Xây dựng tổ hợp môn học lớp 10: Ưu tiên phương án phù hợp thực tế

GD&TĐ - Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, đầu tháng 5, một số trường THPT đã công khai cho phụ huynh, học sinh biết thông tin về việc tổ chức dạy học lớp 10 trong năm học tới của trường mình.

Học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) sôi nổi với các hoạt động ngoại khóa. Ảnh: TG
Học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) sôi nổi với các hoạt động ngoại khóa. Ảnh: TG

Khẩn trương xây dựng các tổ hợp môn học

Theo ông Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT có 7 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh, gồm: Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng an ninh; Giáo dục địa phương; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Ngoài ra, học sinh được lựa chọn 5/10 môn học được thiết kế theo 3 nhóm tương ứng với 3 định hướng nghề nghiệp là Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ, nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Học sinh căn cứ vào năng lực, sở trường, sở thích của bản thân, lựa chọn 1 trong 3 định hướng này.

Thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn, tập huấn các đơn vị xây dựng một số tổ hợp môn học theo ba định hướng nói trên và phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Mỗi định hướng có thể có từ 1 - 2 tổ hợp có cùng các môn thuộc nhóm chính và môn khác thuộc hai nhóm còn lại.

Số tổ hợp và số lớp/mỗi tổ hợp do nhà trường quyết định bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Với cách này, nhà trường cần xây dựng từ 3 - 6 phương án để chuẩn bị cho năm học tới cho học sinh lựa chọn, đồng thời tư vấn định hướng cho học sinh.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thời gian qua, các trường đã khẩn trương xây dựng tổ hợp môn học, số lớp/mỗi tổ hợp có thể đáp ứng. Nhà trường đồng thời phải công bố sớm, rộng rãi để học sinh, cha mẹ học sinh hiểu rõ và quyết định đăng ký, lựa chọn.

Trường THPT Trấn Biên (Đồng Nai) sẵn sàng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10. Ảnh: TG
Trường THPT Trấn Biên (Đồng Nai) sẵn sàng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10. Ảnh: TG

Phù hợp thực tế

Cô Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) - cho biết: Năm học 2022 - 2023, trường tuyển sinh 765 em với 17 lớp. Nhà trường dự kiến xây dựng mô hình lớp theo tổ hợp các môn, gồm 2 nhóm tổ hợp các môn học lựa chọn theo lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Mỗi nhóm tổ hợp có 3 lựa chọn, mỗi học sinh có 6 lựa chọn.

Trong nhóm Khoa học tự nhiên, ngoài môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, học sinh sẽ có 3 phương án lựa chọn: (1) Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Lịch sử; (2) Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Địa lý; (3) Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Giáo đục Kinh tế và Pháp luật.

Trong nhóm Khoa học xã hội, bên cạnh các môn học bắt buộc, học sinh được lựa chọn 1 trong 3 phương án: (1) Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Vật lý; (2) Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Hóa học; (3) Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Công nghệ, Sinh học.

Tổng số các tiết học trong năm là 1.015 tiết. Ngoài ra còn có Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung Giáo dục địa phương và các chuyên đề học tập lựa chọn. Việc xây dựng mô hình lớp theo tổ hợp các môn giúp nhà trường giải quyết được vấn đề về cơ sở vật chất, về đội ngũ trong năm học tới.

Cô Phạm Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên (Đồng Nai) - chia sẻ: Trường sẵn sàng tâm thế thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhà trường đã xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn, chuyên đề học tập nhằm giúp học sinh, phụ huynh hình dung và có lựa chọn hợp lý.

Theo đó, nhà trường dự kiến sẽ chia các lớp dựa trên 3 tổ hợp các môn lựa chọn: (1) Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học; (2) Hóa học, Sinh học, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ; (3) Lịch sử , Địa lý, Vật lý, Tin học , Công nghệ.

Học sinh trúng tuyển, khi làm hồ sơ nhập học sẽ được chọn 2 nguyện vọng (nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2) trong 3 tổ hợp. Trường hợp nguyện vọng 1 không đủ học sinh để tạo thành lớp hoặc tổ hợp nào đó vượt quá nhu cầu đào tạo của nhà trường thì sẽ xét nguyện vọng 2. Học sinh cam kết trong 3 năm học tại trường không thay đổi tổ hợp.

Căn cứ yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới cùng điều kiện thực tiễn, nguồn lực, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Sơn La (tỉnh Sơn La) thống nhất định hướng, bố trí các lớp học dựa trên 5 nhóm môn học lựa chọn gồm: (1) Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Tin học; (2) Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Tin học; (3) Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Vật lý, Tin học; (4) Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Hóa học, Công nghệ; (5) Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Sinh học, Công nghệ.

“Với 280 học sinh theo học trong năm học tới, đây là giải pháp phù hợp, bảo đảm quyền lợi học tập của các em, quá trình dạy học sẽ được thực hiện hiệu quả”, thầy Nguyễn Danh Tân - Hiệu trưởng nhà trường nói.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT có 7 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh, gồm: Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng an ninh; Giáo dục địa phương; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Ngoài ra, học sinh được lựa chọn 5/10 môn học được thiết kế theo 3 nhóm tương ứng với ba định hướng nghề nghiệp là Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ, nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Học sinh căn cứ vào năng lực, sở trường, sở thích của bản thân, lựa chọn một trong ba định hướng này. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.