Tố cáo sai có thể chịu trách nhiệm hình sự

Tố cáo sai có thể chịu trách nhiệm hình sự

(GD&TĐ) - Sáng nay (18/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tố cáo.

Các đại biểu Quốc hội đều tán thành việc quy định về việc bảo vệ người tố cáo và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ người tố cáo.
Các đại biểu Quốc hội đều tán thành việc quy định về việc bảo vệ người tố cáo và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ người tố cáo.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sáng (đoàn Tiền Giang), quy định chủ thể tố cáo là công dân là phù hợp vì tố cáo làm phát sinh những hậu quả pháp lý và trách nhiệm gắn với cá nhân. Trường hợp tố cáo sai, tùy mức độ nặng hay nhẹ thì phải chịu xử phạt hành chính hoặc trách nhiệm hình sự. Nếu chủ thể tố cáo là tổ chức thì khó quy trách nhiệm.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Phước Long (đoàn Trà Vinh) cũng cho rằng, chủ thể tố cáo là công dân vừa đúng với Hiến pháp vừa phù hợp với chính sách hình sự của Nhà nước ta được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành là cá thể hóa trách nhiệm hình sự, không quy định tổ chức là chủ thể của tội phạm. Đại biểu Huỳnh Phước Long cho rằng, trong thực tế vẫn có những trường hợp chủ thể tố cáo là tổ chức nhưng hiệu quả tố cáo như thế nào chưa được đánh giá đầy đủ. Vì vậy, chưa nên quy định chủ thể tố cáo là tổ chức. Song về lâu dài cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung trường hợp này nhằm phát huy dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trong tố cáo.

Không cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Lưu Thị Chi Lan (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, một số văn bản quy phạm pháp luật hiện nay vẫn quy định chủ thể tố cáo là tổ chức, trong thực tế tình trạng tố cáo đông người cũng khá phổ biến. Có những việc của tập thể nhưng chỉ vì một quyết định của cá nhân làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cả tập thể nên tập thể phải đứng ra tố cáo. Nên cho phép chủ thể tố cáo là tổ chức để phát huy sức mạnh tập thể trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, đồng thời phải có những quy định, chế tài cụ thể với hình thức này.

Đại biểu Vũ Duy Hòa (đoàn Thanh Hóa) cũng đề nghị, tập thể có quyền được tố cáo để phát huy dân chủ, khuyến khích việc tố cáo để kịp thời phát hiện những sai phạm. Nhưng quy định như thế nào cho chặt chẽ, tránh lợi dụng hình thức tố cáo tập thể, đông người thì ban soạn thảo dự thảo luật cần nghiên cứu thêm.

Các đại biểu Quốc hội đều tán thành việc quy định về việc bảo vệ người tố cáo và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ người tố cáo. Đây là những quy định rất cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo, đồng thời cũng hạn chế được việc tố cáo nặc danh, không rõ họ tên, địa chỉ vì sợ bị trả thù hay đe dọa. Song nếu chỉ quy định chung chung, mang nặng tính nguyên tắc, thiếu cơ chế thực hiện và chưa có các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn bảo vệ người tố cáo như dự thảo luật thì không khả thi và người tố cáo vẫn ở trong tình trạng chịu áp lực rất cao.

Theo đại biểu Quốc hội Huỳnh Phước Long, chương V chỉ có 4 điều nhưng trong đó có đến 3 điều giao Chính phủ quy định, điều này cho thấy tình trạng luật khung vẫn chưa được khắc phục. Dự thảo luật cần khẳng định rõ ràng, người tố cáo được bảo vệ bí mật cho dù họ có yêu cầu hay không. Bên cạnh đó, việc bảo vệ người tố cáo không chỉ liên quan đến cơ quan tiếp nhận tố cáo, giải quyết tố cáo mà còn liên quan đến các cơ quan có trách nhiệm xác minh… Vì vậy, dự thảo luật cần quy định cụ thể, chi tiết hơn. Cũng cần có cơ chế bảo vệ cả người bị tố cáo, bảo đảm khôi phục danh dự, quyền và lợi ích của họ trong trường hợp bị tố cáo sai.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, người tố cáo dù có động cơ, mục đích khác nhau nhưng đều là đối tượng yếu thế. Qua xử lý các vụ việc cho thấy, phần lớn các vi phạm được phát hiện là do các phương tiện báo chí đưa tin chứ trong nội bộ cơ quan tố cáo rất ít. Do đó, chỉ khi người tố cáo cảm thấy được bảo vệ an toàn thì mới khuyến khích được họ tố cáo. Dự thảo luật phải trả lời được các câu hỏi: ai sẽ bảo vệ người tố cáo, bảo vệ như thế nào và bằng cách gì? Nếu chỉ có 4 điều thì khó khả thi. Cần thiết kế lại cụ thể và khả thi hơn từ biện pháp bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo, đến bảo vệ người thân, người cung cấp thông tin cho người tố cáo vì khó tránh khỏi vạ lây. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo không chỉ là lực lượng công an mà cả cơ quan tiếp nhận tố cáo, chính quyền địa phương…

Đồng tình với các ý kiến này, đại biểu Quốc hội Lê Văn Hưng (đoàn Hưng Yên) cho rằng, các quy định bảo vệ người tố cáo trong dự thảo luật mới chỉ như liệt kê đầu việc mà không có cơ sở thực thi như kinh phí ở đâu, cơ quan đầu mối nào chịu trách nhiệm chính và các biện pháp cụ thể là biện pháp gì. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh) đề nghị, trong trường hợp người tố cáo không được bảo vệ thì cần có chính sách bồi thường thỏa đáng cho họ.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ