Cùng dự có các ông bà: Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc - Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Lê Thành Long - Phó Thủ tướng Chính phủ; Bùi Thanh Sơn - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Thị Thanh - Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Đào Hồng Lan - Bộ trưởng Bộ Y tế; Lâm Thị Phương Thanh - Phó Chánh Văn phòng thường trực, Văn phòng Trung ương Đảng; Thượng tướng Võ Minh Lương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Bùi Quang Huy - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Nguyễn Trúc Lê - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tham dự buổi gặp mặt còn có các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo đại diện: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Cựu giáo chức Việt Nam; Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; đại diện Đại sứ quán một số nước, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và đại diện một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cùng tham dự có các đồng chí là Giám đốc, Hiệu trưởng và Chủ tịch hội đồng trường các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng; Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo; đặc biệt là sự hiện diện của hơn 3.000 thầy cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên của ĐHQGHN và các cơ sở giáo dục, đào tạo trên khắp mọi miền của Tổ quốc.
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, toàn ngành Giáo dục đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để cụ thể hóa các mục tiêu, yêu cầu mà Đảng, Nhà nước đã đề ra và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới và phát triển, giáo dục và đào tạo nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rất mong được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo để ngành Giáo dục thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới và nâng cao chất lượng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong suốt thời gian qua, đội ngũ nhà giáo - nguồn lực quan trọng nhất của ngành Giáo dục đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo nước nhà.
Để động viên, ghi nhận các đóng góp, tôn vinh những nỗ lực, cống hiến và nâng cao tinh thần yêu nghề của đội ngũ nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống.
Đây là một hoạt động ý nghĩa nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 nhằm động viên, ghi nhận các đóng góp, tôn vinh những nỗ lực, cống hiến và nâng cao tinh thần yêu nghề của đội ngũ nhà giáo.
Đổi mới giáo dục chặng đường tiếp theo thực chất là đổi mới ở chiều sâu của lực lượng nhà giáo
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn báo cáo vắn tắt về ngành GD-ĐT, về việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, về đội ngũ các nhà giáo ở thời điểm hiện nay.
Theo Bộ trưởng, sau gần 40 năm đổi mới và đặc biệt là 10 năm triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo định hướng của Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngành GD&ĐT đã có những thay đổi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở; giáo dục phổ thông thay đổi mạnh mẽ chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực, kỹ năng của người học.
Trường học đã thay đổi từ hình thức bên ngoài tới chất lượng giáo dục bên trong. Giáo viên chủ động sáng tạo hơn, học sinh tự tin chủ động hơn, các hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá được đổi mới căn bản. Chất lượng giáo dục mũi nhọn ngày càng nâng cao. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức. Các phong trào thi đua học tập, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm thực hiện.
Giáo dục đại học tiếp tục đổi mới. Việc tăng cường tự chủ và hội nhập quốc tế đã tạo ra động lực mới, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học. Số lượng người tham gia học tập ở bậc đại học và sau đại học tăng lên. Lực lượng giảng viên có trình độ cao ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, tiếp cận với trình độ quốc tế.
Hiện nay, 241 trường đại học của Việt Nam có chuyên gia và tổ chức đào tạo hầu hết các ngành nghề có trong danh mục các ngành nghề trên toàn thế giới, kể cả những nghề mới nhất. Số lượng chương trình đào tạo được kiểm định và công bố khoa học quốc tế tăng mạnh, một số cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới.
Phương pháp dạy - học và công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục được đổi mới theo hướng hiện đại, ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT.
Ngành giáo dục và đào tạo cũng tiên phong trong việc chuyển đổi số. Trong 3 năm 2022-2024 hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục từ mầm non, phổ thông; lần đầu thực hiện thành công việc kết nối cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm và thực hiện thanh toán 100% lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến, thanh toán học phí không dùng tiền mặt; thí điểm triển khai học bạ điện tử đối với tiểu học vào năm 2023 và triển khai học bạ điện tử đại trà với giáo dục phổ thông từ năm 2024.
Đất nước ta vừa mới thoát nghèo và còn đang trên đường phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập trung bình cao. Nhưng về GD&ĐT, chúng ta đã đạt được những kết quả lớn, trong đó có một vài chỉ số mà không phải nước phát triển nào cũng đạt được, chẳng hạn như tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi trên 16 đạt tới trên 97%.
Cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Giáo dục phổ thông của chúng ta đứng thứ 53 trên thế giới. Việt Nam nhiều năm liền có mặt trong top 10 các quốc gia có thành tích các kỳ thi Olympic quốc tế cho học sinh phổ thông cao nhất, có những môn thi vào nhóm 3 hoặc 5 nước có thành tích tốt nhất trên toàn thế giới. Học sinh sau phổ thông của Việt Nam học tiếp tại các trường đại học nước ngoài thuận lợi và giành được sự đánh giá tốt của các trường đại học trên thế giới.
Cả nước hiện có gần 7 triệu người đã tốt nghiệp đại học (con số này được thống kê nhờ cơ sở dữ liệu dân cư của ngành Công an), 24 triệu người đang đi học ở các bậc, các trình độ khác nhau, loại hình khác nhau tại trên 52.000 cơ sở giáo dục trong cả nước. Chúng ta đã có 4 đại học có mặt trong top 1000 của bảng xếp quốc tế có uy tín QS. Một số ngành đào tạo có mặt trong nhóm 100 của châu Á.
Có được những kết quả đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự quan tâm đầu tư của toàn xã hội, cùng sự nỗ lực của các thầy cô giáo và toàn thể học sinh, sinh viên. Đó cũng là nhờ truyền thống hiếu học, trọng học, trọng tri thức và hiền tài của dân tộc được kế tục và được nhân lên trong thời đại mới.
GD&ĐT của đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nếu so với mức đầu tư kinh phí cho đầu học sinh trên cả nước thì có thể nói đó là những kết quả rất kỳ diệu.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng, giáo dục nước ta còn đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Trong đó, có lẽ lớn nhất là thách thức từ bên trong, từ chính trong quá trình đổi mới giáo dục. Đó là thách thức của sự đổi mới, vượt lên chính mình, phủ định chính mình như sự lột xác để phát triển.
Đứng trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giáo dục cần một sự hoán cốt từ bên trong, để hướng tới chất lượng cao hơn, tới nền giáo dục phát triển con người toàn diện, tạo ra những công dân tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đổi mới nền giáo dục phải thay đổi cho được các thói quen, lối tư duy, cách nghĩ và cách làm cũ, vượt qua các giới hạn để phát triển bứt phá.
Để giáo dục vượt qua những thách thức đó, ngành Giáo dục, đặc biệt là đội ngũ các thầy cô giáo cần nỗ lực vô cùng lớn và sáng tạo không ngừng, giải pháp trúng, đúng thì mới có thể thực hiện được.
“Để giáo dục làm được việc đó, vô cùng trông mong lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội đã quan tâm lớn, thì cần quan tâm lớn hơn nữa, để quốc sách hàng đầu thực sự là hàng đầu trong các quốc sách. Cần quan tâm thiết thực hơn, kịp thời hơn nữa để đột phá chiến lược thực sự là đột, là phá tan đi những rào cản cho sự phát triển giáo dục, để nền giáo dục không còn là nền giáo dục lúc nào cũng bền vững trong sự vượt khó, vượt nghèo, lúc nào cũng dạy tốt học tốt trong mọi hoàn cảnh khó khăn”, Bộ trưởng bày tỏ.
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng cũng báo cáo về thực trạng đội ngũ nhà giáo; gửi gắm những lời tâm huyết đến đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các em học sinh, sinh viên nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Dịp này, Bộ trưởng cũng gửi lời chúc mừng đến Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội dịp kỷ niệm 50 năm truyền thống, phát triển và vinh dự được trao Huân chương Lao động Hạng Ba.
Tạo điều kiện, động lực để nhà giáo phấn đấu, đáp ứng yêu cầu
Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Hoàng Minh, Giảng viên Trường ĐH Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, là nữ giáo sư trẻ nhất đạt chuẩn chức danh giáo sư năm 2023, là đồng tác giả công trình khoa học công bố trên Tạp chí Nature uy tín hàng đầu thế giới, là nhà khoa học đã công bố 90 bài báo khoa học, trên các tạp chí quốc tế và 18 cuốn sách tại các nhà xuất bản có uy tín, đại diện cho hơn 1,6 triệu nhà giáo trong cả nước lên phát biểu.
GSTS Đặng Hoàng Minh chia sẻ: Chúng tôi ý thức rất rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong tiếp bước truyền thống quý báu của nhiều thế hệ thầy cô đi trước, trong ươm tạo và vun trồng các mầm xanh tương lai, trong rèn luyện và nâng cao năng lực của bản thân đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới.
Trong hành trình nhiều thách thức nhưng đầy ý nghĩa này, chúng tôi vô cùng kỳ vọng Đảng, Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tạo điều kiện, tin tưởng vào đội ngũ các nhà giáo, ban hành nhiều chính sách phù hợp trong sử dụng, tuyển dụng, thu hút, đãi ngộ đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là các nhà giáo, nhà khoa học trẻ, xuất sắc trong tương lai cũng như các thầy cô giáo ở vùng cao, vùng xa còn nhiều khó khăn, vất vả.
Chúng tôi cũng kỳ vọng, Đảng, Nhà nước và Bộ Giáo dục sẽ quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên đầu tư phát triển các ngành khoa học cơ bản, khoa học mũi nhọn, ưu tiên đầu tư vun cao, đầu tư cho các cơ sở giáo dục trọng điểm.
Chúng tôi cũng mong muốn mọi cơ sở giáo dục đều tạo môi trường, điều kiện và động lực để đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học được phát huy vai trò, được tin tưởng giao nhiệm vụ, được tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng, học thuật; được tạo điều kiện phát triển sức sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, trong giảng dạy; được tinh giản thủ tục hành chính trong khoa học và được cống hiến hết mình, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
GD-ĐT có vai trò đặc biệt quan trọng với những kỳ tích phát triển của dân tộc
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân của một người đã từng là học trò, phụ huynh, Tổng Bí thư Tô Lâm gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước, những người đã và đang gánh vác trọng trách “trồng người” cao cả nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Theo Tổng Bí thư, trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc; luôn luôn đặc biệt quan tâm chăm lo, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục, xác định là đầu tư cho phát triển và ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác.
“Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, giáo dục đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những kỳ tích phát triển của dân tộc” – Tổng Bí thư nói.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới giáo dục đào tạo được Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt nhiều kết quả tích cực. Hệ thống giáo dục quốc dân từng bước được hoàn thiện theo hướng mở, xây dựng xã hội học tập; quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân.
Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tiếp tục được củng cố, duy trì và từng bước đạt chuẩn ở mức độ cao hơn.
Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn có chuyển biến tốt, được thế giới ghi nhận. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức.
Đổi mới giáo dục đại học gắn với tăng cường tự chủ được triển khai, đào tạo gắn kết hơn với nhu cầu thị trường lao động; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh; công bố khoa học quốc tế tăng mạnh, xuất hiện ngày càng nhiều hơn cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo xếp hạng cao trong khu vực và trên thế giới.
Tổng Bí thư thẳng thắn nhìn nhận, đổi mới giáo dục, đào tạo tuy đã triển khai hàng chục năm nhưng cơ bản chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ, chưa thật sự chuyển biến về chất, chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Tổng Bí thư gợi mở 3 vấn đề: Thứ nhất, phải tập trung thực hiện bằng được “hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng”.
Tổng Bí thư nêu 4 nội dung cụ thể: Một là, hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng là một nhiệm vụ đầy khó khăn, thử thách, song từ những bài học còn nguyên giá trị từ phong trào bình dân học vụ, củng cố niềm tin vững chắc chúng ta sẽ thành công khi có mục tiêu trong sáng, chính sách thông minh và cách làm sáng tạo.
Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ GD&ĐT sớm nghiên cứu thấu đáo phong trào bình dân học vụ, trên cơ sở những bài học còn nguyên giá trị và thực tiễn hiện nay, đề xuất Bộ Chính trị vấn đề này.
Hai là, ưu tiên hàng đầu trong thực hiện mục tiêu đó là tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa.
Ba là, bám sát quan điểm, mục tiêu phát triển đất nước (chúng ta xác định phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh).
Bốn là, phấn đấu tăng hạng giáo dục Việt Nam trên bản đồ giáo dục khu vực và quốc tế, cụ thể đến năm 2030, Việt Nam trong 3 nước đứng đầu ASEAN về số lượng các công bố quốc tế và chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học; có trường đại học lọt top 100 trường hàng đầu trên thế giới.
Thứ hai, Tổng Bí thư gợi ý một số công việc cần làm ngay: Có giải pháp xoá hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số”.
Tổng Bí thư yêu cầu, tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số thành phố lớn, khu công nghiệp, khu đông dân cư, miền núi; kiên cố hóa trường, lớp học, gắn với bảo đảm nơi ở của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng Nghị quyết mà Đảng đã đề ra. Có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo. Dựa vào dân, huy động sức dân, tổ chức nhân dân cùng làm giáo dục với chi phí thấp nhất và hiệu quả tối đa.
Thứ ba, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo; đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.
Trước đó, trong chuỗi hoạt động vinh danh nhà giáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu trên toàn quốc tại trụ sở Chính phủ chiều 15/11.
Sáng 17/11, Bộ GD&ĐT tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 của các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT; tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu năm 2024; phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, kỷ niệm 80 năm thành lập Bộ GD&ĐT và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VIII.
Thay lời tri ân, chương trình truyền hình trực tiếp trên VTV1 - một hoạt động trong chuỗi chương trình tri ân nhà giáo - cũng đã diễn ra thành công vào tối 17/11.