Tôi và những nhà giáo yêu nghề hoàn toàn đồng tình với Bộ trưởng

GD&TĐ - Loại bỏ văn mẫu lúc này quả là việc khó nhưng không phải không làm được.  

LTS: Quý bạn đọc và các thầy cô đang theo dõi một bài viết của thầy giáo Nguyễn Văn Lự, đến từ Vĩnh Phúc.

Ở bài này, thầy Lự với tư cách là giáo viên dạy văn đã bày tỏ quan điểm đồng tình với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về loại bỏ bài văn mẫu trong dậy ngữ văn bậc phổ thông.

Để làm được, cần thay đổi từ thầy cô, học trò cho đến khảo thí.

Thầy Lự cho rằng, dù khó, nhưng nhất định làm được.

Bộ Trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu vấn đề cần sớm loại bỏ văn mẫu trong Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai năm học mới 2021-2022 là một tín hiệu đáng mừng cho dân trí nước ta.

Quy trình đề Ngữ văn mẫu, dạy theo văn mẫu, chấm bài theo văn mẫu, đánh giá theo điểm thi là mảnh đất phì nhiêu cho văn mẫu sinh sôi và kéo nhiều thứ ăn theo phát triển.

Là người gắn bó gần 4 chục năm dạy Ngữ văn Tung học phổ thông, tôi và một số người yêu nghề hoàn toàn đồng tình với Bộ trưởng nhưng loại bỏ văn mẫu lúc này quả là việc khó nhưng không phải không làm được.  

Đề thi mẫu, bài văn mẫu

Thi thế nào học thế ấy, học để thi và nếu thay đổi về thi thì toàn hệ thống dạy và học buộc phải thay đổi.

Thi tuyển sinh vào 10 mỗi tỉnh một phương thức, một kiểu đề Ngữ văn và thầy trò buộc phải đổi theo là một ví dụ.

Một thời hoàng kim cứ ôn là trúng của Bộ đề thi Đại học, cao đẳng theo khối luyện thi cấp tốc, rồi đổi thi cụm, thi 1 vòng rồi 2 vòng, thi chung, thi đại học riêng và thi “2 trong 1” với nhiều thay đổi về xét tuyển sinh như bây giờ.

Hình thức thi tự luận Ngữ văn không thay đổi, nhưng nội dung đề và cách hỏi thay đổi theo thời gian làm bài từ 180, 150 và 120 phút và đề thi theo đối tượng học sinh học chương trình phân ban, bổ túc -giáo dục thường xuyên hay phổ thông.

Công bằng mà nói, đề Ngữ văn cũng đổi mới theo sự thay đổi về thi chủ yếu thay đổi cấu trúc đề.

Do một mục tiêu tốt nghiệp trung học phổ thông hay mục tiêu kép tốt nghiệp và tuyển sinh đại học; do áp lực chỉ tiêu tốt nghiệp và theo đối tượng học sinh, cho nên đề Ngữ văn tự do và sáng tạo chỉ dành cho thi học sinh giỏi.

Mặt khác, đội ngũ giám khảo Ngữ văn cũng còn nhiều bất cập chưa thể đáp ứng yêu cầu chấm theo đề tự do và sáng tạo.

Câu nghị luận văn học 5 điểm không thể thay đổi hàng chục năm là vì thế.

Người viết đã cộng tác làm đề Ngữ văn cho Sở rất thấm thía chân lý: đề an toàn, chuẩn đúng nội dung kiến thức, kỹ năng và phải theo cấu trúc truyền thống.

Thực tế, đề thi cấp quốc gia thế nào thì đề thi cấp tỉnh và cấp trường cứ dựa theo đó mà làm, theo đó dạy và học, mục đích là điểm càng cao càng tốt! Ngân hàng đề Ngữ văn luôn sẵn và phục vụ thượng đế thầy và trò 24/24, theo hình thức cho không hoặc trả phí, hoặc chia sẻ bạn bè hay nhóm…

Đề Ngữ văn mẫu kèm theo dàn bài và bài viết đủ loại, đủ phong cách thượng vàng hạ cám, tràn ngập từ thư viện trường đến giá sách cá nhân của thầy và trò như tác giả Thanh An viết trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. [1]

Thầy cô và văn mẫu

Học Ngữ văn bây giờ để thi, để lên lớp từ cấp Tiểu học đến sau đại học chứ đâu phải học văn là học cách đọc hiểu, cách tư duy, nói và viết để làm Người.

Hệ quả của phân ban, học lệch từ sau 1995 đã làm cho nhiều thế hệ học sinh thờ ơ hoặc bỏ qua tiếp nhận tri thức tiếng Việt và đọc văn, gọi chung là môn Ngữ văn.

Những hạn chế của kiểm tra đánh giá, gian lận thi, phao thi và khâu chấm thi Ngữ văn, cứng nhắc và nhẹ nhàng, đã làm cho văn mẫu đắt hàng và phát triển.

Đội ngũ nhà giáo quan trọng nhất ở Tiểu học lại là sản phẩm của học lệch.

Không ít thầy cô không biết viết văn, chỉ học Tự nhiên là thầy cô dạy cả Toán và Tiếng Việt.

Học sinh học thuộc 10 bài mẫu để thi hết lớp 5 và thầy cô chấm theo văn mẫu, em nào theo đúng văn mẫu điểm cao và ngược là điều không ai còn nghi ngờ nữa.

Nhiều người học khá giỏi hoặc toàn diện chê ngành Sư phạm.

Bài toán năng lực và trình độ, kỹ năng sư phạm Ngữ văn nói riêng của đội ngũ nhà giáo vẫn rất nan giải.

Số liệu hùng hậu nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn chỉ là những con số hoàn hảo.

Những chuyện bi hài về đạo văn, thảo văn bản pháp quy nhiều lỗi vẫn sẽ chưa biết chấm hết khi nào.

Những thầy cô Ngữ văn nỗ lực làm đề mới, dù theo cấu trúc truyền thống, vẫn rất hiếm.

Rất nhiều lý do, thầy cô vẫn dùng đề mẫu có sẵn để dạy và đánh giá học sinh.

Không cần chỉnh sửa một từ, dù cũ hay mới, dạy và bắt học trò học thuộc với lý do “em không biết viết văn thì chỉ còn một cách là học thuộc!”.

Nhưng sao thầy cô lại không dạy các trò cách đọc hiểu, và viết văn, có phụ huynh nêu vấn đề như vậy. Câu trả lời khá ổn: “các em mất gốc rồi, chúng tôi không thể dạy lại từ đầu”.

Cũng nhiều thầy cô dạy học trò học hiểu, tự làm bài thi và không chấm bài theo văn mẫu.

Rốt cuộc, chẳng may thi thật điểm thấp, nhẹ thì được nhắc nhở và năm sau dạy đối tượng khác.

Quy trình đề Ngữ văn mẫu, dạy theo văn mẫu, chấm theo văn mẫu, đánh giá theo điểm thi là mảnh đất phì nhiêu cho văn mẫu sinh sôi và kéo nhiều thứ ăn theo phát triển.

Đành rằng, đề mẫu, văn mẫu dùng để thầy và trò tham khảo, theo tôi là cần thiết. Nhưng dùng đề mẫu, dạy học sinh học thuộc và làm/viết bài đúng đề mẫu mới đạt điểm khá tốt là điều tồi tệ nhất.

Học trò và văn mẫu

Những em yêu thích và học tốt Ngữ văn cũng đều dựa theo văn mẫu và tài liệu để học và làm bài.

Đọc nhiều, nhớ nhiều cũng là cơ hội để đạt điểm cao Ngữ văn.

Khuôn thước của đề và cách chấm bài Ngữ văn theo văn mẫu đã hạn chế rất nhiều khả năng sáng tạo, đổi mới của học sinh.

Học sinh dù thích học hay không cũng không thể thoát ly văn mẫu.

Thí sinh chuẩn bị làm bài thi. Ảnh: Văn Lự
Thí sinh chuẩn bị làm bài thi. Ảnh: Văn Lự

Chưa có nhiều học sinh dám mạo hiểm đổi mới và sáng tạo với cách hiểu và viết khác lạ đôi khi trái với Hướng dẫn chấm chính thức. Các em chỉ được chấp nhận khi gặp được thầy cô giỏi và tâm huyết với bộ môn.

Không ít học sinh các cấp nếu không dựa văn mẫu không biết viết gì vào bài. Từ lớp 1, các trò đã biết dùng văn mẫu, nhất là từ khi có internet hỗ trợ.

Hàng chục thế hệ học sinh làm theo văn mẫu đang làm việc trong xã hội, rất lúng túng khi viết bài luận, khi trao đổi và trình bày.

Hàng chục thế hệ học sinh đang làm thầy cô giáo tự nhận không biết viết văn, không thích đọc văn, không biết viết đơn hay văn bản nào đó nếu không có mẫu hoặc người hướng dẫn.

Đó là kết quả của lối học vẹt, học thuộc lòng, viết theo văn mẫu, điểm cao mà thiếu hiểu tiếng mẹ đẻ và văn chương của nước ta.

Đề thi thay đổi, văn mẫu sẽ về đâu

Chúng ta đã làm phao thi biến mất bằng hình thức thi trắc nghiệm.

Môn Ngữ văn, phần Đọc hiểu và viết đoạn nghị luận xã hội cũng loại bỏ được phao thi. Chỉ còn câu nghị luận văn học 5 điểm vẫn còn cơ hội cho phao thi.

Hơn chục tác phẩm văn xuôi và thơ đào xới mấy chục năm, bố mẹ thi rồi đến con thi.

Dù có hỏi cách mới thì cũng vẫn áp văn mẫu vào được, chỉ cần viết không sai tên tác giả và tác phẩm, có nhiều chữ là ổn.

Việc chấm thi, làm đẹp điểm và xem nhẹ yêu cầu hành văn, chính tả, dùng từ, và ngữ pháp của thầy cô lâu nay cũng cần được đánh giá và chấn chỉnh.

Trong năm mới này 2021-2022, theo đề xuất của Bộ Trưởng Nguyễn Kim Sơn, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục nên sớm công bố cấu trúc đề Ngữ văn tốt nghiệp, phần nghị luận theo hướng tự do và sáng tạo đã nêu rõ trong Chương trình Ngữ văn 2006 và thực hiện thống nhất ở các cấp học trong toàn quốc.

Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục nên cơ cấu lại điểm bài thi tốt nghiệp, hoặc cấu trúc phần II tự luận theo hướng hai đề chọn 1, nghị luận văn học và nghị luận xã hội với tỉ lệ điểm hợp lý để khuyến khích sự sáng tạo của thí sinh.

Tôi rất đồng tình với cấu trúc đề Ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh gần đây.

Đề thi Ngữ văn của Hà Nội năm 2021. Nguồn: laodong.net
Đề thi Ngữ văn của Hà Nội năm 2021. Nguồn: laodong.net

Trong 4 năm quá độ sang Chương trình mới 2018, để môn ngữ văn có thể xóa tác hại của văn mẫu là việc lâu dài và khó khăn nhưng không phải không làm được.

Thay đổi đề thi là cách hiệu quả nhất để thay đổi lối tư duy, giảng dạy và học tập, lối viết và nói theo văn mẫu, tài liệu mẫu hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thua-bo-truong-xoa-bo-van-mau-phai-bat-dau-tu-khao-thi-post220217.gd

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ