'Tổ hợp' lớp định hướng năng lực: Đón đầu thay đổi

GD&TĐ - Thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10, học sinh chuyển từ giáo dục cơ bản sang giai đoạn giáo dục hướng nghiệp, được lựa chọn môn học, nội dung học ngoài chương trình bắt buộc. Nhiều trường THPT tại Nghệ An đã đưa ra “tổ hợp” lớp theo định hướng năng lực để học sinh lựa chọn.

Phụ huynh, học sinh Trường THPT Hà Huy Tập tìm hiểu thông tin liên quan đến việc xếp lớp theo Chương trình GDPT mới. Ảnh: TG
Phụ huynh, học sinh Trường THPT Hà Huy Tập tìm hiểu thông tin liên quan đến việc xếp lớp theo Chương trình GDPT mới. Ảnh: TG

Tổ chức lớp theo định hướng năng lực học sinh

Sau khi công bố điểm chuẩn, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) chốt danh sách và tổ chức nhập học lớp 10 cho học sinh trúng tuyển (lớp truyền thống) và lớp IELTS. Đối với mô hình tiên tiến (5 lớp), nhà trường tiếp nhận hồ sơ, và thông báo kết quả sau khi hoàn thành phỏng vấn.

Chị Thảo Ngân chia sẻ: “Tôi thấy việc đăng ký các bộ môn là hợp lý vì học sinh được lựa chọn những môn mình yêu thích, kể cả môn năng khiếu. Bố mẹ chỉ đưa ra lời khuyên chứ không can thiệp quá sâu”.

Sau khi biết con gái trúng tuyển vào Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, gia đình chị Nguyễn Thảo Ngân rất vui mừng. Đến nhập học, 2 mẹ con không vội vàng mà dành một buổi để nghe tư vấn và tham khảo việc đăng ký môn tự chọn.

Theo đó, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã đưa ra nhóm nguyện vọng để học sinh và phụ huynh nghiên cứu. Nhóm bao gồm lựa chọn theo định hướng khối, gồm 4 lớp định hướng tự nhiên, 1 lớp định hướng xã hội và 1 lớp định hướng ngoại ngữ. Đối với đăng ký môn tự chọn, nhà trường cũng đưa ra 3 nhóm định hướng Khoa học tự nhiên (KHTN), Khoa học xã hội (KHXH) và Công nghệ - Nghệ thuật.

Em Thái Văn Minh sau khi được thầy cô tư vấn đã lựa chọn nguyện vọng 1 vào lớp định hướng tự nhiên chú trọng khối A1 (Toán – Lý – Anh) và nguyện vọng 2 chú trọng khối A3 (Toán – Hóa – Anh). Đồng thời đăng ký 3 môn tự chọn là Hóa học, Địa lý và Tin học. Nam sinh cho biết, ngoài các môn bắt buộc, em đăng ký môn tự chọn để học đều phục vụ mục đích thi đánh giá năng lực sau này.

Trong khi đó Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh) căn cứ Chương trình GDPT 2018, tình hình đội ngũ, cơ sở vật chất năm học 2022 - 2023, đưa ra “combo” tổ hợp lớp để học sinh lựa chọn. Tổ hợp lớp này sẽ có các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập (ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc) theo định hướng KHTN và KHXH để học sinh lựa chọn.

Cụ thể, định hướng KHTN có lớp Tự nhiên 1 gồm các môn học lựa chọn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học và các chuyên đề học tập Toán, Vật lý, Hóa học. Lớp Tự nhiên 2 gồm các môn học lựa chọn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ và các chuyên đề học tập Toán, Hóa học, Sinh học.

Về các lớp định hướng KHXH gồm lớp Xã hội 1 có các môn học lựa chọn Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Vật lý, Tin học và các chuyên đề học tập Toán, Văn, Lịch sử. Lớp Xã hội 2 gồm các môn học lựa chọn: Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Hóa học, Tin học và các chuyên đề học tập Toán, Văn.

Lớp Xã hội 3 gồm các môn học lựa chọn: Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Sinh học, Công nghệ và các chuyên đề học tập Văn, Lịch sử…. Lớp IELTS có môn học lựa chọn gồm: Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Vật lý, Âm nhạc và các chuyên đề học tập Toán, Văn, Âm nhạc. Lớp IELTS được học tăng cường tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài.

Thầy Cao Thanh Bảo – Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập cho biết: Việc đăng ký này chưa phải là cố định mà để nhà trường khảo sát, lấy dữ liệu chia lớp cũng như chuẩn bị giáo viên, cơ sở vật chất cho năm học mới. Đồng thời thông báo cho học sinh mua sách giáo khoa phù hợp. Các em cũng có thể thay đổi nguyện vọng, nhưng nên cân nhắc đưa ra lựa chọn chính xác, để dựa vào đó mua sách giáo khoa phù hợp.

Giáo viên tư vấn cho học sinh đăng ký nguyện vọng vào các lớp định hướng tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An).

Giáo viên tư vấn cho học sinh đăng ký nguyện vọng vào các lớp định hướng tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An).

Đón đầu đổi mới cách thi và tuyển sinh

Theo thầy Cao Thanh Bảo, năm học đầu tiên triển khai Chương trình GDPT đối với lớp 10, có nhiều thay đổi từ sách giáo khoa đến cơ cấu môn học, tổ chức sắp xếp dạy học, chắc chắn phụ huynh, học sinh sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nhà trường đã thông tin, tuyên truyền đầy đủ, rõ ràng trên nhiều kênh và phương tiện thông tin để cha mẹ học sinh nắm rõ.

“Nhiều phụ huynh và học sinh sẽ băn khoăn vì các môn không như những năm trước. Tuy nhiên, khi sắp xếp các bộ môn theo từng nhóm, chúng tôi đã cân đối để đón đầu cho việc thay đổi cách thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học. Khóa học sinh lớp 10 năm nay sẽ tốt nghiệp THPT và tham gia xét vào đại học, cao đẳng vào năm 2025. Vì vậy, việc xếp lớp theo định hướng KHTN và KHXH của nhà trường. Cùng với đó, bố trí cơ sở vật chất, giáo viên tổ chức dạy học, hoạt động hướng nghiệp… chính là đáp ứng điều chỉnh trong cách thi, tuyển sinh của Bộ GD&ĐT thời điểm đó”, thầy Bảo nói.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập, cách học cũ và tư duy cũ theo các khối như A, B, C như hiện nay có thể sẽ không còn phù hợp. Học sinh có thể đăng ký xét tuyển nhiều tổ hợp môn mới, hoặc tham gia kỳ thi đánh giá năng lực theo phương thức tuyển sinh của từng trường đại học.

Trường THPT Diễn Châu 3 (huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã sẵn sàng cho dạy học Chương trình GDPT 2018 cho khối 10. Thầy Phan Trọng Đông – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Về phía giáo viên, ngoài tập huấn SGK mới, từ trước đó, đáp ứng nhu cầu thi đánh giá năng lực của học sinh, nhà trường đã giao cho từng bộ môn nghiên cứu đề thi và đưa ra định hướng dạy học. Vì vậy, giáo viên chủ động về phương pháp, cách thức tổ chức lớp học khi triển khai Chương trình GDPT 2018 cũng như phù hợp với điều chỉnh thi, tuyển sinh đại học sau này.

Với môn Lịch sử có nội dung bắt buộc gồm 52 tiết/năm học và chuyên đề chuyên sâu đối với học sinh đăng ký tự chọn, lãnh đạo các trường THPT tại Nghệ An cho biết không có nhiều xáo trộn. Vì cơ cấu giáo viên Lịch sử từ trước đến nay vốn đã đủ đáp ứng dạy học môn này cho toàn trường. Nhà trường có một chút điều chỉnh khi đưa Lịch sử trở lại nhóm môn bắt buộc và vẫn để ở mục đăng ký môn tự chọn cho học sinh nào muốn học chuyên sâu. Khi Bộ GD&ĐT điều chỉnh chương trình Lịch sử cấp THPT, ban hành tài liệu hướng dẫn thực hiện, nhà trường, giáo viên bộ môn sẽ dựa vào đó để tổ chức dạy học. - Thầy Phan Xuân Phàn Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.