Đây được coi là bằng chứng đầu tiên xác thực phỏng đoán lâu nay của các nhà khoa học rằng, ở nhiều loài động vật, cơ quan sinh dục ngoài biến đổi nhanh hơn các bộ phận cơ thể khác.
Nhà nghiên cứu Julia Klaczko đến từ Đại học Havard (Mỹ) và các cộng sự khác đã tiến hành xem xét 25 loài thằn lằn Anolis vùng Caribbe và so sánh sự tiến hóa của cơ quan sinh dục ngoài (dương vật của thằn lằn được gọi là hemipenis) với các phần khác trên cơ thể chúng.
Dương vật của thằn lằn là các cấu trúc hình ống với một đường rãnh để tinh dịch có thể chảy qua. Nhóm nghiên cứu đã tiến hình đo chiều dài và chiều rộng dương vật ở nhiều mẫu vật thuộc các loài thằn nói trên.
Theo báo cáo nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy, các loài thằn lằn dù có họ hàng rất gần nhau nhưng vẫn sở hữu dương vật vô cùng khác nhau.
Những cơ quan sinh dục ngoài này thực sự đa dạng về hình dáng, từ các ống hình trụ tới những cấu trúc hai thùy sâu, có đài, gai thịt, đường viền hoặc các ngạnh.
Nhà nghiên cứu Klaczko tin rằng, sự khác biệt trên có thể do quá trình lựa chọn giao phối. Theo bà, cá thể cái của một số loài tìm kiếm bạn tình sở hữu dương vật tự nhiên phù hợp hơn hoặc giúp kích thích hiệu quả hơn cơ quan sinh dục của chúng. Điều đó khiến các loài tiến hóa kích thước và hình dáng "cậu nhỏ" của cá thể đực nhanh hơn.
Tuy nhiên, bà Klaczko cũng không loại trừ khả năng, sự thay đổi đó có thể bắt nguồn từ một cuộc chạy đua vũ trang tiến hóa giữa thằn lằn đực và thằn lằn cái trong việc kiểm soát quá trình sinh sản.