Tôn trọng văn hóa bản địa

GD&TĐ - Đầu tháng 6/2021, tỉnh Lào Cai ban hành quyết định công nhận thôn Choản Thèn, xã Y Tý (Bát Xát) là điểm du lịch. Quyết định nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Thế nhưng, sau quyết định đó thì dư luận lại xôn xao về một dự án rất lạ lùng của địa phương này. Để thi công chòi ngắm cảnh ở Choản Thèn, người ta “nhốt” 2 cây cổ thụ khu vực công viên thôn Choản Thèn. Việc làm này gây ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và chưa phù hợp với văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa.

Sự việc khiến Bộ VH-TT&DL phải đề nghị Lào Cai khẩn trương kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương có biện pháp khắc phục, bảo đảm việc giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Hà Nhì.

Thì ra để thu hút du lịch, Sở VH-TT&DL Lào Cai đã chọn khu vực được công nhận là điểm du lịch, cũng là một điểm tham quan được nhiều người biết đến để thi công dự án chòi ngắm cảnh, lan can khu vực công viên Choản Thèn.

Sự việc sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như hệ thống rào sắt, cùng những cọc bê tông cắm xuống đất không “rào kín” 2 cây cổ thụ nổi tiếng Y Tý. Đằng này, sự can thiệp thô bạo của con người đã làm ảnh hưởng rất lớn đến 2 cây cổ thụ, cũng như quang cảnh xung quanh.

Còn nhớ năm 2020, dư luận bức xúc trước hành động “cấy” một công trình sai phạm có tên Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (Mèo Vạc - Hà Giang). Sự việc ồn ào, Bộ VH-TT&DL phải yêu cầu tỉnh Hà Giang xử lý và tham vấn ý kiến chuyên gia để khắc phục hậu quả.

Các chuyên gia cho rằng, điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch thì cũng phải làm sao cho hợp lý, từ kiến trúc đến hành động không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn cảnh. Một trong các nguyên tắc cơ bản nhất trong cảnh quan đó là phải bảo đảm an toàn, hài hòa với thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường, phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống bản địa.

Thế nhưng sau Mã Pì Lèng, Lào Cai không rút cho mình kinh nghiệm đối xử với thiên nhiên. TS Nguyễn Thu Thủy, Khoa Du lịch - Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, nói với báo chí: Với các dự án, xây dựng thế này thì luôn phải đặt câu hỏi ai tư vấn như thế. Với Choản Thèn, có thể thấy Sở VH-TT&DL tự làm, không mời quy hoạch. Người xây cũng không có quan điểm thẩm mỹ, thấy cứng hóa thế là đẹp, kiên cố là đẹp.

KTS Vương Đạo Hoàng cũng nói rằng: Công trình của văn hóa Hà Nhì mà lại cọc bê tông thì dở. Trong khi đồng bào có kỹ thuật làm rào đá, làm tường đất nhà trình tường. Những yếu tố bản địa đó vô cùng hấp dẫn du khách. Nếu sở quản lý văn hóa bỏ qua bối cảnh, kệ mọi thứ và “đặt cái mình thích” vào thì sẽ không còn hấp dẫn.

Việc lãnh đạo địa phương theo thói quen áp đặt không còn lạ. Rất nhiều di tích lịch sử, công trình văn hóa theo lối áp đặt mà thành ra méo mó “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Không biết đến bao giờ, những người làm văn hóa mới biết tôn trọng văn hóa, mới biết trân trọng truyền thống, mới biết coi trọng thiên nhiên?

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ