Công bằng, minh bạch trong chi trả bảo hiểm y tế

GD&TĐ - Số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, có bệnh nhân được quỹ bảo hiểm thanh toán từ vài trăm đến cả tỷ đồng tiền khám chữa bệnh. Nhưng cũng có cơ sở y tế phải tính chi li từng loại thuốc kê cho bệnh nhân để được bảo hiểm thanh toán.

Công bằng, minh bạch trong chi trả bảo hiểm y tế

Cứu cánh cho nhiều người

Chính sách bảo hiểm ngày càng thông thoáng nên người dân có nhiều cơ hội được khám chữa bệnh ở nơi mình có nhu cầu. Từ cuối năm 2016, việc thông tuyến khám chữa bệnh giúp người bệnh được lựa chọn khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân đang được xếp tương đương tuyến huyện.

Thực tế cho thấy, thông tuyến đáp ứng được nhu cầu của nhiều người, nhất là đối với các trường hợp đi làm xa, lao động phổ thông từ các tỉnh lân cận về thành phố lớn làm việc.

Thay vì phải về địa phương khám, chữa bệnh mỗi khi ốm đau, người dân có thể đến khám tại cơ sở y tế cùng tuyến tại địa phương khác mà không cần giấy xác nhận đăng ký tạm trú, giấy công tác. Những thay đổi trên giúp người dân có cơ hội sử dụng thẻ bảo hiểm và thấy được sự cần thiết của chiếc thẻ, từ đó duy trì việc mua thẻ định kỳ.

Mở rộng phạm vi, đơn giản hóa thủ tục nên số người tiếp cận với dịch vụ y tế tăng lên. 6 tháng đầu năm, tại Hà Nội đã có 3,9 triệu lượt khám chữa bệnh với tổng chi phí từ quỹ bảo hiểm hơn 6,3 ngàn tỷ đồng.

Tại Hải Dương, để duy trì tỷ lệ 100% học sinh, học viên tham gia bảo hiểm y tế, ngoài biện pháp truyền thông, chia sẻ, giúp đỡ, việc triển khai công tác khám chữa bệnh cho HS ngay tại trường đem lợi ích cho HS và lấy được cảm tình của phụ huynh.

Trung bình mỗi năm, các trường học trên địa bàn tỉnh được trích lại trên 12 tỷ đồng để duy trì hoạt động y tế trường học. Nhờ được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường, nhiều em được phát hiện mắc một số bệnh như cong vẹo cột sống, bệnh về mắt... từ đó có can thiệp, điều trị kịp thời.

Trong số HS mắc bệnh nặng, có em được bảo hiểm thanh toán hàng trăm triệu đồng. Điển hình như một HS Trường THPT Kim Thành II được thanh toán số tiền khám chữa bệnh trên 400 triệu đồng, một học sinh THCS khác được quỹ bảo hiểm hỗ trợ gần 400 triệu để điều trị bệnh.

Sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm

Bảo hiểm y tế là một biện pháp để đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người, dù họ khỏe mạnh hay ốm đau. Nhưng đã là tiền chung thì cũng đòi hỏi việc sử dụng quỹ hợp lý, công bằng, minh bạch. Bên cạnh những trường hợp bệnh nặng được bảo hiểm chi trả nhiều cũng có người lợi dụng kẽ hở để trục lợi.

Giám sát của Bảo hiểm xã hội cho thấy, nhiều người có thẻ đã đi khám nhiều lần để lấy thuốc dù không mắc bệnh hoặc bệnh nhẹ. Họ khám ở nhiều chuyên khoa khác nhau, nhiều tuyến khác nhau. Những trường hợp “kinh điển” hầu như ngày nào cũng đi khám và với số thuốc họ được kê, theo các bác sĩ thì “không cơ thể nào chịu được”.

Lợi ích của việc thông tuyến đã rõ nhưng đôi khi đây cũng là cái cớ để người bệnh trục lợi, bác sĩ lạm dụng chỉ định. Bằng chứng là sau khi thông tuyến, tỷ lệ thanh toán bảo hiểm ở cơ sở y tế tuyến huyện tăng đột biến. Tăng nhiều nhất có lẽ là tiền giường. Có nhiều nơi, hầu như bệnh nhân nào đến khám cũng được chỉ định nhập viện nhưng nhìn vào cơ cấu tiền thuốc - giường - vật tư tiêu hao sẽ thấy chỉ định trên có hợp lý, cần thiết hay không.

Để bảo hiểm là phao cứu sinh cho người bệnh nặng, là bạn đồng hành với những ai ốm đau phải vào viện, việc quản lý quỹ là cần thiết. Quản lý không có nghĩa là siết chặt chi tiêu, hạn chế quyền lợi của người bệnh mà là chi đúng người, đúng bệnh, chi hợp lý.

Muốn vậy, trước hết cần hệ thống quản lý hồ sơ bệnh án người bệnh trên toàn quốc. Người bệnh chỉ cần cung cấp một số thông tin cá nhân, bác sĩ sẽ biết tiền sử bệnh tật của người đó giúp cho việc chẩn đoán bệnh tốt hơn, hạn chế hành vi trục lợi quỹ. Bên cạnh đó, công tác giám định hồ sơ thanh toán bảo hiểm phải thường xuyên, khoa học và kiên quyết từ chối thanh toán trường hợp sai quy định…

Năm 2017, ước tính quỹ dự phòng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 22.844 tỷ đồng. Sau khi tăng dịch vụ y tế, quỹ có khả năng cân đối đến hết năm 2018. Tuy nhiên, từ năm 2018 trở đi sẽ phải tính đến khả năng tăng mức đóng lên 6% (lương cơ sở) thay vì 4,5% như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiêm kích F-35B.

Loạt sai sót và lỗi gây tai họa cho F-35

GD&TĐ - Một báo cáo của Lầu Năm Góc tiết lộ chương trình F-35 đã gặp nhiều vấn đề, khó khăn về độ tin cậy và kéo dài thời gian khắc phục với lỗi nghiêm trọng.