Những người làm cha làm mẹ kém may mắn hãy tự cứu lấy con mình, cứu lấy chính gia đình nhỏ bé của mình bằng những hành động thiết thực: Hãy là cô giáo, thầy giáo của con mọi lúc, mọi nơi. “Tôi dạy con tự kỷ như thế!”, là những lời chia sẻ tâm huyết của Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Châu - thành phố Hải Dương Nguyễn Thị Khánh Vân, với hy vọng sẽ truyền lửa cho các bậc phụ huynh có thêm lòng tin, sự nhiệt tình với tình yêu con vô bờ bến để tuyên chiến với tự kỷ!
Là một cô giáo mầm non, đây có phải lợi thế giúp chị có khả năng phát hiện sớm bệnh tự kỷ của con gái không?
- Con gái Khánh Vy của tôi là một cô bé rất dễ thương sinh ngày 18/4/2008, cân nặng 2,8kg. Là một giáo viên nên tôi rất quan tâm đến các mốc phát triển của bé, trong ghi chép tỉ mỉ các mức độ phát triển của Vy nhưng hầu như không có gì bất thường.
Lúc bé được 16 tháng tuổi, tất cả những hành vi của trẻ được gọi là “tự kỷ” hiện ra rõ rệt, nhưng hồi đó tôi không biết đến tự kỷ là gì. Mãi đến hè năm 2010, tôi cho Vy đi biển Sầm Sơn, khi dạo trên bờ biển, những con sóng to dội vào bờ trắng xóa, Vy hất tay tôi ra và lao nhanh ra những con sóng ngập đầu người lớn ấy mà không hề sợ….
Tôi hoảng hốt kéo tay con lại. Sau lần đi biển đó, tôi cho Vy đi khám ở Bệnh viện Nhi Hải Dương, bác sĩ nhìn Vy một lúc và hỏi tôi nhiều câu hỏi, sau đó đưa cho tôi kết luận: "Tự kỷ nặng rồi!”. Vợ chồng tôi quyết định cho cháu lên Hà Nội khám bác sĩ giỏi nhưng cũng kết luận: Vận động phát triển bằng lứa tuổi, ngôn ngữ bằng trẻ 8 tháng tuổi, IQ mức chậm phát triển. Tự kỷ mức độ trung bình – nặng. Khi đó cháu tròn hai tuổi.
Được biết sau nhiều năm vừa là mẹ, vừa là cô giáo, bé Vy đang học lớp 2 đã phát triển khá đồng đều các lĩnh vực, dường như không ai nhận ra sự khác biệt của bé. Vậy đâu là bí quyết giúp chị thành công?
- Với những gì đã làm cho con, tôi cũng đã hỗ trợ cho rất nhiều các bậc cha mẹ có con tự kỷ khác và đã có hiệu quả rõ rệt trên trẻ. Có thể nói tôi đã tuyên chiến với tự kỷ và điều đặc biệt là tôi đã dành chiến thắng.
Khi biết con mắc bệnh, tôi bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Nhiều lúc thấy mình bất lực! Trong lúc tuyệt vọng, tôi vô tình vào một trang web phòng tư vấn khám chữa bệnh của bác sĩ Việt Nam định cư ở Mĩ, họ cho tôi rất nhiều lời khuyên và giới thiệu cho tôi một bác sĩ chuyên về tự kỷ, đó là bác sĩ Hoàng Duy Long - Florida - Mỹ.
Tôi đã phần nào định hướng được đường đi cho con mình đó là phương pháp ABA, phương pháp PECS. Tôi bắt đầu lên kế hoạch dạy Vy. Mỗi tuần tôi giành khoảng 40 giờ để dạy Vy với các bài tập can thiệp hành vi, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là không chỉ một mình tôi mà cả gia đình. Vy được can thiệp liên tục ở lớp và ở nhà. Không có thời gian nào để con có thể chơi tự phát với những biểu hiện của tự kỷ được lặp lại trong quá trình can thiệp.
Hành trình chữa bệnh tự kỷ cho con gái, lại là một chuyên gia giúp nhiều trẻ tự kỷ, theo chị, phụ huynh có con tự kỷ cần hỗ trợ và quan tâm đến con như thế nào?
- Trong ba phương pháp trị liệu tự kỷ chủ yếu thì phương pháp can thiệp hành vi tỏ ra hiệu quả nhất vì can thiệp hành vi không quan tâm đến lý do bị tự kỷ, mà quan tâm đến việc loại trừ dần các dấu hiệu của tự kỷ và dạy trẻ các kĩ năng sống, thái độ cư xử của hành vi đúng đắn.
Nhưng hiệu quả đạt được đến đâu không phụ thuộc vào giáo viên mà phụ thuộc và chính cha mẹ của đứa trẻ tự kỷ. Tại sao tôi lại nói như vậy? Bởi những lý do sau:
Thứ nhất, giáo viên chỉ can thiệp cho bé theo giờ và tối đa là 2 tiếng/ngày. Còn 22 tiếng còn lại thì như thế nào? Trừ lúc ngủ, còn lại tất cả đều được can thiệp. Và ai sẽ làm điều đó, câu trả lời là: Bố mẹ chính là người giáo viên tốt nhất để làm được điều này.
Thứ hai, bố mẹ bao giờ cũng là người yêu con nhất, thương con nhất, giáo viên và những người can thiệp không bao giờ có thể cho con bạn thứ tình cảm đó được.
Thứ ba, ai hiểu con bạn nhất? Đó chính là bố mẹ, bố mẹ hiểu con hơn ai hết, nên bố mẹ sẽ là người giáo viên có những phương pháp linh hoạt, sáng tạo để đáp ứng cho bài học của con phù hợp với sở thích, nguyện vọng và hứng thú của trẻ.
Vậy chị có lời khuyên gì dành cho các bậc phụ huynh đang có con tự kỷ?
- Tôi đọc và ứng dụng phương pháp can thiệp hành vi trên nhiều đứa trẻ tự kỉ, nhưng không phải đứa trẻ tự kỉ nào khi áp dụng cũng cho ta kết quả như nhau, một số con tỏ ra có hiệu quả ngay lần đầu can thiệp, nhưng trẻ khác lại mất nhiều thời gian hơn, và phải thay đổi nhiều hình thức can thiệp hành vi khác nhau mới cho ra kết quả.
Các bậc phụ huynh có thể sử dụng nhiều phương pháp can thiệp một lúc cho đứa trẻ, nhưng tôi nhấn mạnh đến phương pháp can thiệp hành vi không thể không có trong chương trình can thiệp của các anh chị - Đó là một giải pháp hữu hiệu cho con tôi và một số trẻ tự kỷ khác mà tôi can thiệp cho chúng.
Có rất nhiều người hỏi: “Con chị đã khỏi hoàn toàn rồi đúng không?”, tôi không thể khẳng định là khỏi hoàn toàn trong thời điểm Vy vẫn cần được theo dõi sự phát triển trong các cấp học tiếp theo. Tôi thường ví von những đứa trẻ tự kỷ được can thiệp tốt và hòa nhập tốt với cuộc sống như những vết thương đã thành sẹo, do vậy vết sẹo ấy dù cố gắng đến đâu vẫn còn để lại dấu vết, chỉ có điều khác dấu vết đó mờ hay nhạt mà thôi. Vy cũng không ngoại lệ.
Là mẹ ai cũng muốn con cái của mình được phát triển bình thường so với lứa tuổi, mong muốn bé có một tương lai tươi sáng nhưng không phải tất cả những mong muốn bình dị đó đều được trở thành hiện thực với tất cả các bà mẹ.
Tôi là một bà mẹ trong số những người kém may mắn đó! Nhiều lúc tôi nghĩ tại sao “tự kỷ” lại đổ vào gia đình tôi, tại sao lại là con tôi mà không phải là đứa trẻ khác! Nó bé bỏng, ngây thơ và xinh đẹp thế kia mà... Rồi cũng chẳng ích gì để trách móc, than vãn vì con tôi bị như vậy, mãi là như vậy nếu tôi và gia đình không tìm cách giúp cháu thoát khỏi 2 chữ “tự kỷ “đó.
Cảm ơn chị về cuộc trao đổi này!