(GD&TĐ) - Mục tiêu giáo viên sống được bằng lương, từ lâu đã là trăn trở của Quốc hội, Chính phủ và bản thân ngành Giáo dục, với rất nhiều giải pháp cũng như đề xuất được đưa ra, nhưng sự cải thiện chưa thực sự thấy rõ. Đó cũng là bài toán nan giải trong vấn đề lương cho công chức ở nước ta, mà giáo viên cũng không phải ngoại lệ, trong khi đây là một ngành nghề được xã hội tôn vinh và là một đối tượng đặc thù được xã hội kính trọng về địa vị xã hội, nhưng thực tế chỉ là những đối tượng… thu nhập thấp.
Ảnh minh họa/MH |
“Sống được” là một khái niệm bất định, chỉ riêng trong địa phương đã không giống nhau. Thu nhập 4 triệu đồng một tháng ở nội thành Hà Nội đã thuộc đối tượng thu nhập thấp; nhưng với 4 triệu đồng/tháng ở huyện ngoại thành như Sóc Sơn, có thể gọi là tạm đủ trang trải cuộc sống thường nhật. Không riêng gì nội thành Hà Nội, hầu hết ở các đô thị, với thu nhập 5 triệu đồng/tháng cho một người đã có gia đình, phải thu vén lắm mới gọi là tạm đủ để lo cho sinh hoạt thường nhật. Lương không đủ sống khiến một bộ phận nhà giáo không yên tâm với nghề là một thực tế. Nó lý giải cho tình trạng giáo viên bỏ việc đang có xu hướng gia tăng trong khi người theo ngành Sư phạm lại ngày càng ít, nhất là ở các thành phố lớn. Điều này trái ngược hẳn với gần 20 năm trước, khi Nhà nước dành nhiều ưu đãi cho ngành Sư phạm và đội ngũ giáo viên.
Thực tế là, so với 6 - 7 năm trước thì theo lộ trình tăng lương của Chính phủ, lương giáo viên đã được cải thiện khá nhiều; cùng thang bậc như nhiều ngành nghề khác nhưng lại được hưởng hệ số phụ cấp đứng lớp ưu đãi với mức bình quân là 1,35 (thường được gọi là 30% phụ cấp đứng lớp), thâm niên nghề nghiệp; chưa kể những ưu đãi cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, các cơ sở GD đặc biệt... Tuy nhiên, với nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng, mức lương này vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi tăng thu nhập thực tế cho giáo viên, nhất là khi đã có con nhỏ, đời sống của một bộ phận nhà giáo còn không ít khó khăn.
Trên thực tế không thiếu những chủ trương, chính sách quan tâm đến đội ngũ nhà giáo. Chiến lược phát triển GD giai đoạn 2001 - 2010 (ban hành từ tháng 12/2001) có ghi: “Giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo về số lượng và chất lượng là một trong các giải pháp được ưu tiên”. Ngành Giáo dục và cả Quốc hội cũng đã có những đề xuất về điều chỉnh lương cho giáo viên trong những năm gần đây, nhưng đến nay nghề giáo vẫn là nghề có thu nhập thấp trong xã hội. Lý do được chỉ ra: Cơ chế!
Chúng ta nói nghề giáo là nghề cao quý; xã hội tôn trọng những người làm thầy là sự thực. Nghị quyết Đảng cũng khẳng định GD&ĐT là quốc sách hàng đầu. Thế nhưng liệu chúng ta có thể chấn hưng và phát triển GD được không khi mà sự tôn vinh và đề cao giá trị chỉ dừng lại ở mặt tinh thần mãi như thế này?
“Tôn sư” là truyền thống dân tộc nhưng chăm lo cho đời sống những người làm nghề dạy học, để họ thực sự sống được bằng nghề, chuyên tâm và dành trọn vẹn tình yêu cho nghề mới thực sự là đạo lý dân tộc ta; là sự đánh giá thiết thực nhất về nhãn quan xã hội đối với giá trị đích thực của nghề dạy học.
Nhất Nguyên