Những gương mặt ấn tượng của thể thao Việt Nam

GD&TĐ - Đoàn Thể thao Việt Nam tăng tốc ngay từ những ngày đầu tiên và nhanh chóng bỏ xa những đối thủ nặng ký trên đường đua đến vị trí số 1 SEA Games 31.

Phạm Tiến Sản về đích trong sự tiếc nuối của đối thủ người Indonesia.
Phạm Tiến Sản về đích trong sự tiếc nuối của đối thủ người Indonesia.

Trong cơn mưa Huy chương Vàng ấy, có nhiều cái tên bất ngờ, chức vô địch ấn tượng.

“Địa chấn” từ thể dục dụng cụ

Trước khi nội dung ngựa vòng thể dục dụng cụ, cuộc đua Huy chương Vàng được đánh giá xoay quanh 3 cái tên, nhà vô địch thế giới Carlo Yulo (Philippines), nhà vô địch SEA Games 30 Tan Fu Jie (Malaysia) và Đinh Phương Thành của Việt Nam. Chính vì thế, Đặng Ngọc Xuân Thiện không được chú ý quá nhiều.

Thế nhưng, vận động viên sinh năm 2002 thể hiện bài thi vô cùng ấn tượng. Những động tác dứt khoát, mạnh mẽ cùng thần thái tự tin giúp anh đạt điểm số rất cao 14.400.

Sau đó, Carlo Yulo chỉ giành 11.733, điểm số cực thấp so với đẳng cấp của nhà vô địch thế giới. Đinh Phương Thành chỉ giành 12.067 điểm. Tan Fu Jie hoàn thành rất tốt bài thi và giành 14.200 điểm. Nhưng chừng đó chưa đủ vượt qua mốc 14.400 điểm. Như vậy, Đặng Ngọc Xuân Thiện tạo nên cơn địa chấn đầu tiên ở môn thể dục dụng cụ. Anh khiến Carlo Yulo vỡ mộng giành cả 7 Huy chương Vàng ở nội dung cá nhân tại SEA Games 31. Trước đó, vận động viên người Philippines giành 2 vàng và về nhì 5 lần tại SEA Games 2019.

Chàng trai 20 tuổi sau khi kết thúc bài thi của mình đã đi tìm kính để nhìn cho rõ. Xuân Thiện cận 3 độ, nhưng điều đó không ảnh hưởng tới màn trình diễn trong lần đầu tham dự SEA Games.

Xuân Thiện chia sẻ: “Ở SEA Games 31, tôi có gặp phải áp lực về tâm lý nhưng đã vượt qua. Trước khi thi đấu, huấn luyện viên động viên tôi tự tin vào môn mình thi đấu, đừng quan tâm đến đối thủ là ai. Carlo Yulo đồng đều tất cả các môn, nhưng riêng nội dung Ngựa vòng của cậu ấy hơi yếu một chút. Do gia đình bận việc nên cả bố mẹ tôi đều không thu xếp từ TPHCM ra cổ vũ. Mẹ tôi đã nhắn tin động viên rất nhiều và điều đó giúp tôi tự tin hơn”.

Nguyễn Tiến Trọng và màn cầu hôn bạn gái đầy lãng mạn.

Nguyễn Tiến Trọng và màn cầu hôn bạn gái đầy lãng mạn.

Ước mơ của “Hoàng tử ếch”

Phạm Thanh Bảo không phải là một cái tên mới của đội tuyển bơi quốc gia. 3 năm trước tại Phillippines, ở tuổi 18, anh đã giành 2 Huy chương Bạc trong sự nuối tiếc. Các đối thủ của Bảo đều quá xuất sắc. Riêng ở nội dung 200m ếch khi đó, kình ngư trẻ Việt Nam đã vượt kỷ lục SEA Games cũ nhưng vẫn thua vận động viên Thái Lan Ketin Nuttapong, người đã phá sâu kỷ lục đại hội.

Bước vào cuộc đua năm nay, Bảo không nằm trong nhóm những gương mặt vàng của đội tuyển bơi Việt Nam. Tuy nhiên, bằng sức trẻ và sự nỗ lực không biết mệt mỏi, Thanh Bảo đã thu hoạch quả ngọt sau 3 năm khổ luyện.

Kình ngư người Bến Tre đã đánh bại đối thủ rất mạnh của Singapore vốn sở trường ở nội dung ếch này là Wei Ang, đồng thời xô đổ kỷ lục 1 phút 1,46 giây của James Deiparine (Philippines) ở đường đua 100m ếch, lập nên kỷ lục mới với thành tích 1 phút 1,17 giây. Và lần này thì tấm Huy chương Vàng đã không còn vuột khỏi tay Thanh Bảo.

Khi nhận được câu hỏi về động lực thi đấu, Bảo khiến người ta xúc động xen lẫn cảm phục với chia sẻ chân thành: “Tôi rất bất ngờ, không nghĩ mình được như vậy. Tôi cố gắng tập luyện và thi đấu tốt vì nghĩ đến gia đình cũng như để cuộc sống sau này khỏe hơn”.  Được biết, Bảo sinh ra trong gia đình rất nghèo ở Bến Tre. Bố mẹ của Bảo phải đi làm thuê, bẻ dừa, chở dừa. Thanh Bảo lớn lên trong tình cảnh nhà thiếu trước, hụt sau ở thành phố Bến Tre.

Huấn luyện viên Hoàng Vũ - người huấn luyện Thanh Bảo ở Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ - cho biết, gia đình Bảo khá nghèo. Vì vậy, Bảo từ nhiều năm qua đã có ý thức dành dụm tiền bạc cũng như nỗ lực hết mình để phụ giúp gia đình.

Vận động viên sinh năm 2001 từng chia sẻ, trong thời gian chuẩn bị cho SEA Games anh rất mệt nhưng luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng thật nhiều để làm nên chuyện ở kỳ đại hội trên sân nhà. Giờ đây chàng trai nghèo xứ dừa đã bước lên đỉnh vinh quang ở đấu trường SEA Games và xứng danh “hoàng tử ếch” mới của bơi lội Việt Nam.

Nhà vô địch SEA Games 31 Đặng Thanh Tùng.

Nhà vô địch SEA Games 31 Đặng Thanh Tùng.

Pha nước rút thần tốc

Bất ngờ lớn đã xảy ra trên đường chạy 1.500m nam khi niềm hy vọng lớn nhất của Việt Nam là Trần Văn Đảng đã bị đàn em Lương Đức Phước qua mặt để giành Huy chương Vàng.

Đây là chức vô địch SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp của Đức Phước. Trước đó, tại SEA Games 30, Dương Văn Thái là nhà vô địch cự ly này nhưng 2 năm qua Đảng đã thống trị tại các giải vô địch quốc gia, và gánh trọng trách thay thế Dương Văn Thái giành Huy chương Vàng SEA Games 31.

Ở những vòng chạy đầu, Trần Văn Đảng và Lương Đức Phước đều thăm dò đối thủ để tìm cơ hội bứt phá ở những nước chạy cuối. Cuộc đua gay cấn đã xuất hiện ở những vòng chạy cuối cùng. Khi đó, Đảng bắt đầu tăng tốc để vượt lên từ vị trí thứ 4. Nhưng ở khoảng 100m cuối cùng, Phước bứt phá vô cùng ấn tượng để đuổi kịp, rồi vượt lên dẫn đầu đoàn đua ngay trước vạch đích và giành chức vô địch với thành tích 3 phút 54,37 giây. Đảng về thứ hai với thời gian 3 phút 55,66 giây.

Lương Đức Phước cho biết: “Trước khi chạy, Ban huấn luyện đề ra chiến thuật là em hãy cố gắng hết sức thi đấu, nhưng không ngờ mình lại đạt được thành tích tốt như vậy. Ở thời điểm khoảng 100 mét cuối cùng thì em đã bứt tốc để vụt lên cán đích và giành tấm Huy chương Vàng cho đội tuyển điền kinh Việt Nam. Trước khi thi đấu em không nghĩ mình sẽ vượt qua Đảng. Em chỉ nghĩ về thứ 2 hoặc vượt qua thành tích của chính mình ở giải vô địch quốc gia trước đó”.

Nhà vô địch SEA Games 31 Phạm Thanh Bảo.

Nhà vô địch SEA Games 31 Phạm Thanh Bảo.

“Tay ngang” đoạt vàng

Phạm Tiến Sản đã giành tấm Huy chương Vàng lịch sử cho thể thao Việt Nam ở môn duathlon tại SEA Games 31, với thành tích 1 giờ 55 phút 57 giây. Duathlon, thuộc hệ thống thi đấu Olympic nhưng mới chỉ du nhập vào Việt Nam vài năm trở lại đây là 2 môn thể thao phối hợp, kết hợp giữa chạy bộ và đạp xe.

Tại SEA Games 31, các vận động viên thực hiện đường đua gồm: Chạy 10 km, đạp xe 40 km và chạy 5 km. Để tập môn này, các vận động viên không chỉ có kỹ năng mà phải có thể lực tốt.

Phạm Tiến Sản sinh năm 1991, trước khi đến với duathlon, anh từng là vận động viên chuyên nghiệp nội dung 3.000m chướng ngại vật. Cựu tuyển thủ quốc gia điền kinh này từng giành 3 Huy chương Bạc tại các kỳ SEA Games 2013, 2015 và 2017.

Vận động viên quê Bắc Giang chia sẻ: “Tôi đã chuẩn bị rất kỹ cho kỳ SEA Games 31, và giờ rất hạnh phúc. Sau 5 năm xa rời các cuộc thi ở cấp đội tuyển quốc gia, tôi đã trở lại và hoàn thành giấc mơ đổi màu huy chương. Tấm Huy chương Vàng xin được dành tặng cho người hâm mộ”.

Bên cạnh cố gắng trong tập luyện, Tiến Sản còn cho thấy kỷ luật và bản lĩnh tuyệt vời. Anh tuân thủ triệt để chiến thuật mà ban huấn luyện đặt ra: Cố gắng về nhất phần thi chạy 10 km đầu tiên, luôn có mặt trong nhóm đầu của 40 km đạp xe và phải cố tăng tốc khi gần hoàn thành phần thi thứ hai này, rồi chạy hết sức ở 5 km cuối.

“Ở phần thi 40 km đạp, 2 vận động viên Indonesia vốn dày dạn kinh nghiệm và nhiều lần dùng chiêu trò để đẩy Sản lên vị trí dẫn đầu hòng phá sức, nhưng cậu ấy tỉnh táo, không vướng vào bẫy và giữ được thể lực cho phần chạy 5 km quyết định”, ông Phạm Minh Quang, thành viên ban huấn luyện cho biết.

Đặng Ngọc Xuân Thiện.

Đặng Ngọc Xuân Thiện.

Đứng lên từ… biến cố

Đặng Thanh Tùng đã giành Huy chương Vàng thể hình hạng 65 kg tại SEA Games 31 trong sự cảm phục của các đồng nghiệp và huấn luyện viên.

Anh tập gym từ năm 2001 và đến năm 2005, Tùng giành Huy chương Vàng thể hình TPHCM và châu Á. Trong giai đoạn đỉnh cao, hầu như năm nào anh cũng có danh hiệu. Một tai nạn bất ngờ ập đến năm 2012, khiến anh tổn thương ở một loạt bộ phận như đầu, cột sống và gót chân. Ban đầu, Tùng phải nằm bất động một tháng. Khi đỡ hơn, anh phải bò do không thể đứng thẳng người. Bác sĩ khuyên Tùng giải nghệ. Ra viện, Tùng đến phòng tập vì “nhớ” và chọn những bài tập nhẹ để cơ thể làm quen lại, rồi nửa năm sau, khi cơ thể phục hồi 90%, mới nâng tạ trở lại.

Năm 2022, khi thể hình trở lại SEA Games sau 9 năm vắng bóng, anh quyết định tham gia. Với phong thái tự tin cùng khối cơ đẹp và độ cân đối cao, anh vượt qua những ứng viên nặng ký của Thái Lan và Myanmar để giành Huy chương Vàng khu vực đầu tiên trong sự nghiệp. Khi Ban tổ chức công bố kết quả, Tùng đã bật khóc. “Điều đặc biệt ở môn này là không giới hạn độ tuổi tham dự nên còn phong độ thì tôi sẽ tham gia thi đấu. Tôi không đặt nặng vấn đề huy chương. Quan trọng nhất là thi đấu hết mình”, nhà vô địch SEA Games 31 chia sẻ.

Nhà vô địch lãng mạn

Nguyễn Tiến Trọng giành Huy chương Vàng nhảy xa SEA Games 31 với thành tích 7,80m. Ngay khi bước xuống từ bục nhận huy chương, nhà vô địch SEA Games 31 quỳ xuống cầu hôn bạn gái – vận động viên của đội tuyển cầu mây Việt Nam Nguyễn Thị Phương Trinh vừa từ nhà thi đấu Hoàng Mai trở về.

Được biết, Tiến Trọng đã lên kế hoạch cầu hôn này từ lâu. Anh đặt quyết tâm phải giành Huy chương Vàng SEA Games 31 để thực hiện màn trao nhẫn cầu hôn ngay ở Sân vận động Mỹ Đình. Bạn gái của Tiến Trọng bẽn lẽn và rất bất ngờ. Sau một lúc, cô cũng nói lời đồng ý. Cả hai cùng ôm chầm lấy nhau trong tiếng reo hò cổ vũ của rất đông khán giả trên sân Mỹ Đình.

Tiến Trọng, sinh năm 1997 là một trong những vận động viên nhảy xa nam nổi bật nhất của điền kinh Việt Nam những năm qua. Trọng có thành tích cá nhân tốt nhất ở môn nhảy xa là 7,98m. Chàng trai này sở hữu thân hình lý tưởng với chiều cao 1,93m. “Tôi nghĩ mình sẽ về bàn với bạn gái và gia đình về việc sẽ kết hôn. Nhưng tôi mong muốn đám cưới diễn ra càng sớm càng tốt” - Tiến Trọng cho biết.

Bà Nguyễn Thị Đoàn (63 tuổi) - mẹ của Tiến Trọng - cho biết vô cùng xúc động. Là con trai út trong gia đình có 4 anh chị em, Tiến Trọng có đam mê thể thao từ nhỏ. Năm học lớp 8 khi 13 tuổi, anh rời nhà đi tập thể thao và sau đó đầu quân cho điền kinh Quân đội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.