Theo PGS.TS Bùi Minh Trí – Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh thành, thời gian qua Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã phát hiện được số lượng rất lớn đồ gốm sứ Trung Quốc từ thời Đường, Tống, Nguyên, Minh và Thanh.
Trong đó, số lượng đồ gốm sứ Trung Quốc thời Nguyên và thời Minh (thế kỷ 13-17) được tìm thấy tại đây vô cùng đặc sắc và quý hiếm. Đó là những minh chứng sinh động phản ánh về đồ gốm sứ Trung Quốc được sử dụng trong đời sống Hoàng cung Thăng Long xưa. Đồng thời khơi gợi về mối quan hệ bang giao giữa Trung Quốc và Kinh đô Thăng Long của Đại Việt trong lịch sử.
Phát hiện quan trọng này cũng mở ra hướng nghiên cứu về mối quan hệ giữa các đồ sứ tìm thấy tại di tích Hoàng thành Thăng Long với các đồ sứ Trung Quốc sản xuất tại Trung Quốc phục vụ cho thị trường xuất khẩu.
Để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về các đồ gốm sứ Trung Quốc thời Nguyên - Minh khai quật được tại Hoàng thành Thăng Long, cũng như góp phần làm rõ thêm mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Thăng Long, Việt Nam và Trung Quốc trong lịch sử - Viện Nghiên cứu Kinh thành tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế năm 2022 với chủ đề: Đồ gốm sứ Trung Quốc thời Nguyên - Minh tại Hoàng thành Thăng Long.
Thông qua tọa đàm này, giới nghiên cứu mong muốn trao đổi với các học giả trong nước và quốc tế. Đặc biệt là các chuyên gia gốm sứ Trung Quốc trong việc xác định đặc trưng, niên đại và nguồn gốc lò sản xuất của hiện vật thời Nguyên và thời Minh. Từ đó có thể phân định và làm sáng rõ hơn về đồ gốm sứ Việt Nam thời Trần, thời Lê sơ và thời Mạc.
Thời gian diễn ra tọa đàm vào cuối tháng 11/2022 tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.