Vai trò quan trọng của nguồn học liệu điện tử trong mùa dịch

GD&TĐ - Xây dựng kho học liệu số không chỉ phát triển về số lượng, mà còn chú trọng chất lượng.

Cô Nguyễn Lệ Thi trong một buổi ghi hình tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Ảnh cắt từ clip
Cô Nguyễn Lệ Thi trong một buổi ghi hình tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Ảnh cắt từ clip

Đây là nguồn học liệu quan trọng, giúp giáo viên, cơ sở giáo dục sẵn sàng thích ứng với dạy - học trực tuyến bất cứ lúc nào, đáp ứng mục tiêu “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.

Nguồn học liệu phong phú

Đến thời điểm này, Sở GD&ĐT Cà Mau đã xây dựng kho học liệu điện tử với hơn 500 giáo án điện tử/video clip. Qua đó, giáo viên, phụ huynh, học sinh có thêm nguồn tư liệu tham khảo, đáp ứng mục tiêu “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.

Thầy Châu Văn Tuy - Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau) – cho biết: Nhà trường xây dựng kho học liệu riêng. Theo đó, giáo viên soạn bài giảng, rồi đưa lên kho học liệu. Sau đó, tổ trưởng chuyên môn thẩm định và đưa lên website của nhà trường và tạo thành kho riêng. Mỗi năm làm một ít, năm sau sẽ sàng lọc lại và có bổ sung nguồn học liệu. Cứ như vậy, nhà trường sẽ có kho học liệu phong phú để cung cấp cho học sinh, giáo viên.

Học liệu có thể là bài tập trắc nghiệm và tự luận, đề kiểm tra, video... Phụ huynh dễ dàng kiểm tra việc học tập của con và giữ liên lạc với giáo viên, nhà trường qua kho học liệu này. Quan trọng là, học sinh có thể tự học ở nhà và học mọi lúc, mọi nơi.

TS Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GD&ÐT Cà Mau - cho biết: Triển khai dạy - học trực tuyến, sở thành lập 3 hội đồng chuyên môn các cấp học để xây dựng chương trình, biên soạn giáo án điện tử/video clip đưa vào kho học liệu chung cho giáo viên toàn tỉnh. Kho học liệu có nội dung lý thuyết, hình ảnh và hệ thống bài tập phong phú, bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng.

Là một trong những giáo viên được Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội ghi hình một số bài giảng môn Tiếng Việt lớp 4 và lớp 5, cô Nguyễn Lệ Thi - Trường Tiểu học Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) vui mừng khi bài giảng của mình được cập nhật vào Kho học liệu số của Hệ tri thức Việt số hóa. Với 5 buổi ghi hình, tương ứng với 5 bài giảng trên truyền hình, cô Thi mong muốn, bài giảng sẽ là nguồn học liệu hữu ích giúp phụ huynh và học sinh khắc phục khó khăn trong giai đoạn này; đồng thời có thể là nguồn tài liệu để đồng nghiệp tham khảo trong giảng dạy.

Kho học liệu số của Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau).
Kho học liệu số của Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau).

Chú trọng chất lượng

Khi xây dựng bài giảng, cô Thi luôn chú ý chắt lọc nội dung bài giảng theo hướng ngắn gọn, súc tích, bảo đảm đầy đủ kiến thức bài học và phù hợp với học sinh của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Do đó, việc soạn giáo án cũng phải cẩn thận và chỉn chu hơn. Mục đích là để học sinh dễ hiểu và dễ làm. Quan trọng nhất là không được “cháy” giáo án. “Những lời động viên, góp ý của nhà trường, đồng nghiệp chính là sự ghi nhận lớn dành cho tôi. Đó là nguồn cổ vũ tinh thần để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, cô Thi chia sẻ.

Theo ThS Thiều Cẩm Sơn – giảng viên khoa Luật, Trường ĐH Mở Hà Nội, khi dạy học trực tuyến hoặc dạy học trên truyền hình, giáo viên cần chú ý đến phương thức giao tiếp gián tiếp với người học. Có rất nhiều hình thức, có thể kết hợp hình ảnh, video có liên quan đến nội dung bài học trong bài giảng của mình để tăng hiệu quả. Tất nhiên cũng không nên quá ôm đồm khi chèn hình ảnh, clip vào bài giảng. Chỉ nên chọn những gì “đắt nhất” vào bài giảng của mình.

“Trong những giờ ghi hình, giáo viên nên mời đồng nghiệp ngồi trước mắt và hãy coi đó là người học để có sự tương tác về cử chỉ, ánh mắt hoặc động tác về hình thể… nhằm tăng hiệu quả tiết dạy trên truyền hình” – ThS Thiều Cẩm Sơn chia sẻ, đồng thời cho rằng: Việc thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu học liệu số cần có hành lang pháp lý như: Quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, và vấn đề chia sẻ cung cấp thông tin.

Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, lĩnh vực giáo dục là một trong tám trọng tâm. Việc hình thành kho học liệu số trực tuyến sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy và nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến của ngành Giáo dục trong thời gian tới. Đề án Chính phủ “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”, đã hiện thực hóa việc này.

Hai năm qua, Bộ GD&ĐT đã hợp tác với Ban điều hành Đề án xây dựng, phát triển nền tảng giáo dục số igiaoduc.vn nhằm tạo ra nền tảng thu thập và chia sẻ kho học liệu số dùng chung phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường, đặc biệt phục vụ cho dạy - học trực tuyến.

Bước đầu, nền tảng đã hoàn thành phần mềm thu thập và chia sẻ dữ liệu trên địa chỉ igiaoduc.vn và cập nhật gần 5.000 bài giảng E-Learning (do giáo viên xây dựng), hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình, hơn 30.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông, hơn 7.500 luận văn tiến sĩ.

Các trường phổ thông đã ứng dụng hệ thống quản lý học tập trực tuyến để tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá. Giáo viên và học sinh đã thích ứng với môi trường học tập số hóa; trên nền tảng dữ liệu của cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục. Hiện, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Ban điều hành đề án Hệ tri thức Việt số hóa và các doanh nghiệp tiếp tục phát triển học liệu số gồm sách giáo khoa được số hóa, bài giảng điện tử, video bài giảng, phần mềm mô phỏng...

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có thêm nguồn dữ liệu để học tập trong thời gian không được đến trường, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương đã triển khai kế hoạch xây dựng kho học liệu bài giảng cho học sinh năm học 2021 - 2022. Theo đó, sở  phối hợp với Trường ĐH Thủ Dầu Một tổ chức ghi hình ở các môn: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh lớp 9 và lớp 12; môn: Toán, Tiếng Việt đối với lớp 5.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ