Toàn cảnh hợp tác giáo dục Việt - Lào

Toàn cảnh hợp tác giáo dục Việt - Lào
Ảnh 1: Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (ngoài cùng bên trái) đang hội đàm với Đoàn Bộ Giáo dục&Thể thao Lào
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (ngoài cùng bên trái) đang hội đàm với Đoàn Bộ Giáo dục & Thể thao Lào

GD&TĐ - Nhân chuyến thăm và làm việc của Đoàn cán bộ cấp cao Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dẫn đầu từ 6 - 9/12, phóng viên báo GD&TĐ tổng hợp lại những sự kiện hợp tác giáo dục nổi bật giữa hai nước.

Trong khuôn khổ SEAMEO: Giúp đỡ tận tình

Bộ GD&ĐT luôn tài trợ kinh phí cho 1 hoặc 2 đại biểu Lào tham dự các hội nghị, hội thảo do Việt Nam chủ trì tổ chức tại Việt Nam (Hội nghị SEAMEC 47 năm 2013, Hội nghị quan chức cấp cao về giáo dục cơ bản năm 2012, Hội nghị Vụ trưởng/Tổng Vụ trưởng giáo dục đại học năm 2012...

Hằng năm, Trung tâm Đào tạo Khu vực của SEAMEO (SEAMEO RETRAC) tổ chức các khóa đào tạo về nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý giáo dục dành cho đội ngũ cán bộ quản lý và lãnh đạo giáo dục, đặc biệt tại các trường PTTH, đại học và cao đẳng tại CNDCND Lào, Campuchia và Việt Nam. Tổng số khóa học từ năm 1998 - 2013: 16 khóa với 67 học viên Lào.

Để hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ nguồn của CHDCND Lào, từ năm 2007, SEAMEO RETRAC tổ chức các khóa đào tạo về nâng cao kỹ năng lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ giáo dục bậc THPT, đại học và cao đẳng. Các khóa đào tạo được thực hiện tại Lào nhằm tạo điều kiện cho học viên trong việc tham gia các khóa học. Đã có 5 khóa học tại CHDCND Lào, thu hút  206 học viên Lào tham gia.

Nhằm giúp phát triển nguồn nhân lực về giảng dạy tiếng Anh cho CHDCND Lào, SEAMEO RETRAC phối hợp với trường đại học Curtin (Úc) mỗi năm cấp 1 học bổng cho giáo viên tiếng Anh nước CHDCND Lào để theo học khóa thạc sĩ Ngôn ngữ ứng dụng do SEAMEO RETRAC phối hợp với đại học Curtin tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trung tâm SEAMEO RETRAC khảo sát nhu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý giáo dục tại Lào trong năm 2007 - 2008 nhằm tìm hiểu về nhu cầu thực tại của đội ngũ lãnh đạo và quản lý đang công tác trong ngành Giáo dục Lào, giúp Trung tâm nâng cao hiệu quả các khóa đào tạo có liên quan.

Từ năm 1998, SEAMEO RETRAC đều đặn trích một phần kinh phí hoạt động của Trung tâm để chi trả toàn bộ chi phí  hỗ trợ thành viên Hội đồng Quản trị từ CHDCND Lào đến tham gia phiên họp Hội đồng Quản trị định kỳ hằng năm của Trung tâm.

Lưu học sinh Việt Nam học tập tại Lào
Lưu học sinh Việt Nam học tập tại Lào

Hợp tác song phương toàn diện, chặt chẽ

Trong đào tạo nguồn nhân lực, tính đến tháng 9/2013, tổng số cán bộ, học sinh Lào đang học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo Việt Nam là 6.493 người (bao gồm lưu học sinh thuộc lực lượng vũ trang và khối đoàn thể chính trị); trong đó 2.409 người thuộc diện được học bổng của hai Chính phủ, 2.818 người theo diện học bổng của các địa phương, 172 người theo học bổng tài trợ của các doanh nghiệp, 49 người theo học bổng của các tổ chức quốc tế và 1.045 người theo học tự túc.

Năm 2013, Bộ GD&ĐT đã xử lý thủ tục tiếp nhận 433 cán bộ, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, học sinh, con em Việt kiều. Cụ thể: Đào tạo theo các hệ ngắn hạn có 80 học bổng; hệ dài hạn 353 học bổng thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật bao gồm 1 học bổng nghiên cứu sinh, 43 học bổng cao học, 28 học bổng đại học; 281 học bổng học tiếng Việt, hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho phía Lào theo Kế hoạch hợp tác năm 2013.

Với các hoạt động hợp tác giáo dục khác, hằng năm, Bộ GD&ĐT Việt Nam cùng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào luân phiên cử đoàn cấp cao gặp gỡ trao đổi và ký Kế hoạch hợp tác. Tính đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã đón 4 đoàn Bộ GD&TT Lào và cử 4 đoàn sang công tác tại Lào.

Trong công tác xây dựng cơ sở vật chất, năm 2013, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành Dự án tăng cường cơ sở đào tạo Khoa Tiếng Việt tại Đại học Quốc gia Lào với tổng dự toán gần 52,2 tỷ đồng, công trình được khánh thành tháng 4/2013; Dự án đầu tư xây dựng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Xiêng Khoảng, tổng mức dự toán là 63,6 tỷ đồng, công trình được khánh thành tháng 9/2013.   

Bộ GD&ĐT đã cử 26 giáo viên sang giảng dạy tiếng Việt và các môn khoa học tự nhiên tại các trường Việt kiều và các trường Việt Nam giúp đỡ xây dựng. Các giáo viên trên đi theo nhiệm kỳ 2 năm từ năm 2012 - 2014.

Ngoài ra, tháng 10/2012, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài trong đó có một số học viên từ CHDCND Lào.

Dự kiến tháng 12/2013, Bộ sẽ tiếp tục mở lớp tập huấn tiếng Việt tại Lào cho giáo viên nguồn dạy Tiếng Việt tại Lào và Thái Lan.

Những cô giáo Lào dạy tiếng Việt
Những cô giáo Lào dạy tiếng Việt

Nhìn lại để đi tới

Với những công việc thực hiện trong thời gian qua có thể thấy, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực cho Lào ngày càng được tăng cường về số lượng, cải thiện về chất lượng, với các phương thức và loại hình đào tạo đa dạng, phong phú đáp ứng yêu cầu đổi mới của sự nghiệp cách mạng Lào.

Ngành Giáo dục hai nước đã tích cực triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo bằng cách tuyển chọn đầu vào theo hình thức mới, tăng cường tiếng Việt. Chất lượng học tập của LHS Lào theo diện Hiệp định có chuyển biến rõ rệt, kết quả được đánh giá ngang bằng với sinh viên Việt Nam.

Việc thúc đẩy phong trào học tiếng Việt trong các trường phổ thông của Lào, Khoa Tiếng Việt và Việt Nam học đã thu hút được đông đảo học sinh Lào tham gia. Đến nay đã có hàng chục trường phổ thông và các Trung tâm, Khoa có đào tạo tiếng Việt và dự bị tiếng Việt cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam. Trong 2 năm  thực hiện Đề án, tiếng Việt của LHS được các cơ sở đào tạo Việt Nam đánh giá có tiến bộ rõ rệt.

Tuy nhiên, theo đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành Lào về chất lượng đào tạo với LHS theo học diện Hiệp định kết quả tương đương sinh viên Việt Nam, số theo học diện ngoài Hiệp định kết quả còn nhiều hạn chế, ngành nghề đào tạo không phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Lào.

Ngoài ra, các cơ sở đào tạo chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện các quy chế và Nghị định thư hợp tác đào tạo đã ký kết. Một số cơ sở còn có sự nể nang, châm chước trong học tập của học sinh, sinh viên, làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Nguyên nhân dẫn đến kết quả học của LHS Lào còn yếu là do trình độ tiếng Việt yếu, trình độ văn hóa cơ bản thấp hơn so với sinh viên Việt Nam. Đối với LHS Lào là cán bộ đi học, một số tuổi cao, tiếp thu chậm, gia đình gặp khó khăn, nhiều người không có khả năng học tiếp hoặc xin về trước thời hạn.

Chất lượng học tập tiếng Việt của LHS Lào bị hạn chế còn có một lý do quan trọng khác do chương trình giảng dạy tiếng Việt chậm được cải tiến; học sinh Lào chưa có đủ tài liệu, từ điển Việt - Lào, Lào - Việt để phục vụ cho học tập và nghiên cứu.

Trong năm 2014, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị tốt các nội dung về giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cho Bộ GD&TT Lào để đưa vào kế hoạch hợp tác năm 2014.

Bộ cũng chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ hiệu quả các thỏa thuận hợp tác với Lào như: Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020” đã được Chính phủ hai nước ký ngày 24/4/2011; Nghị định thư về hợp tác đào tạo cán bộ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào đã được Chính phủ hai nước ký ngày 9/2/2012 và Hiệp định hợp tác hằng năm giữa hai Chính phủ về hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật.

Trong công tác xây dựng văn bản và quản lý lưu học sinh, Bộ GD&ĐT đang tích cực triển khai xây dựng Quy chế quản lý lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam để thay thế cho Quy chế ban hành theo Quyết định 33/1999/QĐ- BGD&ĐT ngày 25/8/1999 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Dự kiến, cuối tháng 12/2013 Thông tư sẽ được ban hành.

Tháng 4/2013, Bộ đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình LHS nước ngoài (trong đó có LHS Lào và Campuchia) tại Việt Nam. Dự kiến tháng 12/2013, Bộ sẽ tổ chức Hội nghị hợp tác giáo dục Việt Nam - Lào - Campuchia nhằm tăng cường quan hệ hợp tác và trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo.

Phương Đông

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ