Bệnh tật không chừa một ai
So với các nhóm đối tượng thuộc diện bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) thì HSSV có tỷ lệ tham gia tăng từng năm và hiện giữ mức cao nhất. Nếu như năm học đầu tiên Luật BHYT có hiệu lực, tỷ lệ tham gia ở mức 70% thì đến năm học 2014 - 2015, tỷ lệ trên tăng lên 85% và 92,5% năm học 2016 - 2017.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của các cấp, ngành trong việc huy động HSSV tham gia BHYT. Nhưng với xấp xỉ 7,5% HSSV chưa có thẻ cũng là điều đáng lo. Lo bởi bệnh tật không loại trừ ai và có thể “hỏi thăm” bất cứ lúc nào. Bệnh nhẹ không sao nhưng chẳng may bệnh nặng mà không có BHYT hỗ trợ, tiền viện phí trở thành gánh nặng với bản thân các em và gia đình. Điều này được minh chứng qua con số thống kê của Bảo hiểm xã hội. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2017, Quỹ BHYT đã trả chi phí khám chữa bệnh cho HSSV trên 2.000 tỷ đồng, với 6.322.851 lượt khám chữa bệnh.
Ngoài tâm lý chủ quan (thanh niên ít ốm đau) của bản thân các em và gia đình thì một số cơ sở giáo dục chưa thúc đẩy triển khai BHYT HSSV tại các nhà trường. Có nơi thiếu quan tâm thích đáng đến công tác y tế trường học nên việc rà soát, đối chiếu số HSSV chưa tham gia BHYT còn hạn chế... Một nguyên nhân khách quan phải kể đến là mức lương cơ sở tăng từ 1.210.000 đồng lên mức 1.300.000 đồng cũng tác động đến việc tham gia BHYT của HSSV. Dù mức tăng không cao, mức chênh lệch tăng thuộc phần trách nhiệm phải đóng của HSSV chỉ là 2.835 đồng/học sinh, sinh viên/tháng nhưng cũng tạo ra những tác động không nhỏ đến các em và gia đình.
Quyền và nghĩa vụ của HSSV
Việc còn một tỷ lệ không nhỏ HSSV chưa có thẻ mặc dù được nhà trường thông báo nhiều lần, nhiều ý kiến cho rằng, đây là vấn đề đáng lưu tâm. Bởi đó là biểu hiện của việc không tuân thủ pháp luật nói chung, Luật BHYT nói riêng và chưa làm tròn trách nhiệm công dân, nhất là trong bối cảnh cả nước đang hướng tới và đẩy mạnh việc “thượng tôn pháp luật”.
Nói đi cũng phải nói lại, số tiền đóng BHYT không lớn với nhiều người, nhưng với một số HSSV có hoàn cảnh gia đình còn khó khăn thì cũng là một vấn đề. Đặc biệt khi nhiều nhà trường cứng nhắc trong thực hiện nên thu gộp cùng khoản đóng góp đầu năm học. Để gỡ nút thắt trên, nhà trường và cơ quan BHXH, cơ quan y tế cần đối thoại, trao đổi trực tiếp với các em để lắng nghe những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của các em để có những giải pháp tốt nhất.
Theo ThS Nguyễn Trí Đại, Trưởng ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), nhiều năm qua, cơ quan BHXH đã phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục trong tuyên truyền và hướng dẫn chi tiết công tác thu BHYT học sinh, cấp kinh phí y tế học đường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều cơ sở GD thu nhiều khoản cùng lúc vào đầu năm gây sức ép cho phụ huynh.
Đây là hạn chế, bất cập cần phải chấn chỉnh ngay, vì nếu không sẽ tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT.