Thầy giáo điển trai muốn được gọi là "hot teacher"
Thầy giáo Anh Duy thẳng thắn chia sẻ: "Nhìn tôi mọi người thường nói là tôi trông chẳng giống một giáo viên lắm nhưng bản thân tôi lại nghĩ rằng quan niệm, quy chụp về nghề giáo là một ông thầy phải khoác lên mình bộ trang phục già, xách một cái cặp thật là to, đeo một cái kính cận thật dày… sẽ thay đổi.
Giáo viên cũng có thể có một hình tượng trẻ trung, năng động, vấn đề quan trọng là người thầy đấy dạy cho trò của mình được gì? Hướng tới mục tiêu cuối cùng của việc giảng dạy là điều quan trọng hơn".
Anh Duy cũng cho rằng: Dẫn chương trình mang tính kết nối còn ở vai trò là người thầy, tuy cũng phải nói trước đông người nhưng đây lại có điểm khác nhau.
Người thầy phải là người làm chủ được chủ đề muốn nói, phải am hiểu nó và truyền đạt hiệu quả tới sinh viên của mình để họ nắm được và có thể áp dụng được.
Lần đầu tiên đứng trên bục giảng dạy hơn 100 sinh viên có lẽ là điều Anh Duy không bao giờ quên. Thầy kể lại: “Hôm đó là một ngày hè nóng nực, nếu như có một bức ảnh về ngày đầu tiên tôi đứng lớp giảng dạy, thì có lẽ đó là ngày ông thầy Anh Duy trông đáng thương nhất bởi mồ hôi nhễ nhại”.
Lúc đầu Anh Duy hơi căng thẳng, thầy giáo trẻ phải tự vấn an mình rằng, sinh viên cũng như em mình, cần tạo nên sự gần gũi, thân thuộc để giao tiếp với sinh viên được dễ dàng hơn.
Khi đã thiết lập được mối quan hệ với các trò của mình, Anh Duy cảm thấy việc trao đổi, truyền đạt kiến thức cho học trò của mình thuận lợi hơn rất nhiều.
Thầy giáo Anh Duy hồ hởi “khoe” rằng vài năm trở lại đây, anh tự thấy mình đã “thăng cấp” trong quãng thời gian đi dạy. Việc này gắn với một kỷ niệm về lớp “học trò“ đặc biệt của anh. Lớp Học viên MBA - lớp cao học quản trị kinh doanh, toàn là những nhà quản lý của Anh và Đan Mạch đã đi làm nhiều năm.
Các “học trò” của anh tới Việt Nam để giao lưu, học hỏi về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Anh Duy được giao một nhiệm vụ “nặng nề” là phải giảng cho họ.
Thầy giáo điển trai Anh Duy rất lo lắng bởi các “học trò” đặc biệt của mình đều có tuổi đời, bề dày kinh nghiệm thực tế hơn anh rất nhiều. Cả đêm anh trằn trọc, suy nghĩ về việc: Giảng những gì? Nói như thế nào? Họ sẽ hỏi mình những gì? Trả lời câu hỏi của họ ra sao?... Và tất cả đều phải chuẩn bị bằng tiếng Anh.
Ngày hôm sau, khi lên lớp, các học trò của Anh Duy đã ngồi đó. Anh Duy đã tiếp tục sử dụng “tuyệt chiêu” kết nối, tạo sự gần gũi với các học trò đặc biệt kia bằng những câu hỏi làm quen, quan tâm họ như: Anh, chị thấy thời tiết ở Việt Nam như thế nào? Món ăn ra sao?...
Buổi học hôm đấy diễn ra rất tốt đẹp, các “học trò” của anh rất quý mến anh, sau buổi học họ xin anh địa chỉ email, chụp ảnh cùng ông thầy điển trai.
Với Anh Duy đây là sự thành đối với bản thân của anh: từ dạy sinh viên Việt Nam bằng tiếng Việt, rồi giảng dạy cho sinh viên Việt tiếng Anh, giờ anh có thể giảng dạy cho người Anh bằng tiếng của họ. Thầy giáo trẻ cho rằng chính các lớp học đã tạo cảm hứng cho anh có thêm cách giảng dạy hay hơn, sâu hơn và nhiều ví dụ hơn.
Anh Duy chia sẻ, anh rất sợ các sinh viên không yêu mến mình vì giảng không hay, nghĩ rằng “ông thầy” của họ chỉ được vẻ bề ngoài nên Anh Duy rất ghét khi người khác gọi anh là “hot boy”.
Anh Duy lý giải: "Bản thân là một người thầy giáo, tôi mong muốn người ta nhớ tới tôi ở cương vị này. Nếu được, tôi mong muốn được mọi người gọi là “hot teacher”.
Nghề giáo và những kỷ niệm làm MC
Chia sẻ về cơ duyên dẫn dắt mà một anh chàng điển trai, từng đoạt giải "Én vàng" của cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình năm 2009, lại chọn gắn bó với nghề giáo, Anh Duy cho biết, anh chọn làm giáo viên trước khi anh đoạt giải Én vàng 2 năm, nhưng công việc giáo viên lại được anh chọn sau khi anh làm MC.
Anh Duy kể lần đầu tiên bước lên sân khấu ở vai trò một MC là năm anh học lớp 11 tại trường THPT Chu Văn An. Đó là chương trình rất hoành tráng kỷ niệm 92 năm thành lập trường. Hôm đó Sân vận động trường đông nghẹt người, khiến Anh Duy không khỏi hồi hộp.
Nhưng ngay từ lần đầu tiên đó, anh đã cảm thấy sự yêu thích của bản thân khi được đứng trên sân khấu, làm chủ sân khấu. Anh chàng điển trai Hoàng Anh Duy bắt đầu dẫn chương trình từ lúc đó.
Năm thứ ba của Đại học, Anh Duy chính thức dẫn chương trình truyền hình, khi này anh dẫn cho chương trình Thông điệp tình yêu. Sau đó, khi sắp tốt nghiệp Đại học, Anh Duy cộng tác cùng VTC. Nếu lúc này lựa chọn việc ở lại đài thì có lẽ Anh Duy đã trở thành một BTV lão luyện trên truyền hình.
Nhưng có một bước ngoặt lớn đã tới với anh, khi đó Đại học Ngoại thương có tuyển giảng viên, Anh Duy đã tự tin đăng ký thi tuyển. Trải qua cuộc thi tuyển với tâm thế tự tin, Anh Duy tới với thi cuối cùng là vòng Phỏng vấn.
Vài hôm sau, gia đình Anh Duy có một việc hơi buồn là bố anh phải trải qua một cuộc phẫu thuật và đang nằm trong bệnh viện. Nhưng sau cuộc điện thoại từ phía trường Đại học Ngoại thương thông báo cho Anh Duy biết là anh đã trúng tuyển làm giảng viên của trường, bố mẹ và bản thân Anh Duy rất hạnh phúc. Nó như một liều thuốc xoa dịu sự mệt nhọc qua ca phẫu thuật mà bố Anh Duy đã trải qua.
Sau hơn 8 năm làm giáo viên, Anh Duy nhận ra mình đã không lựa chọn sai, nghề giáo chọn anh và anh cũng đã lựa chọn nghề giáo, gắn bó với nghề một cách tự nhiên tới ngày hôm nay.
Thầy giáo ghét "bị" tặng phong bì
Có một lượng fan hùng hậu, luôn theo dõi trên mạng xã hội, thầy giáo điển trai rất “tự hào” về điều này. Theo Hoàng Anh Duy, khi các bạn sinh viên cảm thấy quý mến mình thì đó là điều rất trân trọng.
Các bạn sinh viên có những cách thể hiện tình cảm “yêu” thầy rất khác nhau: có những bạn sinh viên thường xuyên phát biểu bài trong giờ học, có bạn không nghỉ buổi học nào, có bạn hỏi thầy những câu hỏi bên ngoài cuộc sống, tâm sự tỷ tê. Những câu hỏi mà thầy Anh Duy rất thích nhận được như: Thầy ơi, sắp tới em đi phỏng vấn…, Thầy ơi, sắp tới em đi thi hoa khôi…
Đối với Anh Duy, những câu hỏi đó khiến anh vui hơn vì nó chứng tỏ học trò của anh tin cậy và quý mến anh rất nhiều. Việc được yêu mến bằng những hành động, cử chỉ thiết thực chính là món quà ý nghĩa nhất mà “thầy giáo điển trai” mong muốn nhận được từ học trò của mình.
Kỷ niệm về bữa tiệc sinh nhật bất ngờ, với chiếc bánh kem ngọt ngào do học trò Anh Duy tổ chức, là món quà vô giá đối với thầy giáo điển trai.
Anh Duy còn nhớ rất rõ, buổi đứng lớp của 2 năm trước, trước khi anh bắt đầu bài giảng, cô học trò của anh xin phép: “Thưa thầy, hôm nay lớp em có việc bận, em rất mong thầy cho lớp nghỉ 30 phút cuối”. Thầy giáo “khó tính” Hoàng Anh Duy đã buộc phải đồng ý cho lớp được nghỉ 30 phút cuối.
Cuối buổi học hôm đó, Anh Duy thực sự rất xúc động, lớp học bỗng dưng tắt phụt đèn. Ở cuối lớp, một chiếc bánh sinh nhật cho “ông thầy” Anh Duy xuất hiện trong tiếng hát chúc mừng sinh nhật của 150 sinh viên hôm đó.
Anh Duy suýt bật khóc trước hành động bất ngờ này, bởi chính bản thân anh cũng không thể nhớ ngày hôm đấy là sinh nhật của anh. Đây là món quà vô giá mà Anh Duy nhận được. Anh cho rằng có lẽ dù giàu có tới đâu anh cũng không bao giờ có thể "mua" được sự hạnh phúc ngày hôm đó.
Về việc hiện nay có nhiều tranh cãi quanh quy định ở một số trường, nghiêm cấm việc tặng "phong bì" cho thầy cô trong Ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy giáo Anh Duy cho rằng, cần phải tìm hiểu lý do mà phụ huynh hoặc học sinh, sinh viên lại muốn tặng phong bì cho người thầy của mình và tại sao, có những thầy cô lại nhận phong bì?
Theo thầy giáo điển trai, việc mà nhiều người tặng phong bì cho thầy, cô được họ xem là cách tri ân, quan tâm tới thầy cô và cũng có lẽ do công việc, thời gian của họ quá bận rộn, họ không biết mua gì, tặng gì cho người thầy, nên họ dung tới phong bì.
Nhưng cũng có rất nhiều người lợi dụng việc đó để “hối lộ”, “chạy điểm”, “mua chuộc” thầy cô. Còn với bản thân thầy Anh Duy, nếu "bị" tặng phong bì anh cảm thấy đó là sự xúc phạm vô cùng lớn.
Thầy giáo giải thích: "Tôi làm nhiều công việc cùng một lúc, tôi có đủ khả tài chính để mua cho mình những thứ mình thích nên ai đó tặng phong bì cho tôi là điều không tôn trọng tôi.
Và nếu có việc đó xảy ra, tôi sẽ mời người đó ra khỏi phòng làm việc của mình ngay lập tức”. Thầy Anh Duy cho rằng, tình cảm là thứ không thể đong đếm được.
Thầy giáo "khó tính" Hoàng Anh Duy chỉ cần học trò của mình khi gặp lại anh thì chào anh một câu. Theo anh, “lời chào cao hơn mâm cỗ”, sự kính trọng của học trò là món quà quý giá nhất đối với người thầy.