Sinh động tiết học Ngữ văn theo định hướng giáo dục STEAM

GD&TĐ - Với chuyên đề “Cảm hứng đất nước trong thơ ca 1945-1975”, cô và trò lớp 12A9 Trường THPT Phú Nhuận - TPHCM đã trải qua 2 tiết học Ngữ văn vô cùng thú vị, sinh động theo định hướng giáo dục STEAM.

Nhóm nghệ thuật thuyết trình về 4 bức tranh tự vẽ, lấy ý tưởng từ các hình ảnh trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu
Nhóm nghệ thuật thuyết trình về 4 bức tranh tự vẽ, lấy ý tưởng từ các hình ảnh trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Phương pháp giáo dục hiện đại

Nói về lý do chọn việc dạy học bộ môn Ngữ văn theo định hướng STEAM, cô giáo Trịnh Thị Minh Hương, giáo viên phụ trách chuyên đề cho rằng, xu hướng giáo dục hiện đại hướng đến việc học có trải nghiệm thực tế, mang đến cơ hội để học sinh thể hiện bản thân, dễ dàng tiếp thu kiến thức.

Trong tiết học văn giờ đây không chỉ mang lại kiến thức về văn học mà còn có cả kiến thức về âm nhạc, trò chơi, hội họa, toán học, kĩ thuật, công nghệ thông tin… Phương pháp giáo dục STEAM kết hợp Ngữ Văn với STEAM (Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật, Arts - nghệ thuật, Maths - toán học) giúp các em nắm rõ kiến thức, quan trọng là phát triển kỹ năng tư duy.

Với chủ đề “Cảm hứng đất nước trong thơ ca 1945-1975”, học sinh của lớp 12A9, dưới sự hướng dẫn của cô Minh Hương đã được chia thành các nhóm theo STEAM gồm: nhóm chuyên gia kiến thức: viết tham luận, cảm nhận; nhóm công nghệ thông tin: tìm kiếm thông tin cung cấp cho các nhóm, lập trang facebook; nhóm chuyên gia quân sự: chế tạo mô hình, lược đồ; nhóm nghệ thuật: múa, hát, hội họa và nhóm lăng kính: quay phim, chụp hình. Các em đã có 4 tuần để hoàn thành những sản phẩm của mình theo sự phân công làm việc nhóm.

Từ những tác phẩm như Tây Tiến của Quang Dũng, Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, Việt Bắc của Tố Hữu…, các em đã tái hiện một giai đoạn thơ ca, giai đoạn lịch sử vô cùng hào hùng của dân tộc.

Nhóm chuyên gia quân sự thuyết trình về sơ đồ hành quân của binh đoàn Tây Tiến

Nhóm chuyên gia quân sự thuyết trình về sơ đồ hành quân của binh đoàn Tây Tiến

Khi học và tìm hiểu bài thơ Tây Tiến, học sinh nhóm mô hình đã làm sơ đồ miêu tả về cuộc hành quân của binh đoàn Tây Tiến. Qua tìm hiểu lịch sử trong giai đoạn này, các em đã tự tay làm ra những quân trang, quân dụng mà các chiến sĩ thời đó đã sử dụng... Lồng ghép với phần trình bày sơ đồ hành quân, trong đó có cả các quân trang, quân dụng kèm theo, chính là những câu thơ và những cảm xúc liên quan đến bài thơ này.

Còn nhóm nghệ thuật, với nhiệm vụ vẽ tranh, đã tái hiện tác phẩm Việt Bắc qua 4 bức tranh về 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, thể hiện những đặc trưng của núi rừng, con người Tây Bắc được diễn tả qua ngòi bút của nhà thơ Tố Hữu: rừng xanh hoa chuối đỏ tươi, rừng phách, hoa mơ nở trắng rừng, nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang, nhớ cô em gái hái măng một mình, rừng thu trăng rọi hòa bình…

Nhóm thuyết trình đã chọn ra một bài tham luận hay, giàu cảm xúc trong số 39 bài tham luận của cả lớp để truyền tải tại tiết học. Ngoài ra, nhóm nghệ thuật đã mang đến cho tiết học các tiết mục văn nghệ đặc sắc khi các em tự đàn, tự hát, tự trình diễn các ca khúc về đất nước như bài Đất nước lời ru, Dòng máu Lạc Hồng…

Lồng ghép với phần trình bày của từng nhóm, cô Minh Hương cho học sinh tham gia trò chơi nhỏ qua phần mềm Kahoot. Các câu hỏi được thiết kế xoay quanh các tác phẩm để kiểm tra về mặt kiến thức, nhận thức của học sinh liên quan đến chủ đề.

Tiết mục múa tự biên tự diễn Dòng máu Lạc Hồng

Tiết mục múa tự biên tự diễn Dòng máu Lạc Hồng

Tác phẩm không còn là những con chữ khô khan

Là một lớp theo ban tự nhiên, với các em học sinh lớp 12A9 Trường THPT Phú Nhuận, môn Ngữ văn không phải là sở trường, nhưng việc học văn lồng ghép với các bộ môn khác đã khiến các em rất hào hứng và có cảm giác môn văn không còn khô khan mà nó thực sự rất sinh động, gần gũi với mình.

“Những bài thơ không còn đơn thuần nằm trong sách, mà chúng em cảm nhận tác phẩm một cách sinh động, rất chân thực, từ cảm xúc của chính mình. Để từ đó hiểu được rằng, đất nước không là định nghĩa chung chung; tình yêu quê hương đất nước không là lời nói, câu chữ quen miệng mà nó thực sự hiện hữu trong trái tim của mỗi người, rất thiêng liêng và chạm vào xúc cảm của những ai mang trong mình dòng máu Việt Nam”, em Phan Hoài Bảo chia sẻ.

Em Lê Đức Anh, tham gia nhóm chuyên gia quân sự, người có phong cách thuyết trình vô cùng tự nhiên, thu hút các bạn trong lớp khi giới thiệu về sơ đồ hành quân của binh đoàn Tây Tiến, cho biết: Khi học tập theo chuyên đề này, chúng em cảm thấy rất vui, hào hứng. Qua làm việc nhóm, em cũng biết được phẩm chất, sở trường của từng bạn là gì.

Chúng em đều có sự bàn bạc, thống nhất và sự đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau để làm ra sản phẩm của nhóm. Ví dụ như khi làm sơ đồ về cuộc hành quân, chúng em phải tìm hiểu kỹ về binh đoàn Tây Tiến, thậm chí còn tính toán làm sao để mô phỏng được độ lồi lõm của núi rừng, ngoài ra là sử dụng chất liệu gì, kích thước mô hình ra sao…

Theo cô Minh Hương, bài học đã giúp học sinh cảm nhận được một cách hệ thống hình tượng đất nước qua các tác phẩm thơ đã học giai đoạn 1945 – 1975; hiểu được những thông điệp mà các tác giả gửi gắm, đồng thời, xâu chuỗi kiến thức liên môn về lịch sử, địa lý trong thời kỳ đau thương mà oanh liệt của dân tộc. Sau khi học qua chuyên đề này, các em biết tự nhận thức về tình yêu đất nước và nó cũng gợi mở cho các em rất nhiều điều mới lạ khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Café chủ nhật: Thói quen... 'cướp lời'

GD&TĐ - Trong cuộc sống hàng ngày, hầu hết chúng ta đều đã gặp phải tình huống đối diện với một người mắc chứng “nói không dừng lại được”.