguyên hàm mở rộng, nhớ công thức tích phân và tính chất của tích phân. Học sinh quan tâm đến phương pháp tính tích phân của các hàm phân thức, hàm vô tỉ, hàm lượng giác, các phương pháp tính tích phân: Phương pháp đặt ẩn phụ, phương pháp tích phân từng phần. Trong nội dung ứng dụng của tích phân, cần chú ý đến các công thức tính diện tích, tính thể tích và rèn luyện kĩ năng đọc thông tin từ đồ thị hàm số.

Đối với chủ đề số phức: Cần nắm vững khái niệm số phức, phần thực, phần ảo, modul số phức, số phức liên hợp, số phức nghịch đảo, hai số phức bằng nhau và biểu diễn số phức. Đặc biệt các học sinh cần phải biết sử dụng máy tính cầm tay để hỗ trợ giải toán nhanh hơn; nhớ được mối quan hệ, giải bài toán phương trình bậc hai trên tập số phức.

Đối với chủ đề: Hình học không gian thuộc chương trình 1, cần chú trọng ôn tập các bài toán liên quan đến góc, đến khoảng cách, kĩ năng chia hình trong tính toán thể tích. Một số kiến thức lớp 11 liên quan như đường thẳng vuông góc mặt phẳng, hai mặt phẳng vuông góc với nhau, học sinh nên ôn tập lại cho thật chắc.

Chủ đề khối tròn xoay: Cần nắm vững khái niệm, các công thức liên quan đến khối nón, khối trụ và khối cầu. Những bài toán dạng thiết diện của mặt phẳng với các khối nón, khối trụ cũng cần làm nhiều để quen dạng toán.

Khi ôn tập chủ đề Phương pháp tọa độ trong mặt phẳng: Học sinh cần chú ý đến những khái niệm cơ bản như vectơ pháp tuyến của mặt phẳng, vectơ chỉ phương của đường thẳng, điểm thuộc đường thẳng, điểm thuộc mặt phẳng hoặc phương trình tổng quát của mặt phẳng, phương trình tham số của đường thẳng, tâm và bán kính mặt cầu, tương giao của đường thẳng và mặt phẳng, tương giao giữa hai mặt phẳng, bài toán góc và khoảng cách.

Đối với chủ đề cấp số cộng, cấp số nhân: Học sinh chỉ cần nắm vững khái niệm, công thức số hạng tổng quát, tính chất và tổng n số hạng đầu của dãy số.

Chủ để tổ hợp và xác suất: Học sinh chú ý đọc kĩ lí thuyết, phân biệt các khái niệm hoán vị, chỉnh hợp và tổ hợp, đặc biệt chú ý đến bài toán đếm và các bài toán tính xác suất.

Thầy Ngô Văn Toản.

Thầy Ngô Văn Toản.

Luyện đề để nâng cao kỹ năng làm bài

Bên cạnh việc ôn tập lại các chuyên đề, thầy Ngô Văn Toản cũng lưu ý học sinh cần luyện đề có cấu trúc tương tự đề thi tốt nghiệp để nâng cao kỹ năng làm bài.

Trong giai đoạn ôn tập các chuyên đề, lượng bài tập cũng tương đối nhiều, học sinh làm tối thiểu hai đề trên một tuần, sau đó tăng dần số lượng đề khi kết thúc giai đoạn ôn tập chuyên đề.

Một số điểm lưu ý khi luyện đề đó là: Đề thi thử cần chọn lọc (nên chọn đề thi thử của các sở, trường THPT chất lượng cao); lập cuốn sổ nhật kí ghi lại kết quả mỗi lần làm đề (ghi lại các sai sót, phần lý thuyết bị quên, cách giải hay) để rút kinh nghiệm cho những lần làm đề tiếp theo. Sau mỗi đề thi, học sinh ghi lại nhật kí ôn tập: Làm trong bao lâu, mất điểm ở vấn đề nào, lí do mất điểm, kinh nghiệm cho lần tiếp theo là gì?...

Một lưu ý khác là học sinh cần tích cực trao đổi những vấn đề chưa hiểu với thầy cô, học sinh bè. Khai thác tài liệu hay trên mạng internet cũng như tham gia các nhóm học tập trên mạng xã hội để biết thêm các kiến thức mới, cách giải mới.

Việc ôn thi tốt nghiệp khá vất vả và căng thẳng, học sinh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể thao một cách phù hợp để có thể trạng tốt. Đặc biệt cần giữ được tinh thần lạc quan, tự tin. Nếu gặp vấn đề gì khó khăn, các em nên trao đổi với bố mẹ, thầy cô và học sinh bè để tránh áp lực, căng thẳng ảnh hưởng không tốt đến quá trình ôn thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.