Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Giáo dục Thủ đô phải hướng tới là nền giáo dục thanh lịch

GD&TĐ - Giáo dục Thủ đô phải hướng tới là nền giáo dục thanh lịch; trong đó trường học là trường học thanh lịch, thầy cô và học sinh thanh lịch.

Sở GD&ĐT Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.1
Sở GD&ĐT Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.1

Sáng 12/11, tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD-ĐT Thủ đô, 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lẵng hoa chúc mừng. Dự buổi lễ, về phía thành phố Hà Nội có Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài; Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; nguyên lãnh đạo Thành phố; lãnh đạo các ban Đảng thuộc Thành uỷ, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố, Văn phòng UBND Thành phố, các ban thuộc Hội đồng nhân dân Thành phố, các Sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, Quận ủy, Hội đồng nhân dân, UBND các quận, huyện, thị xã...

Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ; đại diện các cục, vụ, văn phòng, thanh tra Bộ.

Cùng dự có lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam; đại biểu đại diện các đơn vị thuộc Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; đại biểu đại diện một số sở GD&ĐT; đại diện Hội Khuyến học Hà Nội, Hữu nghị Việt Nam – Australia, Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội, Hội Toán học Hà Nội, Hội Cựu giáo chức Thành phố; đại diện Đại sứ quán nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam; tổ chức UNESCO tại Hà Nội.

ha-noi.jpg
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Đơn vị tiên phong đi đầu, dẫn dắt trong mọi nhiệm vụ của ngành Giáo dục

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thay mặt Lãnh đạo ngành GD-ĐT gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới giáo dục Thủ đô Hà Nội bởi những kết quả và thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển thành công của đất nước, của Thủ đô và của ngành Giáo dục nói chung. Bộ trưởng cho biết, kể từ khi vua Lý Công Uẩn rời đô về thành Đại La, kiến lập vị trí đế đô cho muôn đời tại nơi đây, thì Thăng Long- Hà Nội luôn là trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục của cả nước.

Chỉ tính riêng từ khi Lý Nhân Tông cho dựng Quốc Tử Giám, trường quốc học hoàng gia công lập đầu tiên vào năm 1076 tới nay, giáo dục Thủ đô đã có truyền thống nghìn năm. Suốt chiều dài lịch sử nghìn năm ấy, Thủ đô luôn là nơi tụ hội của đại trí thức, của các danh sư, là nơi các trường công, trường tư nhộn nhịp thu hút học trò muôn phương về kinh học tập và thi thố tài năng.

Sự hiện tồn của Văn Miếu, Quốc Tử Giám, quán Văn Xương, hồ Văn, phường Bích Câu, phố Tràng Thi, Tháp bút Tả thanh thiên, Đại học Đông Dương... là những hiện hữu văn vật thể hiện sự sinh động cho bề dày, chiều sâu và tính chất trung tâm, sự hội tụ, sức lan tỏa cả nước và quốc tế của giáo dục Thủ đô Hà Nội. Đây là niềm tự hào to lớn riêng có của đất “thanh danh văn vật sở đô”.

Tính từ năm 1954, Thủ Đô Hà Nội bước vào giai đoạn lịch sử vẻ vang mới. Sở GD&ĐT Hà Nội được thành lập là một hợp phần của bộ máy ủy ban Quân chính. Và từ ngày ấy, nền giáo dục mới được xác lập và lớn mạnh không ngừng cùng với các lĩnh vực chung của Thủ đô Hà Nội.

Bộ trưởng nhận định, trải qua 70 năm phát triển, ngành GD-ĐT Hà Nội đã không ngừng phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tốt sứ mệnh của mình với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, phát triển con người, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước. Ngành GD-ĐT Thủ đô luôn là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu, dẫn dắt trong mọi nhiệm vụ của toàn ngành.

Đặc biệt, từ năm 2008, TP Hà Nội có những mở rộng địa giới, tuy gặp nhiều thách thức của quá trình điều chỉnh, song chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì và nâng cao, kỷ cương nền nếp được tăng cường. Giáo dục Hà Nội đã kết hợp tinh hoa của Thủ đô với giáo dục Xứ Đoài giàu truyền thống.

b51beebd-4f94-4932-b519-89ab4dc9694f.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Trần Hiệp

Với vai trò của nền giáo dục Thủ đô của cả nước, ngành GD-ĐT Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, phát huy năng lực chủ động tích cực, đổi mới sáng tạo của toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh, hoàn thành xuất sắc những yêu cầu phát triển của Thủ đô.

Hiện nay, quy mô giáo dục Hà Nội chiếm trên 10% quy mô giáo dục cả nước với gần 3.000 cơ sở giáo dục các cấp, khoảng 130 nghìn giáo viên, gần 2,3 triệu học sinh. Hà Nội cũng là nơi tập trung 120 cơ sở giáo dục ĐH, CĐ với gần 1 triệu sinh viên. Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, mạng lưới trường, lớp của Hà Nội đang không ngừng được mở rộng, ngày càng khang trang hiện đại, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia và quốc tế ngày càng gia tăng. Giáo dục Hà Nội đang từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô, cả giáo dục chính khóa và giáo dục thường xuyên, cả nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài.

Hà Nội là một trong những nơi tích cực và triển khai một cách bài bản, hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đại trà không ngừng được nâng cao, giáo dục mũi nhọn luôn đứng đầu cả nước với gần 2.500 giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và các huy chương tại các kỳ thi quốc tế.

Những thành quả của giáo dục Thủ đô đạt được trong 70 năm qua là tiền đề quan trọng, tạo đà để ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục phát triển, vượt qua những thách thức mới, sứ mệnh mới để đáp ứng được nhu cầu phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới.

Với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước, ngành GD-ĐT Hà Nội vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng những phần thưởng và danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhất.

“Giáo dục Thủ đô luôn đứng trước đòi hỏi cao, yêu cầu cao, chuẩn cao, ở tính mẫu mực, tính tiên phong, ở chất lượng hàng đầu và là tấm gương, là hình mẫu cho giáo dục cả nước. Vì vậy, những gì giáo dục Thủ đô đạt được và được ghi nhận trong thời gian qua cần phải tính với cấp số nhân và giá trị gia tăng trong sự ghi nhận, đánh giá.

Để có được những kết quả to lớn đó, bên cạnh nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, phần rất quan trọng là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao, toàn diện của lãnh đạo Thành phố, của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND và cả hệ thống chính trị Thành phố.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, một lần nữa tôi xin đặc biệt chúc mừng đối với những thành quả mà giáo dục Thủ đô đã đạt được trong suốt 70 năm qua và bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Thành phố qua các thời kỳ”, Bộ trưởng bày tỏ.

ha-noi-4.jpg
Năm 2024, ngành GD-ĐT Hà Nội có 1 nhà giáo được phong tặng Nhà giáo nhân dân và 55 nhà giáo được phong tặng Nhà giáo ưu tú. Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và tặng hoa chúc mừng cho các nhà giáo Thủ đô.

Thách thức chung và đặc thù của giáo dục Thủ đô

Giáo dục Thủ đô với tư cách là một đơn vị trụ cột của ngành Giáo dục cả nước cũng đang đối mặt với những thách thức và cơ hội chung của toàn ngành Giáo dục.

Một trong những thách thức lớn, theo Bộ trưởng, là cần tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho một giai đoạn phát triển mới với nhiều yêu cầu mới của đất nước trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, nhu cầu và yêu cầu nguồn nhân lực đa dạng, biến đổi không ngừng.

Cùng với đó là rất nhiều thách thức trong triển khai các nhiệm vụ lớn của ngành Giáo dục. Trong đó có thách thức triển khai thành công đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện ở tất cả cấp học, mà hiện nay chúng ta đang tập trung nhiều hơn ở giáo dục phổ thông với việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong điều kiện còn khó khăn về nguồn lực, giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị và cơ chế.

ha-noi-7.jpg
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương báo cáo kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD-ĐT Thủ đô.

Ngoài ra, giáo dục Thủ đô còn phải đối mặt với những thách thức đặc thù như: Học sinh tập trung đông, phân bổ không đều và nhiều biến động, dẫn đến khó khăn trong việc phân tuyến, đáp ứng nhu cầu học tập lớn và tình trạng thiếu trường học công lập cục bộ tại một số khu vực. Khoảng cách về chất lượng và điều kiện giáo dục giữa các trường thuộc các quận nội thành và các trường huyện ngoại thành còn khá lớn. Việc thiếu không gian, việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp học ở một số quận nội thành, những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, các khu đô thị mới... còn nhiều khó khăn thách thức...

Bộ trưởng đề nghị ngành Giáo dục tiếp tục tham mưu lãnh đạo Thành phố tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vượt qua các thách thức để tiếp tục phát triển bền vững.

ha-noi-5.jpg
Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD-ĐT Thủ đô và 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Giáo dục Thủ đô cần hướng tới mục tiêu cao hơn yêu cầu chung cả nước

Đất nước ta đang trên đà phát triển, GD-ĐT đang không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng. Trong thời đại mới, kế tục bề dày nghìn năm và truyền thống 70 năm thời hiện đại, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn giáo dục Thủ đô kế tục truyền thống, tiếp tục là mẫu mực và tiên phong cho giáo dục cả nước.

Theo Bộ trưởng, giáo dục hiện nay nhấn mạnh việc lấy phát triển toàn diện con người là trọng tâm, là mục tiêu. Trong sự phát triển toàn diện con người, giáo dục Thủ đô cần hướng tới mục tiêu cao hơn yêu cầu chung cả nước, hướng tới giáo dưỡng, tạo nên những công dân Thủ đô thanh lịch, có tầm văn hóa, trách nhiệm xã hội và biết sống hạnh phúc cho mình và cho cộng đồng.

Đó là những công dân có những phẩm chất văn hóa cao, có kỹ năng về khoa học công nghệ, là những công dân văn minh thanh lịch thời đại số, tốt chuyên môn, giỏi ngoại ngữ.

Muốn vậy, nền giáo dục Thủ đô phải hướng tới là nền giáo dục thanh lịch. Trong đó, trường học là trường học thanh lịch, thầy cô và học sinh thanh lịch. Ở đó, trường học phải là nơi người học được đảm bảo an toàn, không có bạo lực học đường, không có nói tục chửi bậy, không có ép buộc học thêm. Ở đó, tệ nạn bị tránh xa và ở đó hiện hữu một môi trường học đường văn hóa tiêu biểu. Quan trọng nhất, ở đó, con người ứng xử với nhau bằng tình yêu thương và trách nhiệm.

Muốn có hệ thống giáo dục thanh lịch, Bộ trưởng cho rằng, cần triển khai tốt văn hóa giáo dục và giáo dục văn hóa. Sự thanh lịch của giáo dục hoàn toàn có thể dựng xây trên nền những thành quả tốt đẹp mà chúng ta đã và đang có.

466345487-509000842286694-7897178289738708199-n.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và tặng hoa chúc mừng cho các nhà giáo Thủ đô.

Bộ trưởng đồng thời lưu ý, giáo dục Thủ đô cần tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết như: Giảm khoảng cách chênh lệch trong chất lượng giáo dục giữa các khu vực, các trường; giảm khoảng cách giữa kết quả giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà để học sinh ở khu vực nào, trường nào, lớp nào cũng được tiếp cận môi trường giáo dục và chất lượng giáo dục tốt nhất.

Giáo dục Thủ đô cũng cần giải quyết tốt hơn các mối quan hệ nhà trường và xã hội, nhà trường và địa phương, thầy cô và phụ huynh,... để tạo lập một môi trường giáo dục có lề lối ngay ngắn; ở đó chất lượng giáo dục được đảm bảo, sự tôn nghiêm của nghề giáo được xem trọng, thầy tiêu biểu, trò tiêu biểu. Chỉ có bằng một nền giáo dục thanh lịch, hướng tới chuẩn quốc tế, chúng ta mới có thể tạo dựng được những con người Thủ đô văn minh thanh lịch trong thời đại mới.

Đứng trước giai đoạn phát triển mới, ngành Giáo dục Hà Nội cần phát huy tốt nhất những kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa phương pháp giảng dạy và công tác quản lý để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng bày tỏ cảm ơn trân trọng đến Lãnh đạo Thủ đô Hà Nội vì sự quan tâm, hỗ trợ và chỉ đạo sát đối với giáo dục Thủ đô. Với sự quan tâm đặc biệt, sự chỉ đạo sát sao này, giáo dục Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận và tự hào như ngày hôm nay.

Song, Hà Nội là nơi có quy mô lớn, thách thức nhiều, đòi hỏi cao, kỳ vọng lớn. Dù đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao, Bộ trưởng mong Lãnh đạo Thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao và hiệu quả hơn nữa.

“Thành ngữ ta có câu “có thực mới vực được đạo”. Vậy nên, tôi mong lãnh đạo Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục bằng những chính sách hỗ trợ, chăm sóc tốt hơn đối với lực lượng nhà giáo; bằng việc tu sửa và xây dựng phòng học đầy đủ trang thiết bị, khang trang, rộng rãi hơn, tận dụng những quy định trong Luật Thủ đô mới được ban hành để chăm lo cho giáo dục. Bởi lẽ nếu lớp học còn quá đông, trang thiết bị còn hạn chế, giáo viên còn thiếu, giáo viên còn đôn đáo lo cuộc sống thì một nền giáo dục thanh lịch vẫn rất khó có thể đạt được đầy đủ”, Bộ trưởng bày tỏ.

Đối với các nhà giáo Thủ đô, tôi chúc mừng các thầy cô được công tác tại hệ thống giáo dục với tất cả sự vinh dự và tự hào. Làm nhà giáo là công việc cao quý và vinh dự, nhà giáo Thủ đô càng vinh dự và tự hào.

Ngoài những phẩm chất, trình độ, năng lực, kỹ năng của nhà giáo nói chung, để tạo dựng được nền giáo dục Thủ đô thanh lịch, bản thân chúng ta càng cần tiêu biểu, càng thanh lịch một cách mẫu mực. Đó là yêu cầu rất cao nhưng cũng là kỳ vọng, sự phó thác của ngành và của Thủ đô. Mong chúng ta đã nỗ lực càng nỗ lực hơn nữa để đáp ứng sự kỳ vọng lớn đó.

Nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt Lãnh đạo ngành GD-ĐT, tôi trân trọng gửi tới các thầy, cô lời cảm ơn và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Tôi muốn bày tỏ niềm tự hào sâu sắc về các thầy các cô. Kính chúc các cô, các thầy luôn tìm thấy niềm vui trong công việc và luôn hạnh phúc với nghề nghiệp của mình.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.