Những hạt nhân lan tỏa phong trào đổi mới, sáng tạo trong dạy học

GD&TĐ - Sáng nay (18/10), 64 nhà giáo và 63 học sinh xuất sắc nhất trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy học” tụ hội tại Nhà hát lớn Hà Nội, tham dự Lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 - 2017 do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 - 2017
Lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 - 2017

Tham dự buổi lễ có đồng chí Trần Thanh Mẫn – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương và các địa phương. Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đại diện các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ.

Ngày 19/10/2016, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chính thức phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016-2020.

Theo Bộ trưởng, đổi mới sáng tạo là nhu cầu tự thân, tự nguyện, là động lực vươn lên của mỗi cá nhân, tập thể. Đổi mới giáo dục bắt đầu ngay trong những việc nhỏ, thiết thực hàng ngày để việc làm hôm nay hiệu quả hơn hôm qua, từ đó giúp chuyển biến giáo dục nước nhà.

Trong không khí đổi mới của toàn Ngành, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nhiều nhà giáo, học sinh, sinh viên đã nỗ lực đổi mới, sáng tạo các hoạt động giáo dục, góp phần không nhỏ tạo nên những thay đổi tích cực trong dạy và học ở nhiều địa phương.

Các đại biểu tham dự buổi lễ
Các đại biểu tham dự buổi lễ
Có thể nói đến cô giáo Trần Thị Thúy - Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) – người đã giúp học sinh của mình được tham gia vào những lớp học xuyên biên giới chỉ với một chiếc máy tính có internet và công cụ kết nối ứng dụng skype. Nhờ sự nỗ lực, sáng tạo của cô giáo trường huyện, hầu hết học sinh đã từng tham gia những lớp học của cô đều có thể tự tin giao tiếp với những người bạn quốc tế.

Hay thầy giáo Ninh Văn Dậu (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Krông Pa, Gia Lai), người đã vượt qua rất nhiều khó khăn để bám bản, bám trường, băng rừng vượt rẫy vận động học sinh trở lại lớp. Tâm huyết và nỗ lực của thầy đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ gửi thư khen trong năm học 2016 – 2017. Trong thư, Bộ trưởng khẳng định: Việc làm của thầy chắc chắn sẽ lan tỏa trong toàn ngành và toàn xã hội, tạo ra nhiều cảm hứng, niềm tin yêu trong học sinh, sinh viên và những động lực mới trong dạy học cho các thầy, cô giáo trong cả nước.

Còn phải kể đến thầy Phạm Thanh Linh - giáo viên Trường THPT Phủ Thông, Bắc Kạn. Thầy là giáo viên trẻ điển hình trong phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; có năng lực, tận tâm với nghề; tích cực tham gia các hoạt động phong trào do các cấp tổ chức. Năm học 2016-2017, thầy đã tham gia biên soạn tài liệu Bồi dưỡng giáo viên cấp THCS do Sở GD&ĐT chủ trì; đạt giải nhì cuộc thi thiết kế bài giảng e-learning, bài giảng được chọn dự thi quốc gia và được chọn đưa vào kho bài giảng quốc gia...

Hoặc thầy giáo Võ Như Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT Đắk R’ Lấp, tỉnh Đắk Nông. Dưới sự dìu dắt của thầy, nhiều học sinh dân tộc đã đạt kết quả cao trong nghiên cứu khoa học, như em Chí Nhịt Pình, Đào Tiểu Yến, Điểu Túy đạt 2 giải ba Cuộc thi KHKT cấp tỉnh và 1 giải nhì Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên lần I của tỉnh.

Văn nghệ khai mạc Lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 - 2017
Văn nghệ khai mạc Lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 - 2017

Nhiều học sinh, sinh viên với nỗ lực học tập, vượt khó đã góp phần không nhỏ tạo nên làn sóng đổi mới giáo dục trong toàn Ngành.

Em Trương Văn Lên - học sinh lớp 12A1, Trường THPT Bộc Bố, Bắc Kạn sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc Sán Chỉ, thuộc huyện Pác Nặm. Ở vùng khó, điều kiện học tập khó khăn, Lên luôn đạt hạnh kiểm tốt, hc lực giỏi.

Không chỉ đạt học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý và tham gia đội tuyển học sinh giỏi quốc gia năm học 2016-2017, trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, Lên còn xuất sắc đạt tổng 27,35 ở các môn thi khối A và 29 điểm ở các môn khối C. Với điểm số này, em đỗ 2 trường ĐH là Học viện An ninh Nhân dân và Học viện Hành chính quốc gia.

Em Hoàng Kim Luật - học sinh lớp 9C, Trường THCS xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, dù gia đình rất khó khăn, Luật vẫn nỗ lực để trở thành học sinh giỏi. Em đã giành giải ba kỳ thi HSG giải Toán qua mạng cấp tỉnh, giải nhì kỳ thi HSG giải toán trên máy tính cầm tay.

Hoặc Chảo Tả Mẩy - học sinh lớp 9A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Nậm Sài, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Cũng sinh ra trong nghèo khó, nhưng trong các năm học 2014 - 2015, 2015 - 2016, 2016 -2017, Chảo Tả Mẩy đều đạt danh hiệu học sinh giỏi; đoạt giải khuyến khích môn Văn trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện; đoạt giải khuyến khích cuộc thi NCKH cấp huyện...

Còn rất nhiều tấm gương tiêu biểu của những nhà giáo, học sinh, sinh viên cả nước trong hưởng ứng phong trào đổi mới, sáng tạo trong dạy học. Mỗi đóng góp của cá nhân sẽ là một viên gạch vững chắc, đặt nền móng cho giáo dục Việt Nam từng bước phát triển và hội nhập quốc tế.

Những lĩnh vực nhà giáo, HSSV có thể tham gia, góp phần tạo nên làn sóng đổi mới giáo dục trong toàn Ngành:

- Xây dựng môi trường giáo dục mở, xanh, sạch đẹp, thân thiện, an toàn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
- Đổi mới dạy và học, thi, kiểm tra, đánh giá
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hội nhập quốc tế
- Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học
- Tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, khởi nghiệp
- Đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ