Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10: Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc tại phố cổ Hà Nội

GD&TĐ - Với mục đích quảng bá các giá trị di sản, tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của các tổ chức, cá nhân, nghệ nhân, thợ thủ công… trong công tác bảo tồn giá trị di sản, thúc đẩy phát triển du lịch, đồng thời giúp cho du khách khi đến với phố cổ nói riêng và Hà Nội nói chung có điều kiện tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa của Hà Nội. Năm nay, dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, tại khu vực phố cổ sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nổi bật.  

Hoạt động văn hóa tại Phố Bích họa Phùng Hưng thu hút đông đảo người dân
Hoạt động văn hóa tại Phố Bích họa Phùng Hưng thu hút đông đảo người dân

Truyền thống nối hiện đại

Theo bà Trần Thị Thúy Lan (Phó ban Quản lý Phố cổ Hà Nội), năm nay kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô tiêu biểu nhất là hoạt động văn hóa nghệ thuật tại không gian Bích họa phố Phùng Hưng. Trong đó, nổi bật có hoạt động văn hóa “Sắc thu Hà Nội”. Đây là chương trình biểu diễn thời trang (bộ sưu tập Thu - Đông) giới thiệu 180 bộ trang phục của 8 nhà thiết kế. Thời gian khai mạc: 19 giờ 30 ngày 6/10/2018. Thời gian hoạt động: Từ ngày 20 giờ ngày 5/10 đến 22 giờ ngày 7/10/2018. (Địa điểm: Phố Bích họa Phùng Hưng, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm).

Năm 2018 Hà Nội kỷ niệm 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (1/8/2008 - 1/8/2018). Sau khi mở rộng, Hà Nội trở thành địa phương có nhiều di sản nhất cả nước. Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ trăm nghề làm nên ba mươi sáu phố phường, với những phố “Hàng” nổi tiếng của đất kinh kỳ. Quận Hoàn Kiếm - khu phố cổ Hà Nội cũng chính là khu vực 36 phố xưa - nơi tập trung nhiều phố nghề, những ngôi đình thờ tổ nghề, nơi còn lưu giữ nhiều nét đặc trưng văn hóa Hà Nội xưa.

Tại chương trình này, người dân và du khách sẽ được giao lưu với các nhà thiết kế để cùng chia sẻ về văn hóa mặc truyền thống và hiện đại của người Hà Nội. Bên cạnh đó là các hoạt động tương tác của nghệ sĩ, nhà thiết kế với du khách như hướng dẫn trang điểm, vấn tóc, giới thiệu về thiết kế áo dài xưa và nay. Đặc biệt là không gian giới thiệu các trò chơi dân gian, hướng dẫn cách nặn tò he của nghệ nhân làng nghề xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên).

Bên cạnh đó còn có các tiết mục âm nhạc truyền thống được biểu diễn trong 3 đêm liền để phục vụ người dân và du khách (trong các ngày từ tối 5/10 đến 7/10/2018).

Du khách và người dân say sưa làm đồ chơi thủ công trong phố cổ
  • Du khách và người dân say sưa làm đồ chơi thủ công trong phố cổ

Giao lưu nghệ nhân làng nghề tại nơi thờ ông tổ bách nghệ

Ở đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc) dịp này cũng diễn ra hoạt động giới thiệu tinh hoa nghề kim hoàn, đúc, chạm: Nghề vàng bạc Châu Khê (Hải Dương); nghề đậu bạc làng Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội); nghề đúc đồng (Đại Bái, Bắc Ninh); nghề chạm bạc (Đồng Xâm, Thái Bình).

Trưng bày, giới thiệu nghề truyền thống với chủ đề “Nghề truyền thống Việt”. Thời gian khai mạc: 15 giờ ngày 9/10/2018 (địa điểm: Đình Kim Ngân - 42, 44 Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm). Công chúng tham gia chương trình sẽ được gặp mặt giao lưu và trao đổi cùng nghệ nhân, thợ thủ công đại diện các làng nghề kim hoàn, như nghệ nhân Nguyễn Văn Nhân (Nghề vàng bạc Châu Khê, Hải Dương); Nghệ nhân Nhân dân Quách Văn Hiểu (Nghề đậu bạc, Phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội); Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Ngọc Trọng (Nghề đúc đồng, Đại Bái, Bắc Ninh); Thợ thủ công Đinh Quang Thắng (Nghề chạm bạc, Đồng Xâm, Thái Bình).

Khu phố cổ Hà Nội hình thành từ đầu thế kỷ XIX (Triều Nguyễn). Cùng thời xây dựng Hoàng thành, Kinh thành, nhiều đình, đền, chùa trong khu vực phố cổ được xây dựng, như: Đình Kim Ngân, đền Vua Lê, đền Ngọc Sơn, đền Bà Triệu, chùa Báo Ân, chùa Báo Thiên…

Bà Trần Thúy Lan cho biết: “Vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, Ban Quản lý phố cổ muốn giới thiệu sâu sắc hơn với người dân và du khách về Đình Kim Ngân, một di tích kiến trúc - nghệ thuật có giá trị tiêu biểu ở phố cổ, nơi thờ ông tổ bách nghệ. đình Kim Ngân được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia năm 2013. Đình Kim Ngân với sự hiện diện, trường tồn bao đời nay trên mảnh đất của phố Hàng Bạc là nguồn tư liệu quý, một bằng chứng giúp cho việc nghiên cứu về sự hình thành một đường phố, một phố nghề, một làng nghề ở tại Kinh thành Thăng Long xưa”.

“Cùng với các giá trị di sản vật thể, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội mong muốn giới thiệu tới du khách các giá trị văn hóa phi vật thể, thông qua việc tổ chức không gian giới thiệu nghề kim hoàn tại đình Kim Ngân. Đây là địa điểm trao đổi kinh nghiệm, giao lưu của các nghệ nhân làng nghề - phố nghề về nghề truyền thống trong sự phát triển của xã hội hiện nay. Qua đó, từng bước tạo sự hấp dẫn để phát triển phố nghề kim hoàn truyền thống”- Bà Thúy Lan chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

GD&TĐ - Chiến lược gia Hàn Quốc Park Hang-seo ‘gửi gắm’ tương lai vươn tầm châu lục của bóng đá Việt Nam cho đàn em đồng hương Kim Sang-sik.