Tôn vinh đạo học, trời ban Nghiêm Xá 7 vị đại khoa

GD&TĐ - Làng Nghiêm Xá nổi tiếng là vùng đất trọng đạo học – với ngôi đình thờ 12 vị Thành hoàng là các tiến sĩ và là làng khoa bảng với 7 vị đại khoa nổi danh.

Tôn vinh đạo học, trời ban Nghiêm Xá 7 vị đại khoa

Đặc biệt, làng có gia đình khoa bảng với 3 người là cha – con cùng đỗ tiến sĩ: Ngô Hoan, Ngô Ước, Ngô Hoành.

Thành hoàng làng tiến sĩ

Làng Nghiêm Xá, xưa có tên nôm là Kẻ Ngườm thuộc tổng Triều Đông, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (nay thuộc xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín - Hà Nội).

Ngôi làng cổ gần sông Nhuệ, lại nằm giữa vùng chiêm trũng nên đời sống từ xa xưa đã phải chịu nhiều khó khăn. Bởi thế nên người trong làng răn dạy con cháu rằng chỉ có chuyên cần đèn sách mới mong đỗ đạt hiển vinh.

Bởi vậy, làng đã quyết định lập một ngôi đình, và trong ngôi đình ấy thờ Thành hoàng làng chính là các vị khoa bảng. Theo các cụ cao niên, đình Nghiêm Xá được xây dựng năm Đinh Tỵ, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2, tức năm 1677 đời vua Lê Hy Tông.

Đình là nơi thờ 12 vị tiên hiền – là những người từng đỗ đại khoa và có tiếng tăm lẫy lừng về tài năng và đạo hạnh nhà Nho. Vị đại khoa đầu tiên được làng tôn làm Thành hoàng là Trạng nguyên Nguyễn Hiền (1234 - 1256), người làng Dương A, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường (nay là Thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).

Nguyễn Hiền thi đỗ Trạng nguyên khi mới 13 tuổi, trở thành vị Trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam. Ông đỗ trong khoa thi tháng 2 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247) thời vua Trần Thái Tông.

Tiếp theo là Hàn lâm viện tham chính Nguyễn Lộc, người làng Đồn Bối, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách (Hải Dương). Ông đỗ tiến sĩ (Hoàng giáp) khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức năm 1487 lúc 24 tuổi. Ông làm quan đến chức tham chính, khi nhà Mạc giành ngôi nhà Lê sơ, ông không chịu làm quan cho Mạc nên sau này được Phan Huy Chú khen là có tiết nghĩa.

Trong số 12 vị Thành hoàng làng còn có Bảng nhãn Ngô Thầm người Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn (Bắc Ninh) – là thân phụ Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu và là ông nội Tiến sĩ Ngô Diễn, Ngô Dịch. Ông đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhị danh khoa Quý Sửu (1493), làm quan đến chức Hàn lâm viện hiệu thư.

Ngoài ra, đình Nghiêm Xá còn thờ các tiến sĩ, như: Đệ nhị Hoàng giáp Ngô Ước, Nhập nội hành khiển Nguyễn tướng công, Hiến sát sứ Ngô Thống, Nhập nội hành khiển Dương tướng công, Đô ngự sử Ngô Hoán, Hàn lâm viện tham chính Nguyễn Hạp, Hiến sát sứ Nguyễn Hữu Tác, Công bộ tả thị lang Bùi Văn Khụy (Huy), Hoàng giáp Nguyễn Trạng.

Đình Nghiêm Xá tôn 12 vị tiến sĩ là Thành hoàng làng.

Đình Nghiêm Xá tôn 12 vị tiến sĩ là Thành hoàng làng.

Ngôi đình đề cao sự học

Người Nghiêm Xá cho rằng, mộ Trạng nguyên Nguyễn Hiền được xây dựng tại làng.

Người Nghiêm Xá cho rằng, mộ Trạng nguyên Nguyễn Hiền được xây dựng tại làng.

Trên mảnh đất Nghiêm Xá, cổ nhân từng xây mộ Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Dù cho đến nay, chưa biết chính xác ngôi mộ ở đâu, nhưng người làng chắc chắn trên mảnh đất này có nơi thờ và mộ ông. Đó là sự nhất quán trong tư duy của người Nghiêm Xá - đề cao việc học, tôn trọng hiền tài. Việc thờ phụng ở đình Nghiêm Xá cũng là hiện tượng riêng không giống bất cứ làng xã nào.

Theo các cao niên làng Nghiêm Xá, đến nay đình không còn thần phả, chỉ còn cuốn văn tế bằng chữ Hán. Văn tế cũng ghi tên và chức tước các vị đỗ đại khoa nói trên. Đó là các vị khoa bảng thời Trần và thời Lê, quê quán và triều đại khác nhau nhưng đều đỗ đạt trước thế kỷ 17.

Trong số các vị Thành hoàng làng tiến sĩ, nhiều người không xuất thân từ làng Nghiêm Xá nhưng vẫn được dân làng thờ phụng. Điều này chứng tỏ sự coi trọng việc học, tôn trọng nhân tài của người dân Nghiêm Xá.

Sự tôn vinh các vị học hành đỗ đạt cao làm Thành hoàng làng là một hiện tượng độc đáo của văn hóa làng. Đó là truyền thống đề cao việc học, tôn trọng nhân tài đã có công lao mang kiến thức giúp vua, giúp nước.

Thông qua việc tế lễ - một hình thức tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ đối với nhân tài, mà những nhân vật lịch sử này xuất thân vốn thành đạt từ đèn sách – người xưa hẳn muốn đề cao việc học của tiền nhân cho những lớp người sau.

Trong số những di tích đã được Nhà nước xếp hạng, đình Nghiêm Xá vẫn được giới nghiên cứu chú ý bởi đây là một trong số những di tích có niên đại tạo dựng sớm, và giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc và điêu khắc.

Đình Nghiêm Xá được xây dựng bề thế gồm 5 gian 2 dĩ, quay về hướng Tây, bên phải là chùa làng, phía trước là ao sen. Khởi thủy, kiến trúc đình Nghiêm Xá được xây dựng theo kiểu chữ Nhất, vào thời nhà Nguyễn được xây thêm hậu cung.

Tòa đại bái có 4 hàng chân gỗ, hai loại vì kèo giá chiêng và kẻ suốt. Các vì kèo kẻ suốt ở hai đầu hồi có câu đầu nối 2 cột cái. Chính giữa bờ nóc đắp nổi viên minh châu, bờ dải hình lưỡi liềm, bốn góc đầu đao cong vút, mái lợp ngói vảy cá. Đình có 3 lối vào cùng hệ thống cửa bức bàn gỗ lim chắc chắn.

Đáng chú ý là các bức cốn ở tòa đại bái đều còn khá nguyên vẹn. Nghệ nhân xưa đã chạm nổi tích “độc long” với rồng miệng loe, mắt lồi, râu tóc hình tia lửa, đao mác.

Tích “cá hóa rồng” với đầu cá đã hóa thành rồng nhưng đuôi vẫn là đuôi cá. Trong đình còn có bức cốn rồng đưa tay bắt sóc, lại có những bức chạm “lưỡng long tranh châu”, hai con rồng tranh giành viên ngọc nhưng một con vật thứ ba xuất hiện, đó là con sóc cũng nhảy ra “chia phần”.

Yếu tố văn hóa truyền thống, văn hóa cung đình đã đan xen cùng văn hóa dân gian đến tuyệt mĩ. Đó cũng là sự biểu hiện, sự phản ánh trung thực đời sống tư tưởng và tình cảm của người dân hồi thế kỷ 17 - lúc chính quyền thống trị đang bị sa sút, nghệ thuật chính thống bị rạn vỡ, nghệ thuật dân gian với sức sống mãnh liệt bước vào giai đoạn mới và sự thể hiện còn rõ nét ở những tác phẩm điêu khắc.

Trên thượng lương đại bái còn khắc rõ niên đại tạo dựng “Vĩnh Trị nhị niên Đinh Tỵ thập nhị nguyệt cát nhật thượng lương bắc thượng thôn ngũ giáp”. Nghĩa là: Ngày tốt, tháng 12 năm Đinh Tỵ niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ 2, năm giáp bắc thượng thôn dựng (1677).

Trời ban 7 vị đại khoa

Người dân Nghiêm Xá tổ chức lễ hội truyền thống tôn vinh các bậc tiên hiền, khoa bảng.

Người dân Nghiêm Xá tổ chức lễ hội truyền thống tôn vinh các bậc tiên hiền, khoa bảng.

Với ý nghĩa tôn vinh đạo học, đình Nghiêm Xá không chỉ là chốn tâm linh, gửi gắm vào đó những mong ước trên con đường khoa cử. Với quan niệm “có thờ có thiêng”, người Nghiêm Xá đã tôn 12 tiến sĩ làm Thành hoàng làng, mong một ngày các vị tiên hiền phù hộ cho làng có người đỗ đạt, vinh quy bái tổ.

Là vùng đất trọng đạo học nhất nhì xứ Bắc, người Nghiêm Xá đã tham gia các khoa thi, mang vinh hiển về cho làng. Với 7 vị đỗ đại khoa, làng Nghiêm Xá được xếp đứng đầu huyện Thường Tín về số học vị tiến sĩ trong nền khoa cử Nho học.

Đặc biệt, Nghiêm Xá có gia đình cả 3 cha con là đều đỗ tiến sĩ. Cha là Ngô Hoan, đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487). Theo ghi chú của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho văn bia tiến sĩ số 8 Văn miếu Thăng Long - thì là Ngô Hoan là thành viên hội “Tao Đàn nhị thập bát tú”.

Hoàng giáp Ngô Hoan từng đi sứ và làm quan đến chức Đô ngự sử. Ông có hai người con trai cùng dự khoa thi năm 1526. Con cả là Ngô Ước - đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), được bổ chức Hàn lâm; con thứ là Ngô Hoành - đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân.

Khi làng có nhiều người đỗ đạt thành danh, người dân đã xây dựng nghè ở Hậu Bành đón các vị đỗ tiến sĩ khi về làng vinh quy bái tổ. Sau đó, địa phương lại dựng văn chỉ để thờ những người đỗ đạt cao.

Với tinh thần tôn vinh đạo học, Nghiêm Xá không chỉ tôn thờ các bậc tiên hiền trong đình làng, mà tại các miếu, văn chỉ, nhà thờ họ cũng thờ phụng những vị khoa bảng, nhằm giáo dục truyền thống tốt đẹp của làng để con cháu cố gắng nỗ lực học hành.

Tiếp nối truyền thống khoa bảng, cho đến nay người Nghiêm Xá vẫn tiếp tục không ngừng học tập. Nhờ vậy, làng có nhiều người đạt học vị tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân. Tất cả những người thi cử có bằng cấp đều được ghi danh trong sổ truyền thống lưu tại đình làng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.