“Tôi yêu tiếng nước tôi”: Lan tỏa tình yêu tiếng Việt

GD&TĐ - Liên hoan nghệ thuật mang tầm thế giới “Tôi yêu tiếng nước tôi 2019” sẽ diễn ra tại thủ đô Warszawa (Ba Lan), từ ngày 12 - 15/9. 

Nghệ sĩ Việt Hoàn song ca bài “Tình ca” của nhạc sĩ Phạm Duy
Nghệ sĩ Việt Hoàn song ca bài “Tình ca” của nhạc sĩ Phạm Duy

Chương trình do Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) phối hợp với Hội Người Việt Nam tại Ba Lan tổ chức nhằm góp phần gìn giữ, tôn vinh tiếng Việt, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các thế hệ người Việt Nam trên thế giới.

Âm nhạc mở rộng vòng kết nối

Năm 2015, Liên hoan “Tôi yêu tiếng nước tôi”mang tầm toàn thế giới do NSND Thanh Hoa khởi xướng lần đầu tiên đã được tổ chức tại châu Âu. Đây là một sân chơi “nối vòng tay lớn” bằng âm nhạc để những người Việt Nam trên khắp thế giới cùng hướng về nguồn cội, cất lên những âm điệu yêu thương bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.

Trong vai trò Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, NSND Thanh Hoa - Chủ tịch APPA cho biết: “Tôi yêu tiếng nước tôi” mang sứ mệnh quan trọng. Đó là bảo tồn văn hóa Việt, những ca khúc hay của Việt Nam và bảo tồn tiếng Việt. Chương trình đem đến cho mọi kiều bào niềm tự hào và khát vọng về văn hóa dân tộc, tiếng hát quê hương, qua đó gợi nhớ về cội nguồn. Tìm kiếm để tôn vinh giọng hát hay của người Việt trên khắp thế giới nhưng cái đích quan trọng nhất mà BTC nhắm tới là góp phần bảo vệ tiếng Việt, bảo tồn văn hóa Việt cũng như nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các thế hệ người Việt Nam trên thế giới.

Để lựa chọn thí sinh, từ tháng 3 BTC đã trao đổi và gửi thông báo tới Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để tuyển chọn thí sinh. Hàng trăm thí sinh có chất giọng tốt và đam mê âm nhạc Việt được tuyển chọn từ các liên hoan nghệ thuật châu Âu, ASEAN và cộng đồng người Việt tại các nước.

31 thí sinh xuất sắc nhất đã được BTC Liên hoan “Tôi yêu tiếng nước tôi - 2019” lựa chọn và gửi gắm nhiều hy vọng vào vòng chung kết. Trong đó, có 8 thí sinh tới từ CHLB Đức, 5 thí sinh Ba Lan, 2 thí sinh Hungary, 5 thí sinh Liên bang Nga, 2 thí sinh Thái Lan, 5 thí sinh Cộng hòa Séc, 1 thí sinh Pháp và 3 thí sinh từ Việt Nam. Sau khi tập trung và rút thăm thứ tự, các thí sinh bước vào thi dân ca ngày 14/9, thi bài hát tự chọn vào ngày 15/9. BTC dự kiến trao 5 Huy chương Vàng, 10 Huy chương Bạc trong liên hoan này. 

NSƯT Việt Hoàn là thành viên ban giám khảo duy nhất “lộ diện” ở thời điểm này. Anh từng là một thành viên trong hội đồng giám khảo cuộc thi “Tôi yêu tiếng nước tôi 2017” tại Lào gồm: NSND Thanh Hoa, NSND Đặng Hùng, NSƯT Hà Thủy... Có khá nhiều kỷ niệm đẹp với kiều bào, Việt Hoàn chia sẻ: Điều tôi xúc động và ấn tượng nhất chính là tình yêu âm nhạc của người Việt xa xứ rất lớn, dạt dào trong trái tim và lắng sâu trong tâm hồn mỗi người. Tiếng hát cất lên đầy chất hồn nhiên, giàu cảm xúc như tiếng lòng da diết. Đặc biệt, các thí sinh khu vực Đông Nam Á rất yêu dòng nhạc đỏ. Dòng âm nhạc chính thống này có một chỗ đứng rất lớn trong lòng kiều bào.

Với tiêu chí bắt buộc mỗi thí sinh phải biểu diễn một ca khúc dân ca nguyên bản, một ca khúc tự chọn bằng tiếng Việt song được tùy thích lựa chọn loại hình âm nhạc dân gian sẽ đem đến cơ hội thể hiện tài năng cho thí sinh. Khi bỏ công sức thời gian tập luyện tiết mục, dù là dân ca vùng miền nào thí sinh phải tìm hiểu kỹ càng, đào sâu hơn vào vốn quý dân tộc, hiểu và thẩm thấu được những vẻ đẹp tinh hoa, thêm yêu và tự hào về giá trị di sản văn hóa bao đời của người Việt.

Tôn vinh văn hóa Việt

Điều lạ mà cả nghệ sĩ Thanh Hoa và Việt Hoàn đều khẳng định, âm nhạc có sức chuyển tải ngôn ngữ mẹ đẻ rất tốt. Có nhiều thí sinh nói tiếng Viêt còn ngọng nghịu nhưng khi thể hiện ca khúc lại hát rất chuẩn, tròn vành rõ chữ…

Từ những chương trình Liên hoan “Tôi yêu tiếng nước tôi” tổ chức tại châu Âu, khu vực ASEAN, Lào, Thái Lan… những năm qua, các nghệ sĩ gạo cội phát hiện ra điều lý thú: Có khá nhiều giọng hát hay của người Việt ở nước ngoài như một nguồn tài nguyên nghệ thuật đang bị bỏ ngỏ. Những chất giọng rất đẹp đó nếu được trau dồi và rèn luyện, được nâng cao kỹ thuật thanh nhạc, kỹ thuật biểu diễn tại những môi trường đào tạo bài bản và chuyên nghiệp thì sẽ trở thành các ngôi sao tài năng.

“Càng sống xa Tổ quốc, người Việt càng khao khát được đến với nghệ thuật, được thốt lên tiếng lòng từ sâu thẳm trái tim mình. Hát bằng tiếng mẹ đẻ, thể hiện những ca khúc Việt là được thỏa mãn đam mê cháy hết mình với niềm vui và khát vọng hướng về văn hóa quê hương chứ chúng tôi không tính toán, cầu đoạt huy chương”, anh Lê Trọng Việt - người

giành HCV Liên hoan“Tôi yêu tiếng nước tôi” 2018 tại Cộng hòa Séc, bộc bạch. Luôn mang một tâm thế hướng về quê hương nguồn cội nên dù sống tại CHLB Đức suốt 35 năm qua, vợ chồng anh và các gia đình Việt kiều sống ở TP Leipzig chưa bao giờ ngơi nghỉ việc truyền dạy tiếng Việt và văn hóa dân tộc cho các thế hệ sau”.

Sang Ba Lan học ngành Tàu ngầm nguyên tử từ năm 1985, rồi ở lại sống và làm việc tại TP Warszawa, anh Nguyễn Duyên chia sẻ: “Gia đình tôi rất yêu âm nhạc. Con gái lớn của tôi đã tốt nghiệp đại học và đi làm. Con gái út đang học năm thứ hai.

Các cháu rất giỏi tiếng Ba Lan và tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Việt cũng được bố mẹ quan tâm rèn dạy nên sử dụng khá trôi chảy. Thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba ở nước ngoài có thể hát tốt tiếng Anh hoặc tiếng bản xứ rất tốt nhưng còn ít người giỏi tiếng Việt. Để các con yêu tiếng Việt, không quên nguồn gốc tổ tiên, ông bà, vợ chồng tôi thường “vịn” vào chiếc cầu nối âm nhạc. Chúng tôi nghe rất nhiều CD nhạc Việt. Âm nhạc dễ đi vào lòng người, nuôi dưỡng bồi đắp tâm hồn con người chính nhờ lợi thế của giai điệu, ca từ… Cuộc thi “Tôi yêu tiếng nước tôi” năm nay tổ chức ở Ba Lan sẽ giúp các thế hệ người Việt xa xứ có ý thức trách nhiệm hơn trong bảo tồn bản sắc văn hóa của mình”.

Tâm đắc với vấn đề gìn giữ tiếng Việt bằng con đường âm nhạc, NSND Thanh Hoa đã chia sẻ điều bà tâm huyết: “Sau liên hoan này tôi và các nghệ sĩ của APPA sẽ lên kế hoạch chi tiết thực hiện khóa đào tạo văn hóa dân gian, cụ thể là dạy trẻ em (trên 10 tuổi) người Việt ở Ba Lan hát dân ca. Các bạn nhỏ sẽ được tiếp cận với văn hóa Việt qua cả việc học tiếng Việt và hát bài hát Việt”…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống Buk-M3 xuất hiện tại chiến trường Ukraine.

Vũ khí chuyên săn lùng ATACMS, Storm Shadows

GD&TĐ - Theo kênh Tvzvezda, phiên bản mô-đun của tổ hợp đánh chặn Buk-M3 ra đời chuyên để săn lùng vũ khí phương Tây, trong đó có tên lửa ATACMS, Storm Shadows.