Tổng cục xuống Cục?

GD&TĐ - Ngành Thể thao đang đứng trước ngã rẽ quan trọng khi Tổng cục TDTT sẽ phải kiện toàn cơ cấu tổ chức theo hướng giảm cấp trung gian, đồng thời trở thành đơn vị cấp cục trực thuộc Bộ VH,TT&DL.

Tuyển thủ điền kinh Nguyễn Thị Oanh (bên phải) ăn mừng chiến thắng tại SEA Games 31.
Tuyển thủ điền kinh Nguyễn Thị Oanh (bên phải) ăn mừng chiến thắng tại SEA Games 31.

Không còn Tổng cục

Trong các ngày 7 và 8/7 vừa qua, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã nhóm họp “khẩn cấp” nhằm triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ VH,TT&DL về phương án kiện toàn cơ cấu tổ chức của Tổng cục. Được biết, ở những cuộc làm việc nội bộ với các đơn vị của Tổng cục TDTT, đa số các ý kiến bày tỏ mong muốn Tổng cục TDTT vẫn được bảo đảm cơ cấu tổ chức và giữ mô hình bởi thể thao là một ngành đặc thù.

Theo tìm hiểu, 100% ý kiến đều không muốn bị hạ cấp từ Tổng cục xuống cục. Còn nếu trong trường hợp bị hạ cấp, một số ý kiến đề xuất nên thành lập 2 cục gồm: Cục Thể thao quần chúng và phong trào, Cục Thể thao thành tích cao.

Theo quyền hạn, chức năng và nhiệm vụ được quy định thì Tổng cục TDTT là tổ chức thuộc Bộ VH,TT&DL thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về thể dục, thể thao trên cả nước cũng như quản lý, tổ chức thực hiện các dịch vụ công về thể dục thể thao theo đúng quy định của pháp luật. Là đơn vị quản lý chuyên biệt về lĩnh vực thể thao, hiện Tổng cục TDTT có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy, có tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và trụ sở tại thành phố Hà Nội (số 36 Trần Phú, Quận Ba Đình).

Tại Văn bản số 3033/BNV-TCBC về việc hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VH,TT&DL (ngày 2/7) được Bộ Nội vụ gửi Bộ VH,TT&DL đề nghị Bộ VH,TT&DL tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phương án kiện toàn cơ cấu tổ chức của Tổng cục TDTT và Tổng cục Du lịch theo hướng giảm cấp trung gian (không duy trì mô hình tổng cục).

Theo kế hoạch, Hồ sơ dự thảo Nghị định của Bộ VH,TT&DL gửi về Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cho ý kiến trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Trước đó, trong thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo Đổi mới nhấn mạnh, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, ngành đã được Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống, khoa học, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Các bộ, ngành chủ động đánh giá và xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc phạm vi quản lý, cơ bản đáp ứng các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc sắp xếp và tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực…

Để tiếp tục hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn gắn với sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành thực hiện một số nội dung:

Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn: Yêu cầu rà soát, hoàn thiện bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công của Chính phủ; phải bảo đảm không được chồng chéo, trùng lặp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.

Về cơ cấu tổ chức: Việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức phải bám sát và thực hiện nghiêm các tiêu chí thành lập tổ chức do Chính phủ quy định; Không tổ chức các vụ, cục phía Nam; Sáp nhập Vụ Thi đua, khen thưởng vào Vụ Tổ chức cán bộ; Rà soát cơ bản không tổ chức phòng trong Vụ, trường hợp cần thành lập phải đáp ứng đủ tiêu chí theo quy định của Chính phủ; Các đơn vị sự nghiệp công lập phải sắp xếp theo nguyên tắc, chủ trương của Nghị quyết số 19-NQ/TW; Rà soát, báo cáo rõ về các tổ chức được quy định trong các luật chuyên ngành để có phương án sắp xếp, tổ chức lại cho phù hợp.

Bộ Nội vụ là cơ quan được giao nhiệm vụ đôn đốc, tổng hợp kết quả rà soát, hoàn thiện dự thảo nghị định của các bộ, ngành, nếu còn có nội dung chưa thống nhất thì báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì để xem xét.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp là cơ quan được giao nhiệm vụ rà soát kỹ các căn cứ pháp lý, trình tự, thủ tục và nội dung các dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, ngành, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công của Chính phủ.

Cổ động viên Việt Nam đổ ra đường sau khi U23 Việt Nam bảo vệ thành công chức vô địch SEA Games 31.

Cổ động viên Việt Nam đổ ra đường sau khi U23 Việt Nam bảo vệ thành công chức vô địch SEA Games 31.

Ngành đặc thù

Thông tin Tổng cục TDTT có thể sẽ được rút xuống cấp cục thuộc Bộ VH,TT&DL thực sự đã tạo ra cơn địa chấn với ngành Thể thao, nhất là ở bối cảnh SEA Games 31 vừa kết thúc thành công. Điều đó khiến công tác chỉ đạo, quản lý Nhà nước về lĩnh vực thể thao đối với các địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn, chưa nói đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển thể thao cũng bị ảnh hưởng không ít!?

Một số ý kiến cho rằng, chủ trương của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết nhưng việc cơ cấu lại bộ máy phải hết sức thận trọng và được dựa trên tinh thần chỉ đạo là cần “phù hợp yêu cầu thực tiễn”.

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 23/4, Thủ tướng nêu các tiêu chí trong trường hợp thành lập Tổng cục thuộc Bộ: Một là có đối tượng quản lý Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội; hai là chuyên ngành, lĩnh vực cần quản lý tập trung, thống nhất ở Trung ương; ba là trường hợp đặc biệt do Chính phủ xem xét quyết định.

Vậy thể thao có phải là trường hợp đặc biệt?

Tính từ năm thành lập, 1946 đến nay, ngành đã có tới… 9 lần điều chỉnh về bộ máy quản lý (cơ quan ngang bộ, tổng cục, cục, nha, ban) vì nhiều lý do khác nhau. Trong tiến trình 76 năm ấy, mô hình Cục TDTT chỉ được duy trì trong 2 năm (1990 - 1992), do không đáp ứng được yêu cầu quản lý, nên phải chuyển đổi thành mô hình Tổng cục.

Trong khi ấy, mô hình Tổng cục TDTT có thời gian duy trì nhiều nhất 39 năm (chiếm 51,2% tổng số thời gian), trong khi mô hình Cục thuộc Bộ chỉ được duy trì 2 năm (chiếm 2,6% tổng số thời gian). Đặc biệt, kể từ khi được sáp nhập vào Bộ VH,TT&DL, các cấp quản lý TDTT ở địa phương cũng bị xáo trộn theo và yếu đi so với giai đoạn là Ủy ban TDTT.

Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Lễ khai mạc SEA Games 31.

Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Lễ khai mạc SEA Games 31.

Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao thuộc Tổng cục TDTT – cho biết: “Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, cơ quan quản lý ngành TDTT nhiều lần đổi tên và mô hình hoạt động, từng được nâng tầm thành một cơ quan ngang bộ với người đứng đầu giữ hàm Bộ trưởng.

Đến năm 2007, Tổng cục TDTT được tái thành lập, trở thành 1 trong 2 đơn vị cấp tổng cục và 1 trong 26 đơn vị trực thuộc Bộ VH,TT&DL. Tổng cục TDTT vừa đóng vai trò hết sức quan trọng trong tổ chức thành công SEA Games 31 trên sân nhà”.

Theo ông Minh, 2 nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành thể thao là phát triển sức khỏe toàn dân và thể thao thành tích cao, ngành thể thao với những yếu tố đặc thù cần được duy trì với hình thức phù hợp - vừa có thể tham mưu cho Chính phủ về các chiến lược phát triển TDTT vừa làm việc hiệu quả với các địa phương cũng như trong quan hệ quốc tế.

“Nếu Tổng cục TDTT xuống cấp cục, việc chỉ đạo các địa phương có thực hiện được hiệu quả hay không? Cục có trực tiếp thực hiện các hoạt động quan hệ quốc tế được không?. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều cựu cán bộ quản lý, trong đó có nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu, từng kiến nghị nên tách thể thao thành một ngành độc lập vì những điều kiện đặc thù, cần vị trí riêng biệt để tạo điều kiện phát triển thay vì xếp chung với các ngành không có nhiều yếu tố liên quan”, ông Nguyễn Hồng Minh nêu quan điểm.

Theo Quyết định 21/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục TDTT, Tổng cục TDTT thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hoạt động thể dục, thể thao; hướng dẫn các phương pháp tập luyện thể dục, thể thao cho nhân dân phù hợp với lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, sức khỏe và tình trạng khuyết tật. Đồng thời hướng dẫn các ngành, địa phương đào tạo, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cộng tác viên thể dục, thể thao cơ sở; chỉ đạo, tổ chức thi đấu thể thao quần chúng ở cấp quốc gia...

Ngoài ra, Tổng cục TDTT phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục thể chất trong trường học; quy định tiêu chuẩn rèn luyện thân thể và đánh giá kết quả rèn luyện thân thể của người học; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên, giảng viên thể dục, thể thao; quy định hệ thống thi đấu thể thao trường học.

Đặc biệt, về thể thao thành tích cao và chuyên nghiệp, Tổng cục TDTT có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao tổ chức hoặc phối hợp tổ chức đại hội thể thao, giải vô địch từng môn thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam, đại hội thể dục, thể thao toàn quốc; ban hành luật thi đấu của các môn thể thao; điều lệ thi đấu từng môn của đại hội thể dục thể thao toàn quốc; tổ chức, triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và y học trong lĩnh vực thể dục, thể thao theo quy định của pháp luật...

Như vậy, có thể thấy thể thao là ngành đặc thù, việc quản lý hoạt động thể dục thể thao không như các ngành khác. Mặc dù không đóng góp giá trị kinh tế trực tiếp nhưng thể thao lại có ảnh hưởng lớn đến xã hội, khơi gợi lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc qua thành tích thi đấu trong nước và quốc tế của các đội tuyển quốc gia. Việc cơ cấu lại bộ máy là cần thiết nhưng cần theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh máy móc, dập khuôn. Nếu không đánh giá đúng và giải quyết trúng vấn đề của ngành đặc thù như thể thao, các hoạt động và sự phát triển của thể thao Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Tổng cục TDTT có có 18 đơn vị: 1- Vụ Thể dục thể thao quần chúng; 2- Vụ Thể thao thành tích cao I; 3- Vụ Thể thao thành tích cao II; 4- Vụ Hợp tác quốc tế; 5- Vụ Kế hoạch, Tài chính; 6- Vụ Tổ chức cán bộ; 7- Văn phòng; 8- Viện Khoa học Thể dục thể thao; 9- Tạp chí Thể thao; 10- Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội; 11- Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia TPHCM; 12- Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Đà Nẵng; 13- Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Cần Thơ; 14- Trung tâm Doping và Y học thể thao; 15- Trung tâm Thông tin Thể dục thể thao; 16- Trung tâm Thể thao Ba Đình; 17- Bệnh viện Thể thao Việt Nam; 18- Khu Liên hợp thể thao quốc gia.

Các đơn vị quy định từ 1 - 7 là các tổ chức giúp Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; các đơn vị quy định từ 8 đến 18 là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục TDTT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ