Dạy học tích hợp ngữ văn lấy văn bản văn học làm ngữ liệu

GD&TĐ - Văn bản văn học chiếm một số lượng lớn trong chương trình Ngữ văn. Những kiến thức về Tiếng Việt, Tập làm văn đều có thể lấy văn bản văn học làm ngữ liệu để khai thác đồng thời từ đó gắn liền với một chủ đề để lồng ghép vào giáo dục ý thức đạo đức cho học sinh là một hướng đi cần thiết trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. 

Dạy học tích hợp ngữ văn lấy văn bản văn học làm ngữ liệu

Tư duy đa chiều, kiến thức đa chiều sẽ khơi dậy những tiềm năng đa chiều, khả năng to lớn trong việc giáo dục học sinh.

1. Cơ sở để thực hiện tích hợp

Một là, từ yêu cầu của thời đại bùng nổ công nghệ thông tin. Những gì chúng ta biết luôn hạn hữu nhưng những kiến thức, thông tin luôn được cập nhật và lớn dậy theo cấp số nhân thường ngày.

Hai là, chúng ta luôn phải chạy đua với thời gian để trong một thời gian ngắn giải quyết được nhiều việc. Bởi vậy trong dạy học hướng đến giải pháp: trong một khoảng thời gian nhất định, chúng ta cung cấp được nhiều kiến thức và rèn luyện được nhiều kỹ năng cho HS.

Ba là, chúng ta đang hướng đến xây dựng người học sinh mới với nhiều phẩm chất và năng lực. Đặc biệt trong chương trình Ngữ văn mới lấy việc rèn luyện các kĩ năng giao tiếp (đọc, viết, nói nghe) làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình theo định hướng phát triển năng lực và đảm bảo tính chỉnh thể, sự nhất quán liên tục trong tất cả các lớp học, cấp học.

Thông qua hoạt động đọc, viết, nói và nghe các kiểu loại văn bản, nhất là văn bản văn học, môn Ngữ văn góp phần giúp học sinh phát triển những phẩm chất cao đẹp như: tình yêu đối với thiên nhiên, tình yêu quê hương, đất nước; ý thức đối với cội nguồn, tự hào về lịch sử dân tộc; lòng nhân ái, vị tha; yêu thích cái đẹp, cái thiện và có cảm xúc lành mạnh; có hứng thú học tập, ham thích lao động, tinh thần tự học, phát triển ý thức nghề nghiệp; trung thực và có ý thức sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá Việt Nam; có tinh thần hội nhập và ý thức công dân toàn cầu.

Môn Ngữ văn có nhiều ưu thế trong việc góp phần hình thành và phát triển toàn diện các năng lực chung đã được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Yêu cầu cần đạt về năng lực chuyên môn: năng lực thẩm mĩ (Đó là khả năng nhận biết cái đẹp; phân tích đánh giá được cái đẹp; tái hiện và tạo ra cái đẹp; sống nhân ái, nhân văn. Cái đẹp cần hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả cái bi, cái hài, cái chân, cái thiện, cái cao cả, cái tốt, cái nhân văn) và yêu cầu về năng lực ngôn ngữ ( kỹ năng nghe, nói, đọc, viết).

Bốn là, chương trình Ngữ văn được xây dựng theo hướng mở; quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về văn học, tiếng Việt và một số văn bản có vị trí, ý nghĩa đặc biệt của văn học dân tộc còn lại cho giáo viên chủ động lựa chọn nguồn tư liệu, xây dựng chương trình, thời gian thực hiện, cách thức tiến hành.

Năm là, qua những ngữ liệu chọn lọc đặc sắc, học sinh có được những trải nghiệm thú vị, ý nghĩa, thấm thía trong đọc, viết, nói, nghe và rút ra được những bài học cụ thể, sâu sắc; có khả năng phản hồi một cách tích cực và hiệu quả những nội dung đã đọc, khả năng làm chủ tình cảm, hành vi cũng như khả năng ứng xử phù hợp trước các tình huống phức tạp trong đời sống.

Bởi vậy, tư tưởng dạy học tích hợp, lấy các văn bản văn học đặc sắc làm ngữ liệu là một hướng đi phù hợp và hiệu quả

2. Cách thực hiện tích hợp

Chúng ta thống kê, nhìn bao quát chương trình Ngữ văn THPT để chúng ta xây dựng được các chủ đề dạy học tích hợp. Cụ thể là chủ đề đó có thể giúp chúng ta:

- Tích hợp một văn bản văn học cụ thể gắn liền với kiến thức những môn liên quan ( Lịch sử, Điạ lý, Vật lý, Giáo dục công dân, Tin học, Ngoại ngữ,…)

- Tích hợp văn bản văn học với kiến thức, kỹ năng của tiếng Việt và Tập làm văn, với Lý luận văn học, lịch sử văn học,… Lúc này, văn bản văn học làm tâm điểm để từ việc khai thác giá trị của văn bản ta nắm được nội dung của bài học Tiếng Việt hay Tập làm văn thậm chí cả một chùm bài Tiếng Việt và Tập làm văn, đặc trưng thể loại văn học hay một thời kỳ văn học được thể hiện qua văn bản đó.

- Hơn thế, chúng ta có thể tích hợp với những nội dung liên quan giải quyết một vấn đề trong thực tiễn đời sống đặt ra (những vấn đề liên quan đến tình hình địa phương của các em hoặc lứa tuổi các em càng gần gũi, thiết thực) để góp phần rèn luyện giáo dục đạo đức cho học sinh.

Một số chủ đề tích hợp, bản thân tôi từng thực hiện và đưa lại hiệu quả dạy học cao như một số hướng đi sau:

Hướng 1: Dạy tích hợp một văn bản văn học nào đó để dạy tích hợp với Tập làm văn. Chẳng hạn: Chọn văn bản Nghị luận (Ví dụ: Tựa “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương, Nhìn về vốn văn hóa dân tộc của Trần Đình Hượu, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh,…) được triển khai trên ba cơ sở: Thứ nhất là tích hợp những kiến thức Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Mĩ thuật, Âm nhạc, Tin học… 

Thứ hai là tích hợp với bốn bài trong chùm bài học về Văn nghị luận ở chương trình Ngữ văn 10, tập hai (nghĩa là biết vận dụng văn bản này như một ngữ liệu để tìm hiểu các bài học làm văn về Văn nghị luận: Lập dàn ý bài văn Nghị luận; Lập luận trong văn nghị luận; Các thao tác nghị luận; Luyện tập viết đoạn văn nghị luận).

Thứ ba là tích hợp với văn hoá địa phương qua tìm hiểu dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh và di tích lịch sử Hiệu Yên Xuân. Từ đó, định hướng, rèn luyện cho học sinh (HS) kỹ năng liên hệ thực tiễn với văn hoá địa phương để giáo dục ý thức giữ gìn, phát huy những nét đẹp của văn hoá quê hương và thêm yêu, thêm tự hào về quê hương, đất nước.

Ở chủ đề này, chúng tôi gắn liền với việc giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy di sản văn hoá địa phương, chúng tôi đã tổ chức cho học sinh thảo luận tìm ra được sáu dự án:

Dự án 1: Đọc - hiểu phần Tiểu dẫn của văn bản; Dự án 2: Đọc - hiểu phần giá trị nội dung của văn bản; Dự án 3: Tìm hiểu hệ thống lập luận của văn bản (tích hợp với bài Lập luận trong Văn nghị luận); Dự án 4: Tìm hiểu các thao tác nghị luận của văn bản (tích hợp với bài Các thao tác nghị luận); dựa án 5: Suy nghĩ của anh/chị về trách nhiệm của giới trẻ đối với việc bảo tồn và phát triển dân ca xứ Nghệ (tích hợp với bài Lập dàn ý bài văn nghị luận, với văn hoá, lịch sử, địa lý địa phương và môn Giáo dục công dân); Dự án 6: Suy nghĩ của anh/chị đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử hiệu Yên Xuân - ở xã Lĩnh Sơn - huyện Anh Sơn - tỉnh Nghệ An? (tích hợp với bài Luyện tập viết đoạn văn nghị luận, với văn hoá, lịch sử, địa lý địa phương và môn Giáo dục công dân).

Chọn một văn bản Tự sự (Tấm Cám, Truyện An Dương Vương và Mỵ Châu, Trọng Thủy,…) gắn liền với dạy học tích hợp các bộ môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng; tích hợp với chùm bài văn Tự sự ( Lập dàn ý bài văn tự sự; Chọn sự việc chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự; Luyện tập viết đoạn văn tự sự; Tóm tắt văn bản tự sự); tích hợp với ý thức trách nhiệm của giới trẻ ngày nay với vấn đề biên giới hải đảo, với vấn đề đấu tranh chống sự phân biệt đối xử, chống lại những điều xấu, điều ác trong cuộc sống,… Tùy vào ý tưởng hướng đến một nội dung giáo dục đạo đức nào đó, giáo viên gợi ý các đề tài liên quan.

Hướng 2: Dạy tích hợp một văn bản văn học nào đó tiêu biểu để tích hợp với bài Tiếng Việt. Ví dụ chọn Bình Ngô đại cáo hoặc một đoạn trích trong Truyện Kiều để dạy bài Thực hành về Thành ngữ, điển cố. Ở đây, ta có thể tích hợp với Lịch sử (bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội sản sinh ra các thành ngữ, điển cố), Giáo dục công dân,…

Tích hợp với bài Tiếng Việt: Thực hành về thành ngữ, điển cố. Hoặc lấy văn bản: Thu điếu hay Thương vợ hoặc một tác phẩm văn xuôi bất kỳ để tích hợp với bài: Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân hay Hai thành phần nghĩa của câu. Từ đó gắn liền với vấn đề: Rèn luyện lời ăn tiếng nói văn hóa, lịch sự trong đời sống học đường, Cách sử dụng ngôn ngữ trên mạng Facebook; Tình yêu tiếng Việt trong em; Lời xin lỗi muộn màng;…

Hướng 3: Dạy học tích hợp một văn bản văn học thuộc một thể loại bất kỳ để tích hợp với một bài lý luận văn học. Dạy Vĩnh biệt Cửu Trùng đài hoặc Hồn Trương Ba da hàng thịt gắn liền với bài Thể loại Kịch. Từ việc phân tích văn bản, chúng ta dạy tích hợp được với Lịch sử, Địa lý, Mỹ thuật, Giáo dục công dân,…đồng thời khái quát được các đặc trưng của kịch. Từ đó liên hệ đến vấn đề về: Cách ứng xử cuả bản thân trước những xung đột đời sống, Sống trung thực, nhân ái,… Chọn văn bản văn học để dạy bài lịch sử văn học cũng thực hiện tương tự.

Trên ba hướng đi đó, chúng ta có rất nhiều kiểu tích hợp và những hướng đi khác. Điều quan trọng ở đây chính là tìm các đơn vị kiến thức liên quan, tiết kiệm thời gian mà tăng được hiệu quả giáo dục học sinh, mang tính thời sự, ý nghĩa nhân văn lớn, giải quyết được vấn đề đang đặt ra trong đời sống hiện tại, khơi gợi được tính độc lập, sáng tạo, hứng thú học tập của học sinh, đặc biệt là hình thành và phát triển cùng một lúc nhiều phẩm chất, năng lực cho học sinh THPT.

3. Hiệu quả của cách dạy tích hợp theo hướng này

Khi tích hợp được theo những hướng này giáo viên không chỉ giúp học sinh nắm vững bài học mà còn góp phần thay đổi về mặt nhận thức, bồi dưỡng lòng yêu nước, ý thức tự cường tự tôn dân tộc, lòng nhân ái, sự tự tin,…để từ đó biến thành hành động cụ thể và hữu ích đóng góp cho quê hương, đất nước và giúp bản thân trưởng thành, hoàn thiện hơn.

Đặc biệt, giải pháp này góp phần tiết kiệm thời gian, rèn luyện được tư duy khái quát, tổng hợp, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực trình bày, năng lực ngôn ngữ, tư duy đa chiều, tạo được không khí nhẹ nhàng, sôi nổi, gây được hứng thú cho học sinh trong giờ học.

Không chỉ thế, Học sinh còn rút ra được cách tự học dựa trên tư duy liên hệ đa chiều các đơn vị kiến thức trong môn Ngữ văn, giữa môn Ngữ văn với tất cả các môn học khác, giữa những kiến thức lý thuyết hàn lâm với thực tiễn đời sống văn hoá, xã hội địa phương, có sự kết hợp giữa việc nâng cao kiến thức với rèn luyện kỹ năng, bồi dưỡng tâm hồn, nâng cao ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước, thời đại.

Học sinh phát triển và hoàn thiện được các năng lực sau: Phát triển năng lực tự học, hợp tác, sử dụng ngôn ngữ, năng lực đánh giá, trải nghiệm hoạt động sáng tạo, năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mỹ,…

Tóm lại, tiến hành dạy học tích hợp theo hướng như đã trình bày ở trên trong nhiều bài học, nhiều nội dung dạy học của bộ môn Ngữ văn ở cả ba khối lớp là điều hết sức cần thiết trong thời đại ngày nay. Điều này hoàn toàn đúng với tinh thần của nghị quyết số 29 của BCHTW Đảng khóa XI về “đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”: “Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học (…). Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại…”. 

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ