Tôn trọng học sinh để đạt hiệu quả giáo dục cao hơn

GD&TĐ - Tuổi nghề còn trẻ, nhưng cô Thái Thị Vũ Anh - giáo viên Vật lý (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh) đã xuất sắc đạt thủ khoa Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi tỉnh Nghệ An bậc THPT.

Cô Thái Thị Vũ Anh (GV Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh) trò chuyện cùng học sinh.
Cô Thái Thị Vũ Anh (GV Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh) trò chuyện cùng học sinh.

Với cô Vũ Anh, vai trò chủ nhiệm vô cùng đặc biệt. Ngoài dạy kiến thức, các thầy cô còn gắn bó, chia sẻ, nắm rõ hoàn cảnh, đặc điểm của từng học sinh. Công tác chủ nhiệm là sự kết nối giữa nhà trường, học sinh, với phụ huynh, góp phần xây dựng hình ảnh, vị thế người giáo viên trong xã hội.

Sẵn sàng tự điều chỉnh vì học sinh

Là một cô giáo trẻ, nhưng cô Thái Thị Vũ Anh được Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tin tưởng lựa chọn dự thi cấp tỉnh. Sau khi trải qua phần trình bày biện pháp giáo dục học sinh, cô chọn dạy tiết thực hành sinh hoạt lớp có chủ đề “thanh niên với tình bạn và tình yêu”. Cô chia sẻ, đây là một chủ đề không mới nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với lứa tuổi học sinh THPT. Với học sinh, mối quan hệ tình cảm bạn bè như một điều tất yếu.

Cô Thái Thị Vũ Anh.
Cô Thái Thị Vũ Anh.

Khi đã có một tình bạn đẹp, được xây dựng trên sự quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu nhau, các em sẽ thu được những trái ngọt đầu tiên đó chính là được hoàn thiện bản thân, có được cảm giác vui vẻ, hạnh phúc. Những người bạn thủa học trò, sẽ đồng hành với các em kể cả lúc vui hay buồn, khó khăn kể cả trong cuộc sống say này.

Nhớ lại tiết giảng của mình, cô Thái Thị Vũ Anh kể, trong 45 phút cũng có nhiều tình huống bất ngờ, nhưng sự hưởng ứng của học trò đã truyền cảm hứng cho mình. Từ không khí sôi nổi và hợp tác của học trò, cô mong muốn các em biết cách xây đắp một tình bạn đẹp, cũng như giữ cảm xúc rung động đầu đời đáng nhớ.

“Sau khi dạy xong, tôi cùng với học trò đều thoải mái. Nhưng khi biết tin đạt giải Nhất và điểm cao thủ khoa toàn tỉnh, tôi vô cùng bất ngờ. Kết quả đó là động lực lớn để tôi tiếp tục phấn đấu trong nghề và hoàn thiện chính mình trong công tác chủ nhiệm, giáo dục học sinh”, cô Vũ Anh chia sẻ.

Theo lời cô Vũ Anh, sau khi đi dạy 3 năm, thì cô được nhà trường giao công tác chủ nhiệm. Đó là nhiệm vụ không dễ dàng gì với cô giáo trẻ cả  tuổi đời, kinh nghiệm sư phạm, các mối giao tiếp. Với áp lực đó, cô đã từng ép bản thân nghiêm khắc, áp đặt với học sinh. Ví dụ, việc học sinh nghịch ngợm, vi phạm nội quy trường lớp là điều khó tránh khỏi đối với tập thể lớp hơn 50 bạn. Tuy nhiên, cô đã rất nguyên tắc, chỉ biết “cấm” học sinh, buộc các em thực hiện máy móc.

“Với cách quản lý này, học sinh có thể làm theo cô giáo chủ nhiệm nhưng âm thầm tỏ thái độ đối kháng. Sau này, tôi cũng nhận ra cái sai của mình và tôi đã bắt đầu điều chỉnh, ứng xử với học sinh như “bạn với bạn”. Khi việc thực hiện nề nếp của lớp không tốt, tôi chỉ nhắc chung. Sau đó, gặp riêng từng em vi phạm để tìm hiểu lý do và giải quyết”, cô Vũ Anh nói.

Giáo viên chủ nhiệm không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà để gắn kết tập thể lớp, cầu nối giữa nhà trường, thầy cô với học sinh, phụ huynh. Đồng thời người biết lắng nghe, để giải đáp thắc mắc của học sinh về tình bạn, tình yêu. Từ đó tạo cho các em sự tin tưởng, hợp tác, chia sẻ. Theo cô Vũ Anh: “Có lẽ, tự điều chỉnh mình liên tục đó, mà tôi đã thể hiện tốt ở cuộc thi  giáo viên chủ nhiệm giỏi vừa qua. Nhưng với tôi, chặng đường chủ nhiệm vẫn luôn mới mẻ với từng khóa học sinh và mình cần tiếp tục lắng nghe, kịp thay đổi cùng học trò”.

Giáo viên chủ nhiệm cần có sự quan tâm, tìm hiểu kỹ hoàn cảnh, tính cách, năng lực của từng học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm cần có sự quan tâm, tìm hiểu kỹ hoàn cảnh, tính cách, năng lực của từng học sinh.

Học sinh cá biệt cũng cần được tôn trọng

Cô Thái Thị Vũ Anh cho biết, dù có kinh nghiệm dạy học dày dặn, thì mỗi ngày lên lớp đối với giáo viên chủ nhiệm là mỗi tình huống chưa từng có trong sách vở. Thế nên, khi tiếp nhận khóa học sinh mới, cô tìm hiểu kỹ hoàn cảnh từng học sinh, nắm bắt sở thích, năng khiếu và nguyện vọng riêng của các em. Bên cạnh đó, phải là người đồng hành cùng tham gia với các em ở các hoạt động.

Là giáo viên Vật lý, giỏi chuyên môn, tham gia tích cực trong hoạt động ôn tập, bồi dưỡng kiến thức. Nhưng ngoài tiết học, cô lại trở thành một người bạn lớn với học sinh. “Có rất nhiều câu chuyện các em không thể chia sẻ với bố mẹ, với bạn bè nhưng lại chia sẻ riêng với giáo viên chủ nhiệm. Điều đó đối với giáo viên là niềm hạnh phúc, bởi được các em tin tưởng, gửi gắm. Và bản thân mình cũng phải tự trau dồi thêm vốn hiểu biết để đưa cho các em lời khuyên bổ ích”, cô Vũ Anh cho hay.

Những năm công tác trong ngành, cũng cho cô giáo trẻ cách nhìn nhận thấu đáo hơn trong đánh giá học trò. Một lớp học bao giờ cũng có học sinh cá biệt, có thế mạnh, điểm yếu riêng. Nhưng cô quan niệm “có thể các em “cá biệt” nhưng không có học sinh hư”, và giáo viên đã hiểu học trò của mình hay chưa.

Cô cho rằng, học sinh cá biệt cũng cần phải được tôn trọng như những học sinh khác. Nhưng giáo viên chủ nhiệm cũng phải có cách tiếp cận một cách cá biệt, phù hợp. Thay vì ác cảm, hay hiểu rằng lứa tuổi học trò có nhiều bất ổn tâm sinh lý, dễ tổn thương, cần tâm sự nhiều hơn, khích lệ nhiều hơn. Có như vậy, các em mới dần mở lòng và xóa khoảng cách.

Theo cô Vũ Anh: "Học sinh cá biệt không phải là học sinh hư, và cũng cần được tôn trọng".
Theo cô Vũ Anh: "Học sinh cá biệt không phải là học sinh hư, và cũng cần được tôn trọng".

Lứa tuổi THPT, học sinh đã bắt đầu định hình bà bộc lộ cá tính của mình. Các em muốn được thể hiện mình, khẳng định mình, và được sự công nhận từ những người xung quanh. Vì vậy, nếu có lỗi, nhưng từ gia đình, thầy cô trách móc, nhắc lại sai lầm của em ấy nhiều lần, thì dễ nảy sinh ra tâm lý phản kháng tiêu cực.

Khi giáo viên tôn trọng học trò, cho các em cơ hội được giãi bày, tháo gỡ khó khăn, thì ngược lại, cũng yêu cầu học trò phải có cư xử phù hợp. “Tôi vẫn nói cô tôn trọng các em, và mong các em cũng tôn trọng cô. Sự tôn trọng lẫn nhau giữa cô và trò, coi nhau như bạn, không làm giáo viên mất đi sự tôn nghiêm, và vai trò, vị thế người thầy người cô trong mắt học trò lại càng được yêu quý, nể trọng hơn”, cô Vũ Anh nói.

Theo cô Thái Thị Vũ Anh, chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như đổi mới trong những năm gần đây hướng đến lấy người học làm trung tâm. Phát huy, ghi nhận năng lực ở mọi mặt của học sinh. Tăng cường hoạt động trải nghiệm, kỹ năng, hướng nghiệp. Đó cũng là những phương hướng để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, chứ không chỉ nặng về dạy học truyền thụ kiến thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.