Công tác giáo viên chủ nhiệm: Không có học sinh cứng đầu

GD&TĐ - Khi tiếp nhận một lớp học có lẽ điều đầu tiên giáo viên chủ nhiệm nên làm là nêu ra những nguyên tắc làm việc chung, các quy tắc ứng xử “kỷ luật cá nhân - tôn trọng tập thể”… mà chúng ta quen gọi là ổn định nề nếp.

Thầy Lâm Vũ Công Chính và học sinh lớp 12A3 Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM)
Thầy Lâm Vũ Công Chính và học sinh lớp 12A3 Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM)

Tôi đưa ra câu khẩu hiệu cần ghi nhớ với lớp chủ nhiệm của mình “Giữ gìn là trân quý hiện tại để hướng tới tương lai”. Thứ nhất là giữ gìn vệ sinh chung; thứ hai là giữ gìn trật tự lớp; thứ ba là giữ gìn tài sản tập thể; thứ tư giữ gìn tình cảm dành cho nhau.

Học trò ngoan thì được thầy cô thương liền, học trò “quậy” được thầy cô nhớ lâu! Khi thầy cô có đủ uy tín thì không cần dùng uy quyền để áp đặt lên học sinh, bởi vì “không có học trò cứng đầu, chỉ có giáo viên cứng nhắc”.

Chỉ một sự thay đổi nhỏ của giáo viên có thể giúp học sinh vượt qua những khó khăn nhất định trong học tập, gieo cho các em niềm tin sẽ làm tốt hơn ở những lần tiếp theo. Chỉ cần sau mỗi bài giảng, mỗi lời khuyên chân thành, học sinh cảm thấy mạnh mẽ, tự tin và hứng thú hơn trong việc học. điều đó cũng đem lại sự thăng hoa cho giáo viên, để gắn bó với nghề dạy lâu hơn.

Dạy học không chỉ rót nước đầy chai, đổ đầy kiến thức mà làm thế nào để học sinh phải cảm thấy “khát” và tự tìm ra nguồn nước. Giáo viên nên chuyển từ yêu cầu học sinh thực hiện thành nhu cầu học sinh mong muốn thực hiện thông qua cách dạy theo dự án, các hoạt động giáo dục trải nghiệm…

Tuy nhiên, không phải các em học sinh đều giống nhau, có những em chỉ thích sống trong “vùng an toàn”, chỉ chơi được với một nhóm bạn thân; lại có những em thích nổi bật giữa đám đông, hay đưa ra những lý lẽ trái chiều, lý do “lý trấu” này nọ... Tất cả ít nhiều đều làm giáo viên chủ nhiệm phải nặng lòng.

Thầy cô giáo luôn nghiêm khắc với trò vì muốn các em chăm ngoan, học hành tấn tới và việc xử phạt các em đôi khi xảy ra cũng vì để răn đe. Nhưng trước khi đưa ra hướng xử lý, hình thức xử phạt, thầy cô cần tìm hiểu nguyên do vì sao để cách giải quyết “thấu tình đạt lý”, cho các em một cơ hội sửa sai, hoặc ít nhất một cơ hội được nói lời xin lỗi đến thầy cô.

Bản thân tôi học được rất nhiều qua câu chuyện “Học sinh đi trễ bị thầy giáo khẽ tay và cái kết”, kể về cậu học trò vào năm học mới mà ngày nào cũng đi muộn, lại gặp phải thầy giáo nghiêm.

Thầy giáo đã dùng hình phạt là đánh roi vào tay thật đau để học trò chừa. Ngày đầu tiên đi học, cậu học sinh bị đánh rõ đau vào tay và cúi đầu xin lỗi thầy rồi ngồi vào bàn. Nhưng đến những ngày tiếp theo tình trạng đó vẫn tái diễn khiến thầy không thể không tức giận mà đánh mạnh hơn.

Cho đến một hôm, tình cờ khi thầy chạy bộ buổi sáng ở một tuyến đường mới, thầy nhìn thấy cậu học trò gầy gò “bất trị” của mình đang gò lưng đạp xe chở một chồng báo dày và nặng, cẩn thận để ở hòm thư trước cửa nhà, rồi vội vàng đạp xe đến nhà khác và lặp lại công việc vừa xong.

Lúc này thầy giáo mới hiểu vì sao đòn roi nặng của mình cũng không thể khiến cậu học trò đó đến đúng giờ học được. Sáng hôm sau, cậu học trò lại tới lớp muộn, cậu đã giơ sẵn tay chờ đòn roi của thầy. Nhưng trước sự ngạc nhiên của trò, thầy giáo ôm chầm lấy cậu bé và khóc... Giọt nước mắt ân hận của thầy giáo!

Theo tôi, chúng ta không nên dùng từ “học sinh cá biệt”, bởi đó là cái “mác” thầy cô gán ghép mà vô tình học sinh phải mang theo suốt những năm tháng học trò, trong khi thực tế cuộc sống phải có sự khác biệt mới làm nên giá trị bản thân. Mỗi người sinh ra là khác biệt, đừng bắt ai phải giống mình. Thầy cô cũng vậy, đừng cứng nhắc khi đánh giá học sinh của mình.

Những chia sẻ trên đây chưa thể nói hết được các công việc của một giáo viên chủ nhiệm, chưa thể lột tả hết những khó khăn mà thầy cô gặp phải, nhưng xin nêu như một sự đồng hành cùng đồng nghiệp.

Hiện nay, mỗi nhà chỉ có một đến hai con nên đa phần phụ huynh xem con cái của họ là kim cương, là ngọc ngà. Họ có thể vui vẻ tiếp nhận những thông tin của thầy cô để uốn nắn con cái. Nhưng cũng có người vì sĩ diện sẽ có những phản ứng tiêu cực.

Do vậy, thầy cô khi phê bình học trò đừng quá gay gắt, nhất là trước buổi họp có nhiều phụ huynh. Thầy cô hãy nhẹ nhàng khuyên nhủ, phối hợp cùng gia đình trong công tác giáo dục, để học sinh và cả phụ huynh thấy mình có được sự tôn trọng cần thiết và thấy được tấm lòng của thầy cô, những người tâm huyết với nghề dạy.

Và có lẽ cách giáo dục hiệu quả nhất chính là “thân giáo”, thầy cô lấy bản thân mình làm gương để giáo dục học sinh noi theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...