Theo War Zone, hệ thống phòng không Gravehawk do một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng Anh và một nhóm nhà thầu quân sự tư nhân phát triển trong vòng 18 tháng với kinh phí gần 7,5 triệu USD. Mỗi tổ hợp Gravehawk có giá khoảng 1,2 triệu USD.
Gravehawk được thiết kế với bệ phóng có hai giá lắp vũ khí được tháo từ tiêm kích như mẫu Su-27, trên đó gắn tên lửa không đối không R-73 do Liên Xô sản xuất được chỉnh sửa thành đất đối không.
Để tăng cường khả năng cơ động trên chiến trường, Gravehawk được đặt trên xe tải Leyland DAF với giá bốc dỡ container chuyên dụng.
Khi tác chiến, kíp trắc thủ phải mất thời gian vài phút để đặt container chứa Gravehawk xuống đất, trước khi khai hỏa tên lửa qua phần mái có thể đóng mở.
Gravehawk thiết kế với kíp vận hành 5 người, được trang bị một hệ thống cảm biến với camera hồng ngoại dùng để phát hiện, theo dõi và chỉ thị mục tiêu cho tên lửa R-73. Bộ điều khiển cùng camera được đặt trong một vali chống sốc.
Theo Bộ Quốc phòng Anh, Gravehawk chuyên hạ các mục tiêu như máy bay không người lái (UAV) Geran 2 của Nga, cùng một số loại tên lửa và máy bay khác. Anh và Đan Mạch đã chuyển hai tổ hợp Gravehawk cho Ukraine, nước này dự kiến nhận tổng cộng 17 hệ thống.
"Ban đầu, Ukraine không muốn nhận Gravehawk mà đề nghị phương Tây chuyển thêm hệ thống phòng không do họ chế tạo cùng tiêm kích F-16. Nhưng với nhiệm vụ có thể hoàn thành của Gravehawk đã thuyết phục được Ukraine và nước này muốn nhận thêm", báo Mỹ cho biết thêm.
Được biết, R-73 là tên lửa không đối không tầm ngắn được Liên Xô phát triển từ đầu những năm 1970 và biên chế năm 1984. Dòng tên lửa này tương thích với nhiều mẫu tiêm kích do Liên Xô, Nga sản xuất.
Liên Xô từng biên chế lượng lớn tên lửa R-73 cho các đơn vị không quân triển khai trên lãnh thổ Ukraine ngày nay. Nhiều bộ phận quan trọng của R-73, trong đó có đầu dò hồng ngoại, cũng được chế tạo tại Ukraine dưới thời Liên Xô.
Trong xung đột, những chiến đấu cơ MiG-29 và Su-27 của Ukraine gần như không thể đối đầu trực tiếp với tiêm kích Nga, trong khi tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) luôn là mục tiêu khó đối phó, khiến cơ hội dùng vũ khí tầm ngắn như R-73 là rất hiếm.
Không quân Ukraine đã hoán cải tổ hợp phòng không tầm ngắn Osa để dùng R-73 thay cho đạn nguyên bản đang khan hiếm. Ukraine còn lắp tên lửa này lên xuồng không người lái để đối phó với trực thăng Nga trên biển.
Khi phóng từ trên không, R-73 có thể đánh trúng mục tiêu bay từ khoảng cách 30 km và bám đuổi mục tiêu ở cách 14 km. Tuy nhiên, tầm bay của nó sẽ giảm đáng kể khi phóng từ mặt đất, vì không tận dụng được độ cao và tốc độ có sẵn của máy bay mang phóng.
Chuyên gia Thomas Newdick của War Zone nhận định: "Tầm bắn của R-73 khai hỏa từ bệ phóng trên mặt đất có thể vào khoảng 10-12 km".
Học giả này cho biết thêm, R-73 sử dụng đầu dò hồng ngoại, giúp các tổ hợp lắp đạn tên lửa này tránh bị hệ thống tác chiến điện tử của Nga phát hiện hoặc trở thành mục tiêu của tên lửa diệt radar.
Nỗ lực phát triển Gravehawk chủ yếu do nhu cầu của Ukraine trong đối phó UAV tự sát tầm xa và tên lửa hành trình Nga, cũng như đến từ mối lo ngại rằng kho đạn tên lửa cho các tổ hợp phương Tây viện trợ sẽ cạn kiệt.