Chiều 14/4, Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gặp gỡ các cơ quan báo chí để bày tỏ quan điểm về những ý kiến trái chiều, chưa đồng thuận với những nội dung của Dự luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)
Cần luật để doanh nghiệp có cơ hội
Đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp và Hiệp hội DNNVV Việt Nam gặp gỡ báo chí để cung cấp thông tin về dự luật Hỗ trợ DNNVV
Bà Bùi Thị Thu Thủy - Cục phó cục phát triển doanh nghiệp nói: “Những ý kiến trái chiều là hết sức bình thường, có tác dụng giúp một dự luật được chuẩn bị kỹ càng, đảm bảo tính minh bạch, công khai. Và tất cả các ý kiến trái chiều hay chưa đồng thuận đều được ban soạn thảo đón nhận, xem xét và tiếp thu”.
Thậm chí, GS Phan Đăng Tuất, Phó chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn cho rằng: dự luật này là sự xúc phạm đối với các DNNVV đang làm ăn đàng hoàng, chân chính. “Họ cần bảo vệ khỏi sự nhũng nhiễu, cạnh tranh bất chính chứ không cần hỗ trợ”, GS Tuất nói.
Nhiều ý kiến cũng lo ngại về điều 29 (trong dự thảo ngày 13-4 là điều 30) của dự luật trao quá nhiều quyền cho Hiệp hội DNNVV Việt Nam khi quy định hiệp hội này được quyền cấp chứng chỉ, chứng nhận cho các DN, cũng như cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam - cho biết: Hiệp hội đại diện cho khu vực doanh nghiệp yếu thế trong cạnh tranh.
“Hiệp hội DNNVV các tỉnh cơ bản đánh giá là dự luật rất tốt, vì đã đề ra những chính sách hỗ trợ đảm bảo nguyên tắc lâu dài, nhất quán và xuyên suốt”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, trong những năm qua, dù cộng đồng DNNVV được quan tâm nhưng chưa được thụ hưởng những tác động tích cực của các chính sách. Vì vậy, cần có một đạo luật để đảm bảo các DNNVV tiếp cận cơ hội do các chính sách mang lại.
Không dàn trải, phát chẩn
Ông Lê Văn Khương - Trưởng phòng Doanh nghiệp - khẳng định: Dự luật không vi phạm các cam kết quốc tế trong WTO cũng như các hiệp định tự do thương mại khác mà Việt Nam đã kí kết. Bộ Tư pháp và VCCI cũng đã tham gia rà soát và khẳng định điều này.
“Luật không hỗ trợ trực tiếp mà hỗ trợ tất cả doanh nghiệp nói chung, không bao cấp, không đưa tiền cho DN, không làm cho doanh nghiệp ỷ lại, không chịu lớn” - Ông Khương nói.
Tuy vậy, trong phần diễn giải thêm, ông Khương cũng như ông Nam cho rằng: dự luật sẽ tập trung hỗ trợ những doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các doanh nghiệp tham gia các cụm, chuỗi giá trị.
Đối với ý kiến cho rằng: Dự luật này “đè” lên 7 Luật khác nên không khả thi, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: UB Thường vụ Quốc hội đã quán triệt nguyên tắc luật Hỗ trợ DNNVV không “đụng” 3 luật cơ bản (Luật đất đai, Luật ngân sách nhà nước và Luật thuế).
“Quy định về thuế sẽ tổng hợp sửa đổi ở Luật thuế. Trong hồ sơ Dự luật hỗ trợ DNNVV đã đánh giá sự liên quan đến các luật khác nhau để khi thực hiện không có xung đột”, ông Khương nói.
Đối với những ý kiến băn khoăn về việc dùng ngân sách để hỗ trợ, Cục phát triển doanh nghiệp nói không có chuyện lấy ngân sách để hỗ trợ cho tất cả các DNNVV trên cả nước.
Thừa nhận rằng, dự luật vẫn quy định các địa phương hỗ trợ DNNVV trong khi đa số các địa phương không tự chủ được ngân sách, đại diện Cục phát triển doanh nghiệp nói rằng: tùy từng địa phương và dự luật chỉ định ra khung khổ thi hành mà thôi.
Đối với những ý kiến băn khoăn về tên gọi của dự luật, ông Khương cho cho rằng: nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đều lấy tên là “hỗ trợ” để tạo sự nhất quán trong chính sách. Tuy nhiên, ban soạn thảo đã lắng nghe các ý kiến và có thể sẽ tiếp thu phương án đặt lại tên gọi dự luật là Luật phát triển DNNVV.
Pháp Luật TPHCM đã nêu câu hỏi rằng: Với tất cả những ý kiến trái chiều, Cục phát triển doanh nghiệp cũng như Hiệp hội DNNVV Việt Nam có cho rằng đây là một dự luật tốt hay không. Đại diện các cơ quan đều cho rằng: “Đây là một đạo luật tốt”.
Được biết, dự luật này sẽ được UB Kinh tế của Quốc hội trình ra UB Thường vụ Quốc hội ngày 17/4 tới.