Tổng kết cuối năm: Hài hòa khen và thưởng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ phải có sự thống nhất từ phụ huynh và nhà trường...

Đại diện cha mẹ học sinh của một lớp học tại Trường Tiểu học Lê Đình Chinh trình bày báo cáo thu chi quỹ hội. Ảnh: NTCC
Đại diện cha mẹ học sinh của một lớp học tại Trường Tiểu học Lê Đình Chinh trình bày báo cáo thu chi quỹ hội. Ảnh: NTCC

Vào dịp cuối năm, sở và phòng GD&ĐT các địa phương đã chỉ đạo ban giám hiệu các trường học phải hướng dẫn Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện các khoản thu như khen thưởng, liên hoan, lễ ra trường với các lớp cuối cấp trên tinh thần công khai, tự nguyện, phù hợp hoàn cảnh từng học sinh.

Bám sát quy định

Ngay đầu năm học 2023 - 2024, UBND TPHCM và Sở GD&ĐT TPHCM có văn bản chỉ đạo về thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Đặc biệt, tháng 10/2023, UBND TPHCM ban hành công văn, trong đó nêu rõ:

Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học và trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hoạt động giáo dục. Thực hiện niêm yết công khai thông tin các khoản thu đầu năm học, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm nếu có.

Với sự chỉ đạo quyết liệt đó, năm học vừa qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM đã thực hiện nghiêm quy định thu chi. Bà Nguyễn Vĩnh Bảo Châu - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 12 (TPHCM) cho biết: “Trong cuộc họp giao ban định kỳ hằng tháng, phòng đều nhắc nhở hiệu trưởng các trường thực hiện nghiêm các khoản thu.

Trong đó, nghiêm cấm các đơn vị tự ý đặt ra các khoản thu không có trong quy định hoặc thu cao hơn mức thu cho phép. Phòng cũng chỉ rõ, cá nhân, đơn vị nào cố ý thực hiện trái quy định thì thủ trưởng đơn vị phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”.

Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, đầu năm học 2023 - 2024, sở đã có văn bản chấn chỉnh công tác thu, chi đầu năm học; vận động tài trợ cho giáo dục và kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2023 - 2024. Các quy định về thu tài trợ được quy định rõ ràng.

Đặc biệt, Thông tư 55 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh được Bộ GD&ĐT ban hành năm 2011 hướng dẫn rất rõ tổ chức, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm, hoạt động và kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh.

Vì vậy, với tất cả khoản thu chi của ban đại diện mỗi lớp, ban giám hiệu cần kiểm tra, giám sát tránh thu, chi sai quy định. Ngoài ra, việc thu chi phải có kế hoạch cụ thể trên cơ sở thống nhất, đồng tình của phụ huynh lớp, trường, tránh tạo dư luận không tốt trong xã hội.

“Những thông tin liên quan đến Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường thì hiệu trưởng phải nắm, bàn bạc để có sự đồng thuận chung. Không có khái niệm quỹ lớp, quỹ trường; không thể có chuyện trong trường có nguồn thu mà hiệu trưởng không biết.

Mọi khoản thu phải được công khai tới phụ huynh về dự toán, cách thu, mục đích sử dụng. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm với tất cả hoạt động thu - chi trong nhà trường và sở sẽ xử lý nghiêm đơn vị thực hiện sai quy định”, ông Hồ Tấn Minh cho hay.

Trường THPT Quỳnh Lưu 2 (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Trường THPT Quỳnh Lưu 2 (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Khống chế mức trần khen thưởng

Theo quy chế khen thưởng của Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), mỗi lớp sẽ có 3 học sinh tiêu biểu được nhận quà khen thưởng trong Lễ bế giảng. Khoản chi này nằm trong quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng, phê duyệt. Với những học sinh còn lại, nhà trường tặng giấy khen và chuyển về lớp để giáo viên chủ nhiệm trao.

Tuy nhiên, tâm lý chung của phụ huynh có con ở độ tuổi tiểu học là mong muốn ngoài giấy khen, có thêm phần quà mang tính chất động viên, khích lệ. Vì vậy, trước khi tổ chức họp cha mẹ học sinh cuối năm ở các lớp, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Lê Đình Chinh hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm tạo bình chọn trong nhóm lớp.

Theo đó, đưa ra các phương án khen thưởng và liên hoan để phụ huynh lựa chọn. Tuy nhiên, nhà trường khống chế mức trần khen thưởng tại lớp cho mỗi học sinh không quá 100 nghìn đồng, kinh phí tổ chức liên hoan không quá 70 nghìn đồng/em.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh cho biết: Đây là những khoản thu tự nguyện, mức đóng góp từ 0 đồng trở lên. Với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì giáo viên đã nắm được từ đầu năm học nên phụ huynh trong lớp sẽ có hỗ trợ nhất định.

Để giảm tối đa sự đóng góp của phụ huynh thời điểm cuối năm, nhà trường thống nhất các lớp chỉ tặng vở cho học sinh chứ không tặng sách giáo khoa. “Một số lớp, thay vì tặng thưởng cho học sinh 10 quyển vở, Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ cân đối tặng 5 quyển vở và 2 quyển sách Tiếng Việt – Toán để trẻ tìm hiểu trong dịp hè. Cũng có lớp, học sinh được tặng thưởng đồ dùng học tập và vở. Chi phí cho hoạt động trên không được vượt quá mức trần”, cô Nguyệt cho hay.

Trường Tiểu học Lê Đình Chinh sử dụng nguồn kinh phí từ tài trợ giáo dục để tặng xe đạp cho những học sinh học giỏi vượt khó chứ không huy động sự đóng góp từ nguồn quỹ cha mẹ học sinh của các lớp.

Trong khi đó, Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) chủ trương không thu bất kỳ khoản nào từ phụ huynh học sinh dịp tổng kết, khen thưởng cuối năm. “Với học sinh xuất sắc tiêu biểu, nhà trường sử dụng quỹ khen thưởng nằm trong mục chi thường xuyên.

Khoản chi này khoảng 60 – 70 triệu đồng/năm học. Với học sinh đoạt giải ở những cuộc thi học sinh giỏi văn hóa, năng khiếu, thể thao, các sân chơi…, nhà trường sử dụng nguồn quỹ được tiếp nhận từ đơn vị, cá nhân hỗ trợ”, thầy Hiệu trưởng Phan Thanh Bửu chia sẻ.

Với Lễ ra trường của học sinh khối lớp 9, Trường THCS Ngô Thì Nhậm kết hợp tổ chức cùng Lễ bế giảng toàn trường. “Do vậy, phụ huynh không phải đóng góp bất cứ khoản thu nào để phục vụ cho lễ tri ân và ra trường của học sinh khối lớp 9.

Thời gian này, các em đang tập trung cao độ cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới. Vì vậy, chủ trương của nhà trường là hạn chế tối đa việc đi lại của học sinh. Lễ ra trường vì vậy là một phần trong kế hoạch của Lễ bế giảng và được tổ chức đủ ấm áp, có sự gắn kết giữa học sinh và thầy, cô giáo”, thầy Bửu nhấn mạnh.

Một buổi họp phụ huynh Trường THPT Đào Sơn Tây trong tháng 5/2024 (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: Minh Anh

Một buổi họp phụ huynh Trường THPT Đào Sơn Tây trong tháng 5/2024 (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: Minh Anh

Ban, ngành cùng giám sát

Có con học lớp cuối cấp tại Trường Tiểu học Nghi Kim (TP Vinh, Nghệ An), chị Hoàng Thị Thanh đã hoàn thành đóng góp các khoản thu bắt buộc và tự nguyện. Tiền vận động xã hội hóa cũng ở mức vừa phải và được nhà trường triển khai từ đầu học kỳ II.

“Từ tháng 5, con không tham gia bán trú do buổi trưa ở lại trường nóng bức nên được trả lại tiền ăn. Chỉ còn hơn 1 tuần nữa hết năm học nên phụ huynh chỉ đóng thêm quỹ lớp để tổ chức liên hoan. Đồng thời có phần quà tri ân giáo viên đã quan tâm, dạy học trong năm cuối cấp”, phụ huynh này chia sẻ.

Trước đó, năm học 2022 - 2023, Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu 2 (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) thu quỹ mỗi học sinh 110 nghìn đồng. Với hơn 1.800 học sinh, tổng thu quỹ hội trong năm là hơn 198 triệu đồng được chi cho 23 khoản trong năm học, trong đó khoản chi lớn nhất trên 20 triệu đồng gồm đại hội phụ huynh đầu năm và hỗ trợ thi tốt nghiệp.

Trên thực tế, theo báo cáo giải trình thu, chi quỹ hội năm học 2022 – 2023, các khoản chi của hội thực hiện sát với dự chi. Tuy nhiên, nhiều khoản chi như quà các dịp lễ, Tết, hỗ trợ tốt nghiệp THPT khiến nhiều người băn khoăn. Một số phụ huynh cho rằng, nhiều khoản chi chưa phù hợp, biến Ban đại diện cha mẹ học sinh thành hội tặng quà.

Ban giám hiệu Trường THPT Quỳnh Lưu 2 sau đó đã làm việc với Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường và yêu cầu chấn chỉnh tình trạng này. Thầy Nguyễn Bá Tình – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trong dự toán và báo cáo thu chi có những khoản chi không phù hợp đối tượng và đại diện hội phụ huynh cho rằng đó là do ghi ngôn từ không chính xác. Ví dụ, gọi là chi phục vụ thi tốt nghiệp nhưng là chi hỗ trợ đội tình nguyện phục vụ thi tốt nghiệp.

Hiệu trưởng của trường thời điểm đó đã nghỉ hưu. Rút kinh nghiệm từ năm học 2022 - 2023, năm học này, Trường THPT Quỳnh Lưu 2 yêu cầu Ban đại diện cha mẹ học sinh phải xây dựng dự toán sát thực tế, có xác nhận hiệu trưởng nhà trường.

Các khoản chi của hội chủ yếu chỉ phục vụ khen thưởng tập thể lớp, học sinh đạt thành tích cao trong học tập, thể dục thể thao… Một số nội dung chi cũng không được thực hiện như chi hỗ trợ giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, hội họp công tác giao ban, chi hỗ trợ thi tốt nghiệp…

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng: Thông tư 55 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh được Bộ GD&ĐT ban hành năm 2011 đã hướng dẫn rõ tổ chức, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm, hoạt động và kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó, kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ phải có sự thống nhất từ phụ huynh và nhà trường, chỉ sử dụng sau khi được Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.

Tại Nghệ An, để triển khai đúng, hiệu quả, minh bạch, đầu năm học mới, sở GD&ĐT luôn có các văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các khoản thu. Cùng đó, ngành yêu cầu các địa phương, nhà trường tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đảm bảo thu đúng, chi đúng, công khai minh bạch, tránh lạm thu trong nhà trường.

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An cũng ra văn bản giao sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và UBND các huyện, thành phố, thị xã nghiêm túc thực hiện quy định đối với các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2024 – 2025 đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chiến đấu cơ F-16

Tín hiệu xấu cho F-16 tham chiến

GD&TĐ - Ukraine và các đồng minh phương Tây được cho là đang bất đồng trong việc đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất.