Xây dựng kho học liệu số: Hành trình kiến tạo nhiều thách thức

GD&TĐ - Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và đặc biệt dạy học thay đổi về hình thức, phương pháp trong bối cảnh dịch bệnh đòi hỏi các nhà trường, địa phương chủ động xây dựng nguồn học liệu số (HLS).

Xây dựng học liệu số đòi hỏi nhiều kĩ năng của giáo viên, từ chuyên môn tới khả năng ứng dụng CNTT. Ảnh: NTCC
Xây dựng học liệu số đòi hỏi nhiều kĩ năng của giáo viên, từ chuyên môn tới khả năng ứng dụng CNTT. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên còn không ít thách thức trên hành trình kiến tạo.

Nỗ lực

Chia sẻ về thực tế xây dựng nguồn HLS cho dạy học trực tuyến tại Trường THCS Hà Huy Tập (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cô Hoàng Thị Thanh - Hiệu trưởng - cho biết: Sau khi ngành Giáo dục Hà Nội phát động xây dựng kho HLS, nhà trường đã triển khai đến từng giáo viên để trước hết hỗ trợ cho giảng dạy hàng ngày sau đó đóng góp vào kho của nhà trường. Trường cũng cử một số giáo viên tham gia cuộc thi thiết kế bài giảng E-Learning để tích lũy kinh nghiệm xây dựng HLS và hỗ trợ cho đồng nghiệp hiệu quả.

“Bước đầu xây dựng bài giảng trực tuyến chắc chắn giáo viên không tránh khỏi khó khăn. Nhưng ban giám hiệu luôn hỗ trợ về chuyên môn, động viên kịp thời nên hiện có nhiều sản phẩm được kiểm duyệt thông qua ứng dụng cho dạy học toàn khối…”, cô Hoàng Thị Thanh khẳng định.

Cũng theo cô Thanh, năm học đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 6 và ảnh hưởng của dịch phải chuyển sang dạy học trực tuyến nên nguồn HLS để giáo viên khai thác còn khan hiếm. Do đó, trường lấy trọng tâm là đội ngũ giáo viên khối 6 để xây dựng kho học liệu năm học này. Thời gian tới, trường huy động giáo viên khối 7, 8, 9 tham gia xây dựng HLS để sẵn sàng ứng phó với dạy học trực tuyến.

Để xây dựng nguồn HLS cho dạy học trực tuyến tại Trường Tiểu học Phong Khê (TP Bắc Ninh, Bắc Ninh) theo cô Nguyễn Thị Thủy - Hiệu trưởng, dù chuyển sang dạy học trực tiếp 3 tuần nay nhưng toàn trường vẫn mang tâm thế sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến ứng phó với dịch.

Do đó, việc xây dựng bài giảng trực tuyến, tăng cường nguồn HLS vẫn được chuẩn bị. Nhà trường yêu cầu tổ khối, giáo viên xây dựng bài giảng trực tuyến thường xuyên. Hàng tuần, giáo viên đều dành thời gian cùng nhau thống nhất phương pháp, chuyên môn thiết kế bài giảng trực tuyến.

Cô Nguyễn Thị Thủy cho rằng: Xây dựng HLS không dễ dàng bởi đòi hỏi giáo viên có kiến thức công nghệ thông tin, thời gian, tâm huyết, sự sáng tạo, kết hợp cả giáo án PowerPoint lẫn dạy học trên bảng… Nhưng việc sớm xây dựng HLS rất cần thiết để nhà trường chủ động trong mọi tình huống dạy học.

Dưới góc độ giáo viên đã và đang xây dựng các bài giảng trực tuyến cho nguồn HLS của trường, cô Bùi Thị Thanh Hoa – Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lào Cai trao đổi: Để xây dựng nguồn tư liệu HLS cho riêng mình và nhà trường phù hợp với từng học sinh, yêu cầu chương trình giảng dạy khác nhau (học sinh đội tuyển, lớp nâng cao ôn thi đại học, lớp chuyên…), giáo viên cũng gặp khó nhất định bởi trình độ, khả năng ứng dụng tin học khác nhau. Điều đó dẫn tới các học liệu bài giảng số tạo ra chênh nhau về chất lượng, khả năng ứng dụng thực tế.

Mặt khác, để hoàn thành HLS chất lượng đòi hỏi đầu tư thời gian khá nhiều trong khi đó công việc và thời lượng dành cho dạy học trên lớp của giáo viên khá lớn. Giáo viên khó có đủ thời gian để tích hợp vào bài giảng trực tuyến các yếu tố cần thiết để đạt hiệu quả cao nhất.

Ví như với bài giảng trực tuyến môn Ngữ văn phải bảo đảm tích hợp được tính chính xác, khoa học; thẩm mĩ, sự cuốn hút. Mặt khác, hệ thống hình ảnh minh họa phải hấp dẫn; âm thanh đi kèm video... Nếu các yếu tố cần thiết này đều “nhạt”, học sinh khó để hứng thú với bài giảng trực tuyến.

Học liệu số giúp giáo viên có thêm tư liệu để khai thác và đưa vào bài giảng của mình. Ảnh: NTCC
Học liệu số giúp giáo viên có thêm tư liệu để khai thác và đưa vào bài giảng của mình. Ảnh: NTCC

Phát huy trách nhiệm, thúc đẩy động lực

Thầy Mai Hồng Kiên – giáo viên Tin học, Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) - khẳng định: Xây dựng nguồn HLS vô cùng cần thiết không chỉ trong thời điểm dịch Covid-19 mà dạy học trực tuyến còn là xu thế dạy học tương lai gần.

Nếu chuẩn bị tốt nguồn học liệu điện tử và đưa bài giảng trực tuyến lên Hệ thống quản lý học tập LMS sẽ giúp học sinh chủ động nắm bắt kiến thức bất cứ lúc nào. Học sinh cũng được xem bài trước ở nhà, đến lớp có thể chủ động trao đổi với giáo viên. Với giáo viên, nguồn HLS dày dặn, phong phú sẽ có thêm tư liệu tham khảo, nâng cao hiệu quả giảng dạy...

Với đòi hỏi tất yếu như vậy nên việc xây dựng nguồn HLS cho dạy học trực tuyến là trách nhiệm, quyền lợi của các nhà trường, đội ngũ giáo viên. Song để động viên giáo viên vượt qua khó khăn, xây dựng được nguồn HLS bài bản, lâu dài, chất lượng… cần có chính sách, chế độ đãi ngộ tương xứng.

Đồng quan điểm này, cô giáo Lê Thị Kim Ngọc, Trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy – Hà Nội), bảy tỏ: Xây dựng nguồn HLS cho dạy học trực tuyến ngoài khơi dậy tinh thần trách nhiệm của giáo viên, nhà trường cần chuẩn bị, đầu tư trên nhiều phương diện, từ tập huấn, trau dồi kĩ năng, tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ chuyên môn… tới khen thưởng vật chất, tinh thần khi tạo ra những HLS chất lượng.

Ở góc độ quản lý, cô Vũ Thị Phượng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên – Hải Phòng) - cho rằng: Để việc xây dựng HLS ở diện rộng, sử dụng đúng mục đích hiệu quả, giáo viên được trân trọng… Trước hết, cần bảo vệ bản quyền cho các “sản phẩm” mà giáo viên tạo ra. Tránh tình trạng khai thác “chất xám” của giáo viên để tạo ra các sản phẩm khác tương tự và nâng cấp để trục lợi. 

“Trong bối cảnh dịch phức tạp, nguồn học liệu số sẽ giúp giáo viên giảm áp lực dạy học đáng kể. Song để xây dựng nguồn học liệu số phục vụ dạy học trực tuyến hiệu quả, nhà trường cần phát huy được năng lực của giáo viên và trí tuệ tập thể từ ban giám hiệu, tổ khối chuyên môn. Đặc biệt, ứng xử bảo vệ nguồn học liệu số thỏa đáng, hiệu quả để giáo viên thấy được sự trân trọng và đóng góp hữu ích. Từ đó khuyến khích giáo viên nỗ lực hơn nữa trong xây dựng học liệu số…” – cô Vũ Thị Phượng bày tỏ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.