Tọa đàm Chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế

GD&TĐ - Sáng nay (19/12), Bộ GD&ĐT phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm Chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế.

Các khách mời tham gia buổi tọa đàm
Các khách mời tham gia buổi tọa đàm

Theo đồng chí Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bảo hiểm Y tế (BHYT) là chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và chia sẻ cộng đồng sâu sắc của Đảng và Nhà nước.

Trong những năm qua, công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên (HSSV) luôn được chú trọng và thực hiện hiệu quả với sự phối hợp chặt chẽ của ngành Bảo hiểm Xã hội và ngành Giáo dục và Đào tạo, cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Thực hiện BHYT HSSV không chỉ là quyền lợi về sức khỏe đối với HSSV, mà còn có ý nghĩa giáo dục về trách nhiệm xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, xây dựng tinh thần tương thân, tương ái “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

Trên thực tế, Quỹ BHYT đã giúp chi trả các chi phí khám, chữa bệnh cho HSSV tham gia BHYT bị rủi ro thương tích, đau ốm phải điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước.

Đồng thời, nguồn kinh phí trích lại 7% từ số thu BHYT HSSV là nguồn tài chính quan trọng đối với hoạt động YTTH và giúp các nhà trường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nguồn Quỹ BHYT đang giữ vai trò chủ yếu trong nguồn kinh phí hoạt động của YTTH với khoảng 82%, trong khi phần chi từ ngân sách nhà nước chỉ chiếm khoảng 18%.

Hiện nay, HSSV là một trong những nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT cao nhất và là đối tượng có tỷ lệ tham gia cao nhất trong nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ.

Tỉ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế đã tăng đáng kể từ 70% năm học 2010 - 2011, 85% năm học 2014 - 2015, tăng lên 92,5%năm học 2016 - 2017 vớikhoảng 15,9 triệu HSSV.

Mặc dù vậy, hiện nay vẫn còn khoảng 7,5% số HSSV chưa tham gia BHYT. Điều này là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế về chính sách BHYT nói chung và BHYT đối với HSSV nói riêng; một số cơ sở giáo dục chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm triển khai BHYT HSSV và chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HSSV.

Theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/6/2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020, chỉ tiêu được đặt ra đối với ngành giáo dục là 100% HSSV tham gia BHYT từ năm học 2017 - 2018.

Để đạt mục tiêu này, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp sư phạm phối hợp chặt chẽ với ngành bảo hiểm xã hội từ trung ương đến địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật BHYT, ý nghĩa, quyền lợi và trách nhiệm công dân của mỗi HSSV bằng nhiều hình thức đến HSSV và cha mẹ học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ