Tối đa hóa nguồn lực xây dựng học liệu số trong mùa dịch

GD&TĐ - Dù còn không ít khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng nhiều bài giảng chất lượng đã ra đời phục vụ dạy học trực tuyến, qua truyền hình và làm phong phú thêm kho học liệu số ngành Giáo dục.  

Giáo viên Hà Nội ghi hình và giảng dạy theo hình thức học trực tuyến. Ảnh minh họa
Giáo viên Hà Nội ghi hình và giảng dạy theo hình thức học trực tuyến. Ảnh minh họa

Cần nhiều công sức đầu tư

Phục vụ dạy học trực tuyến, Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) triển khai đến giáo viên việc xây dựng bài giảng E-learning và video bài giảng nhằm chủ động, kịp thời cung cấp kiến thức, bảo đảm chương trình, chất lượng dạy học. Từ các hoạt động tập huấn, thi soạn giáo án điện tử và video bài giảng, cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Yến cho biết:

Nhà trường đã xây dựng kho thư viện bài giảng, video điện tử để giáo viên toàn trường cùng tìm hiểu, sử dụng. Đây là cơ hội để thầy cô hỗ trợ lẫn nhau trong khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến. Năm học 2020 - 2021, nhiều sản phẩm của trường tham gia và đoạt giải cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning của thành phố.

Từ năm 2019, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cùng các cựu học sinh xây dựng phòng đa phương tiện, có cách âm và trang thiết bị hiện đại, phục vụ quay video bài giảng của giáo viên. Trường đồng thời thành lập Ban Công nghệ thông tin để hỗ trợ giáo viên quay video bài dạy, xử lý video ngoài các công việc chung của nhà trường. Thầy cô sớm được tham gia lớp tập huấn xử lý video, hình ảnh do cựu học sinh, hiện là nhân viên Đài Truyền hình Việt Nam trực tiếp hướng dẫn.

Hiện, nhà trường quay và đưa lên website, fanpage khá nhiều video bài giảng chất lượng cao, miễn phí, phục vụ việc học tập cho học sinh. Sở GD&ĐT Nam Định cũng kết hợp với các đơn vị chuyên nghiệp, xây dựng nguồn học liệu trực tuyến, tập huấn cho toàn bộ giáo viên trong tỉnh cách xây dựng bài giảng trực tuyến, xử lý video bài giảng…

Cơ sở vật chất góp phần tạo ra những bài giảng trực tuyến chất lượng.
Cơ sở vật chất góp phần tạo ra những bài giảng trực tuyến chất lượng.

Theo thầy Phạm Trọng Thịnh, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, xây dựng hệ thống video bài giảng rất hữu ích, giúp học sinh duy trì được việc học tập liên tục trong điều kiện dịch bệnh. Ngay cả khi được đến trường, đây cũng là nguồn học liệu giúp học sinh tự học, nghiên cứu. Trong quá trình học trên lớp, một số nội dung chưa nắm bắt kịp, học sinh có thể xem lại video để hiểu hơn…

Tuy nhiên, việc biên soạn bài giảng video cần nhiều thời gian và tỉ mỉ hơn so với bài giảng trực tiếp. Bên cạnh đó, khi thực hiện quay, xử lý các video chất lượng cao cần đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp hoặc đồng nghiệp có trình độ công nghệ thông tin tốt. Trang thiết bị phục vụ việc quay video sẽ có khó khăn nhất định đối với đại đa số giáo viên, như máy quay, phòng thu, máy tính cấu hình cao để xử lý video…

“Khi thực hiện bài giảng video, chúng ta nên xác định mục tiêu bài giảng, đối tượng bài giảng hướng tới, để xây dựng kế hoạch bài dạy phù hợp. Các nội dung trong video nên ngắn gọn, thời gian cho một video bài dạy không nên quá dài” - thầy Thịnh chia sẻ kinh nghiệm.

Đội ngũ giáo viên đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng bài giảng.
Đội ngũ giáo viên đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng bài giảng.

Động viên, khen thưởng đóng góp của giáo viên

Việc xây dựng hệ thống bài giảng điện tử được ngành Giáo dục Thừa Thiên - Huế hết sức chú trọng. Với nhiều giải pháp, hiện địa phương này đã hình thành nhiều kho học liệu giáo viên (mỗi giáo viên mỗi kho dữ liệu độc lập), 9 kho học liệu cấp phòng GD&ĐT và 1 kho học liệu cấp sở GD&ĐT.

Một trong những kinh nghiệm của ngành Giáo dục Thừa Thiên - Huế trong xây dựng bài giảng, học liệu số hiệu quả, đáp ứng yêu cầu dạy học trong bối cảnh mới được Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân nhấn mạnh là xây dựng nền tảng, tạo môi trường cho giáo viên lưu trữ, chia sẻ bài giảng điện tử, học liệu số cho nhau, chia sẻ vào kho học liệu dùng chung cấp trường, phòng, sở và cung cấp cho mọi người khai thác sử dụng. Khuyến khích, động viên, khen thưởng giáo viên có cống hiến bài giảng điện tử, học liệu số của mình vào kho học liệu số dùng chung.

Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế hình thành hệ thống triển khai trên tên miền: http://thuvien.thuathienhue.edu.vn/ từ năm 2013, ông Nguyễn Tân cũng cho biết địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc thi Giáo án điện tử các cấp. Giáo án tham gia cuộc thi là nguồn đóng góp lớn trong việc phát triển học liệu số. Các nhà trường đồng thời thường xuyên cập nhật bài giảng, học liệu số, đề thi đáp án thu thập từ cuộc thi, kiểm tra cấp trường lên kho học liệu dùng chung cấp phòng, sở.

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, ngành Giáo dục Thừa Thiên - Huế tổ chức dạy học trên truyền hình, đồng thời khuyến khích nhà trường xây dựng các bài giảng bằng hình thức ghi hình, hoặc bài giảng thiết kế bằng PowerPoint có lồng tiếng. Các bài giảng này đóng góp một lượng tương đối lớn, có chất lượng vào học liệu số của ngành. Sở GD&ĐT cũng chủ động xây dựng kế hoạch dạy học trên truyền hình và dạy học online trước mỗi đợt dịch Covid-19 bùng phát, xin chủ trương dạy học trên truyền hình từ UBND tỉnh sau đó xây dựng kế hoạch chi tiết cho công tác dạy học trên truyền hình.

“Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế đã thành lập các tổ chuyên môn xây dựng, góp ý bài giảng; thành lập Ban thẩm định bài giảng dạy học trên truyền hình có chất lượng tốt trước khi gửi bài giảng cho Bộ GD&ĐT; phối hợp chặt chẽ với Đài Phát thanh và Truyền hình TRT tỉnh Thừa Thiên - Huế trong các đợt ghi hình phát sóng dạy học trên truyền hình. Ban chuyên môn của Sở GD&ĐT lựa chọn đội ngũ nhà giáo giàu kinh nghiệm có năng lực chuyên môn giỏi tham gia Ban dạy học trên truyền hình.

Lãnh đạo Sở thường xuyên động viên quan tâm kịp thời thầy cô trực tiếp tham gia giảng dạy; quán triệt đến các trường tinh thần xây dựng và sử dụng kho dữ liệu học liệu số; tổ chức nắm tình hình học tập của học sinh tại gia đình khi học online, truyền hình để vừa hướng dẫn phương pháp học tập phù hợp cũng như điều chỉnh cách tổ chức dạy học của giáo viên trực tiếp lên lớp cũng như giáo viên tổ chức lớp học truyền hình, online cho học sinh” - ông Nguyễn Tân chia sẻ.

Nhận định video bài giảng giúp học sinh chủ động thời gian học, có thể học lại nhiều lần, hỗ trợ cho dạy học truyền thống để nâng cao chất lượng, cô Nguyễn Thị Phương Nga, giáo viên Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên, cũng thừa nhận để thiết kế được một video bài giảng không hề đơn giản, bởi đòi hỏi giáo viên cả về chuyên môn và công nghệ. Nhiều giáo viên giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, nhưng không phải ai cũng thành thạo công nghệ thông tin; trong khi xây dựng video bài giảng cần rất nhiều kĩ thuật (tạo câu hỏi tương tác, hiệu ứng bài giảng, âm thanh, hình ảnh…). 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.